Thi thoảng chúng ta sẽ thấy một cuộc tranh luận thế này:
Mai Hoa là phương pháp lấy quẻ phổ biến, các phép lấy quẻ như giờ động tâm, serie tiền, hay dùng số bất kỳ nào đó để lập quẻ rồi luận quẻ đều nằm trong hệ thống lập quẻ Mai Hoa cả.
Lục Hào là cách gọi vắn tắt của Lục Hào Nạp Giáp Kinh Phòng, phương pháp luận quẻ sử dụng lục thân, can chi… phương pháp này lập quẻ bằng cách gieo 3 đồng xu.
Tuy cùng nằm trong hệ thống các môn bói dịch, nhưng rõ ràng là có sự khác nhau, nhưng nhiều người vẫn đang lấy quẻ theo Mai Hoa nhưng lại luận quẻ theo Lục Hào. Nên không phải vô cớ mà hiện nay có một số ý kiến cho rằng gieo quẻ “Mai Hoa” thì luận theo cách của “Mai Hoa” thôi, không nên luận theo “Lục Hào”.
Làm sao để hiểu vấn đề này một cách thấu đáo thay vì những lý luận cảm tính?
1, Bản chất thật sự của Mai Hoa Dịch Số là gì?
Mai Hoa dịch số hướng dẫn một phương pháp lấy quẻ không cần gieo xu. Các phương pháp được hướng dẫn ở Mai Hoa là những phép được lưu truyền trong dân gian, chúng ta không thực sự biết ai là tác giả. (Việc Thiệu Khang Tiết là tác giả thực ra khiến nhiều nhà nghiên cứu hoài nghi).
Phương pháp luận quẻ Mai Hoa Dịch Số đa dạng nhưng có thể chia thành 3 phần: sinh khắc ngũ hành quẻ, tam yếu thập ứng và các ứng dụng Kinh Dịch cổ điển, ví dụ như quẻ hỗ và ý nghĩa các quẻ, thoán từ, hào từ… thuộc về Kinh Dịch cổ điển
nhiều người cho rằng phương pháp luận Mai Hoa dịch số trọng tâm là: sinh khắc ngũ hành quẻ và hỗ quái. Thực ra hỗ quái được đề xuất bởi Ngu Phiên thời Hán nhằm giải thích ý nghĩa của 64 quẻ theo Kinh Dịch chứ không phải chỉ có trong Mai Hoa.
Các câu chuyện luận đoán quẻ trong sách Mai Hoa Dịch Số như câu chuyện đoán quẻ ở chùa Tây Lâm, chàng thiếu niên có nét mặt vui, lập quẻ từ tiếng kêu của con trâu, con gà, cành cây khô ngã xuống đất… là dẫn chứng cho việc luận quẻ Mai Hoa dựa nhiều vào các lý luận suy diễn ra từ Dịch Lý truyền thống, chứ không phải hoàn toàn chỉ dựa trên sinh khắc ngũ hành các quẻ.
Như vậy ta có thể hiểu là Mai Hoa Dịch Số không phải là một phương pháp đồng nhất, mà là quá trình tổng hợp nhiều phương pháp qua sự giao lưu học hỏi lẫn nhau. (1) Cái kết luận thứ nhất này quan trọng này, nó là 1 phần luận điểm cho câu trả lời. Thế còn phương pháp Lục Hào thì sao? Có phái là dòng phái chuyên nhất thuần chất? Hay cũng là pha trộn và kết hợp? Va hai trường phái này có mix lại được với nhau không? Thì phần tiếp theo có câu trả lời.
2, Trường phái Lục Hào
Trường phái này bắt nguồn từ Kinh Phòng thời Tây Hán. Hiện nay trường phái này hiện nay có mấy phần chính như sau: sinh khắc ngũ hành hào: lục thân – can chi hào và thứ 2 là khai thác thông tin từ các thần sát, thứ 3 là sự kết hợp với ý nghĩa của Kinh Dịch truyền thống.
Để hiểu chân nguyên trường phái này thì các bạn có thể tìm đọc cuốn Kinh Thị Dịch Truyện do anh Quách Ngọc Bội dịch, bạn sẽ thấy về nguyên bản thì chỉ nhắc tới lục thân và can chi các hào ứng với khí hậu, tinh tú các kiểu. Vậy các thần sát khác từ đâu ra?
Đến từ việc kết hợp với các môn khác, ví dụ: lục thú (lục thần) Thanh Long, Chu Trước, Câu Trận, Đằng Xà, Bạch Hổ, Huyền Vũ nhiều khả năng là phỏng theo Lục Nhâm, thậm chí có môn phái còn lôi vào hàng trăm thần sát khác nhau nhiều như trạch nhật.
Luận nhà cửa, hay xem ngôi thứ người trong gia đình từ hào 1 đến hào 6 là kế thừa các nguyên lý Kinh Dịch cơ bản, còn rất nhiều lý luận nữa được sử dụng hình thành từ việc kết hợp nhiều lý thuyết khác nhau trong huyền học.
Chưa kể, nếu xét theo nguyên lý an lục thân, chẳng phải là Lục Hào cũng sử dụng ngũ hành bát quái đó sao.
Kết luận 2: phương pháp Lục Hào hiện nay cũng là tổng hợp nhiều phương pháp qua sự giao lưu và học hỏi lẫn nhau. (2)
3, Vậy thái độ nào cho chúng ta?
Từ (1) và (2) ta hiểu rằng các trường phái trong Dịch đều liên tục có sự mở rộng và kết hợp với nhiều lý thuyết khác. Nên việc kết hợp hai trường phái có nhiều điểm tương đồng thế này là hoàn toàn dễ hiểu.
Thực tế việc kết hợp này được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm và có nhiều người cảm thấy là chúng có tác dụng tốt. Thấy tốt thì cứ dùng thôi, đừng quên phương pháp nào thì cuối cùng vẫn là bói dịch.
Và sau cùng các cuộc tranh luận đều giúp những người tham gia văn minh học được điều gì đẹp đẽ.
Một bài viết của Hoàng Trung.