Khi chúng ta quá vội vàng đi tìm cách vận dụng đơn giản, dễ dàng mà không tìm hiểu nguyên lý kỹ lưỡng thì những phát biểu mang tính chuyên môn trở nên lạc lõng. Bài viết này hy vọng cung cấp cho các bạn một cái nhìn chiều sâu hơn về định nghĩa Dụng thần trong bát tự, và hy vọng sẽ góp phần giúp các bạn có một quá trình tìm hiểu đúng đắn.
1, Phân tích ví dụ thực tế để thấy mâu thuẫn trong cách hiểu “dụng thần phổ biến hiện nay”
Nếu đọc qua một số cuốn sách phổ biến mà các bạn có thể dễ dàng tìm thấy ngoài các tiệm sách, thì “dụng thần” đang được hiểu là NGŨ HÀNH đóng vai trò tốt cho Bát tự. Bát tự có dụng thần hoặc đi qua đại vận có dụng thần đó thì gặp nhiều may mắn, gặp vận khắc dụng thần thì không tốt. Rất khó để hoàn toàn bác bỏ cách hiểu này vì nếu hoàn toàn không sử dụng được thì nó không thể phổ biến, nhưng nếu hiểu như thế thì rất khó – thậm chí là không thể – phân tầng được bát tự tốt, xấu, thậm chí nếu không hiểu đúng nguyên lý thì việc xác định dụng thần đôi khi là không có nhiều ý nghĩa.
Một vài ví dụ thực tế sẽ cho thấy minh chứng rất rõ ràng về điều này.
Bát tự của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm D.Trump
Bính Tuất – Giáp Ngọ – Kỷ Mùi – Kỷ Tỵ
Tôi lấy bát tự của người nổi tiếng để các bạn có thể hiểu rằng đó là các ví dụ khách quan, thực tế, không phải tôi dựng lên để lập luận cho quan điểm riêng của mình, nếu không muốn sa vào mê tín thì chúng ta phải dựa trên bằng chứng thực tiễn. Còn nếu bạn nào cho rằng người Mỹ không luận bát tự được, hoặc thế giới phải lấy Bắc Kinh là trung tâm thì tôi có bài phân tích bát tự một người sinh ở Việt Nam là học giả Nguyễn Hiến Lê tại youtube channel Học Viện Lý Số cũng có một số điểm tương đồng, trong bài này tôi dùng bát tự ông Trump để làm thực chứng.
Bát tự này chắc chắn hỏa thổ quá vượng, không có chút thủy nào, nếu áp dụng theo mấy sách phong trào kiểu sống đúng mùa sinh thì chẳng có chút “dụng thần” nào. Vậy đời ông ta có bi thảm không? Các bạn tự đưa ra đánh giá của riêng mình.
Hành hỏa vượng ông ta có phải dùng màu xanh nước biển để cân bằng lại không? Xin lưu ý là có thời gian ông Trump tham gia ủng hộ đảng Dân chủ với màu chủ đạo là màu xanh, còn đắc cử Tổng thống với tư cách là ứng cử viên đảng Cộng Hòa với màu chủ đạo là đỏ.
Dựa vào thực tế đó mà nếu các bạn trót đặt niềm tin vào một số cuốn sách đã mua thì nếu có thể hãy suy nghĩ lại.
Nhưng có một thực tế nữa trong trường hợp này thì các vận hành thủy, kim, thấp thổ, ông ấy cơ bản là tốt hơn nhiều so với vận hành hỏa, thổ.
Vậy là nếu chỉ có một loại “dụng thần” để luận hành vận thì biết đâu cái “dụng thần” ấy lại chỉ đúng trong luận hành vận mà không đúng trong luận tốt xấu trong nguyên cục của bát tự?
Vì thế lại hình thành quan điểm khác: “mệnh tốt không bằng vận tốt”. Tức là bát tự có hay không dụng thần này không quan trọng mà đại vận có gặp vận đó mới quyết định số phận tốt xấu? Tôi cho rằng quan điểm này phi thực tế. Ví dụ tỷ phú người Mỹ ông Gates, đã trải qua đủ các vận có hỏa, kim, có vận nào ông ấy phá sản? Hay có nhiều người thọ mà bần cùng, sống bảy, tám mươi năm trong nghèo khó, bần hàn, chẳng lẽ lại không có lần gặp vận dụng thần hoặc sinh cho dụng thần hay sao?
Với lý luận như thế bạn không thể phân thứ tầng bát tự, tức là nhận biết đâu là bát tự quý cách, đâu là bát tự bại cách.
2, Dụng thần và dụng thần hành vận
Trong lý luận Bát tự Tử Bình truyền thống, “dụng thần” là khái niệm chỉ thập thần – chứ không đơn giản là ngũ hành – sử dụng để nhận biết mệnh cục là tốt hay xấu, và tùy hành vận mà “dụng thần” đó có thể phát huy được hay không. Như trong sách Tử Bình Chân Thuyên, mỗi nhóm thập thần đều có 2 chương: “luận…” và “luận … thủ vận”.
Và ý nghĩa của khái niệm Dụng thần trong đó cũng khác với khái niệm “dụng thần phổ biến hiện nay”, tôi sẽ trở lại với khái niệm này ở phần sau nữa. Đại khái thế này cho dễ hiểu này, có những thập thần (can chi) đóng vai trò tốt trong việc phân tích nguyên cục của bát tự, gọi là dụng thần, và có những can chi trong đại vận có thể đem lại biến đổi tốt hoặc xấu cho bát tự ấy, tạm gọi là “dụng thần hành vận”. Tùy vào tổ hợp bát tự mà “dụng thần” và “dụng thần hành vận” có thể giống nhau, hoặc khác nhau. Mà bạn không thể chỉ chọn 1 ngũ hành đại diện cho cả 2 loại dụng thần này được, thậm chí 2 can, chi chung 1 ngũ hành mà có thể có 1 can tốt, 1 can xấu. Ví dụ, trong bát tự nhật chủ là Ất mộc, bát tự có nhiều thổ, thấu ra 1 can Canh kim là Chính Quan, thì gọi là cách tài sinh quan mà không có Ấn, thì gặp vận có can là Canh kim thì tốt, gặp vận có Tân kim là Thất Sát thì lại không tốt. (cựu TT Mỹ Bill Clinton)
Quay lại bát tự ông Trump, mệnh ông ấy dụng thần là Ấn kiêu, hành hỏa, nó cần thủy vừa phải để trở lên bùng cháy, nhưng có quá nhiều thủy lại khiến hỏa trở nên cuồng nộ và nguy hiểm.
Giống như nấu ăn thì cần muối mà cho nhiều muối thì phải đổ đi bởi không ăn nổi. Có những người thích đi tìm một ngũ hành “dụng thần” rồi nghĩ bổ trợ nó vào càng nhiều thì càng tốt. Bạn nhận xét thế nào nếu một người nấu một bát canh cá mà cho vào 1 cân muối?
Mà tính dụng thần cũng chỉ là bước đầu để luận bát tự, các bước sau thì còn khó hơn nhiều. Có bát tự có thể luận hành vận theo cách phổ thông, bên cạnh đó lại có rất nhiều bát tự cần phân tích bài bản, phức tạp.
Dĩ nhiên các trường phái Tử Bình xưa nay đều có ưu, nhược điểm khác nhau, việc nghiên cứu càng nhiều các tài liệu Tử Bình tự cổ chí kim giúp ta có nhiều góc nhìn khác nhau, đứng trên nhiều quan điểm khác nhau để nhìn về cùng một vấn đề, gạn đục khơi trong và qua quá trình nghiệm lý số lượng đủ nhiều để đúc kết ra những lý luận phù hợp thực tiễn, thậm chí phát hiện ra những trường hợp mà sách xưa chưa đề cập tới, hoặc đề cập tới mà chưa hoàn thiện.
Nên sẽ là đáng tiếc nếu kiến thức của chúng ta chỉ gói gọn trong số ít cuốn sách phổ biến của một vài tác giả, nhiều tác phẩm trong số đó bị chi phối bởi việc cung cấp những kiến thức được nhiều người thích, chứ không phải các kiến thức chuyên môn đúng, sâu sắc và đầy đủ, vì những điều đó chỉ thích hợp cho số ít người.