Chương 35: Quẻ LÔI PHONG HẰNG
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
:|||:: Lôi Phong Hằng (恆 héng)
Quẻ Lôi Phong Hằng, đồ hình :|||:: còn gọi là quẻ Hằng (恆 heng2), là quẻ thứ 32 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☴ (:|| 巽 xun4) Tốn hay Gió (風).
* Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).
Giải nghĩa: Cửu dã. Trường cửu. Lâu dài, chậm chạp, đạo lâu bền như vợ chồng, kéo dài câu chuyện, thâm giao, nghĩa cố tri, xưa, cũ.
Ở đầu quẻ Hàm, tôi đã nói tại sao sau quẻ Hàm (trai gái cảm nhau) tiếp tới quẻ Hằng (đạo vợ chồng có tính cách lâu dài). Hàm: trên là Chấn trưởng na, dưới là Tốn, trưởng nữ chồng trên, vợ dưới ,rất hợp đạo, thì tất được lâu dài.
Thoán từ
恆: 亨, 无咎; 利貞, 利有攸往.
Hằng: Hanh, vô cữu; lợi trinh, lợi hữu du vãng.
Dịch: Lâu dài thì hanh thông, không có lỗi; giữ được chính đạo thì có lợi, tiến hành việc gì cũng thành công.
Thoán truyện giảng: Cương (Chấn) ở trên, nhu (Tốn) ở dưới, sấm gió giúp sức nhau, Chấn động trước, Tốn theo sau, thế là thuận đạo. Lại thêm ba hào âm đều ứng với ba hào dương, cũng là nghĩa thuận nữa, cả hai bên đều giữ được đạo chính lâu dài.
Hào từ
1 初六: 浚恆, 貞凶, 无攸利.
Sơ lục: tuấn hằng, trinh hung, vô du lợi.
Dịch: Hào 1, âm: Quá mong được thân mật lâu dài; cứ quyết (trinh) như vậy, không chịu bỏ thì xấu, không làm gì được thuận lợi cả.
Giảng: Hào 1 ứng với hào 4, nhưng địa vị mình quá thấp, địa vị 4 quá cao, mà 4 là dương cương, chỉ trông lên không ngó xuống mình; lại thêm có 2 hào 2 và 3 ngăn cách vậy mà không biết phận cứ tiến sâu (tuấn là sâu), mong được thân mật lâu dài, keo sơn với 4, thành ra ngu. Cứ kiên cố giữ cách ấy thì xấu.
2. 九二: 悔亡.
Cửu nhị: hối vong.
Dịch: Hào 2, dương: hối hận tiêu hết.
Giảng: Hào này dương cương ở vị âm, đáng lẽ có hối hận, nhưng vì đắc trung lại ứng với hào 5 cũng đắc trung, thế là giữ được đạo trung, nên không có gì hối hận.
3. 九三: 不恆其德, 或承之羞, 貞吝.
Cửu tam: Bất hằng kì đức, hoặc thừa chi tu, trinh lận.
Dịch: Hào 3, dương : không thường giữ được cái đức của mình, có khi bị xấu hổ, dù chính đáng cũng đáng tiếc.
Giảng: Hào dương ở vị dương là đắc chính, nếu thường giữ được đức “chính” đó thì tốt; nhưng vì quá cương mà bất đắc trung, lại theo đòi với hào trên cùng âm nhu, thế là bỏ cái đức chính của mình, muốn kết bạn với hào trên cùng, chưa biết chừng bị xấu hổ đấy. Vậy 3 tuy “ chính “ đấy, chỉ vì không thường giữ được đức đó, thì tuy chính mà vẫn đáng tiếc.
4. 九四: 田无禽.
Cửu tứ: Điền vô cầm.
Dịch: Hào 4, dương : như đi săn mà không được cầm thú.
Giảng: Hào dương mà ở vị âm, là không phải chỗ của mình mà cứ ở lâu chỗ đó, vì trong quẻ Hằng thì chẳng nên việc gì, chỉ mất công thôi, như đi săn mà không bắt được cầm thú.
5. 六五: 恆其德, 貞. 婦人吉, 夫子凶.
Lục ngũ: Hằng kỳ đức, trinh. Phụ nhân cát, phu tử hung.
Dịch: Hào 5, âm: giữ được thường (lâu) đức của mình, bền mà chính. Đàn bà thì tốt, đàn ông thì xấu.
Giảng: Hào 5, âm nhu, đắc trung, ứng với hào 2 dương cương cũng đắc trung, nếu cứ thuận tòng từ trước tới sau thì là bền mà chính đáng. Nhưng đó chỉ là đạo của đàn bà như hào 5, âm này thôi; không hợp với đàn ông, vì theo quan niệm thời xưa, phu xướng phụ tùy.
Tiểu tượng truyện giảng thêm, đàn ông phải tìm ra cái gì đáng làm thì làm (phu tử chế nghĩa), chứ cứ một mực theo vợ thì xấu.
6. 上六: 振恆, 凶.
Thượng lục: chấn hằng, hung.
Dịch: Hào trên cùng, âm: cử động hoài, không chịu yên thì xấu.
Giảng: Ở trên cùng quẻ Hằng và ngoại quái Chấn, cho nên nói là ham động quá, lại âm nhu, không bền chí, ở yên không được sẽ thất bại.
***
Quẻ này quan trọng ở hào 5: đạo phu xướng phụ tùy của Trung Hoa thời xưa. Một lời khuyên là theo lý mà làm, đừng hành động càn.
“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
32. 雷 風 恆 LÔI PHONG HẰNG
Hằng Tự Quái | 恆 序 卦 |
Phu phụ chi đạo. | 夫 婦 之 道 |
Bất khả dĩ bất cửu dã | 不 可 以 不 久 也 |
Cố thụ chi dĩ Hằng. | 故 受 之 以 恆 |
Hằng giả cửu dã. | 恆 者 久 也 |
Hằng Tự Quái
Vơ chồng là chuyện trường kỳ,
Quẻ Hằng mới lấy mà ghi lẽ hằng.
I. Thoán.
Thoán Từ:
恆:亨,無 咎,利 貞,利 有 攸 往 .
Hằng. Hanh. Vô cữu. Lợi trinh. Lợi hữu du vãng.
Dịch.
Hằng là hằng cửu, cửu trường,
Biết hằng, biết biến, thời thường hanh thông.
Hanh thông, mới khỏi lỗi lầm,
Hằng nơi chính đạo, mới mong lời nhiều.
Hằng có nhiều nghĩa:
1. Hằng là lâu dài, hằng cửu.
2. Hằng là bất dịch, bất biến.
3. Hằng là bất dĩ, không ngừng nghỉ.
Tự Quái cho rằng: Hằng tượng trưng cho đạo vợ chồng, vì đạo vợ chồng là chuyện lâu dài, bền bĩ, ăn đời ở kiếp cùng nhau, chứ không phải chuyện ăn xổi ở thì.
Khi còn là nhân tình, như nơi quẻ Hàm, thì nam phải nhường cho nữ, nhưng khi đã thành vợ thành chồng, như trong quẻ Hằng, thì chồng phải được trọng hơn vợ; gia đình có tôn ti như vậy, mới đi đến hằng cửu được.
Có trường cửu, mới có hanh thông; trường cửu mà hanh thông mới không đáng trách; trường cửu, bền vững theo chính lý, chính nghĩa mới hay, mới lợi. Nhưng hằng cửu không phải là cố chấp, bất biến, đã biến hằng, phải biết biến nữa mới vẹn hảo. Vì thế Thoán Từ mới nói: Hằng. Hanh. Vô cữu. Lợi trinh. Lợi hữu du vãng.
Thoán Truyện.
彖 曰:恆,久 也 . 剛 上 而 柔 下,雷 風 相 與,巽 而 動,剛 柔 皆 應,恆 . 恆 亨 無 咎,利 貞 . 久 於 其 道 也,天 地 之 道,恆 久 而 不 已 也 . 利 有 攸 往,終 則 有 始 也 . 日 月 得 天,而 能 久 照,四 時 變 化,而 能 久 成,聖 人 久 於 其 道,而 天 下 化 成 . 觀 其 所 恆,而 天 地 萬 物 之 情 可 見 矣 .
Thoán viết. Hằng. Cửu dã. Cương thượng nhi nhu hạ. Lôi phong tương dự. Tốn nhi động. Cương nhu giai ứng. Hằng. Hằng hanh vô cữu. Lợi trinh. Cửu ư kỳ đạo dã. Thiên địa chi đạo. Hằng cửu nhi bất dĩ dã. Lợi hữu du vãng. Chung tắc hữu thuỷ dã. Nhật nguyệt đắc thiên. Nhi năng cửu chiếu. Tứ thời biến hoá. Nhi năng cửu thành. Thánh nhân cửu ư kỳ đạo. Nhi thiên hạ hoá thành. Quan kỳ sở hằng. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.
Dịch.
Hằng là hằng cửu, cửu trường,
Cứng trên, mềm dưới, lẽ thường tôn ti.
Sấm cùng với gió tương kỳ,
Động mà uyển chuyển, nên chi cửu trường.
Lại còn tương ứng nhu cương,
Không loi, không lẻ, có đường dài lâu.
Hằng mà hay, lợi trước sau,
Là cùng đạo nghĩa, gót đầu chẳng sai.
Sáng soi Nhật Nguyệt lâu dài,
Là vì luôn cứ đường trời ruổi rong.
Tứ thời biến hóa vô cùng,
Cho nên mới được thung dung cửu trường.
Thánh nhân đạo nghĩa thời thường,
Khiến cho thiên hạ có phương hóa thành.
Có Hằng, mới rõ sự tình,
Đất trời, vạn vật, phân minh tỏ tường.
Thoán Truyện định nghĩa Hằng là hằng cửu. Thoán viết: Hằng. Cửu dã. Sở dĩ gọi quẻ này là Hằng vì 4 lý do:
1. Vì quẻ hằng có cương ở trên là Lôi; nhu ở dưới là Phong. Thế là Dương tôn Âm ti, theo đúng lẽ thường.
2. Vì quẻ Hằng có sấm (= Chấn), có gió (= Tốn). Mà sấm, gió thường đi đôi với nhau, tăng cường lẫn nhau.
3. Vì Hằng trên là Chấn, là động; dưới là Tốn, là tốn thuận; Dương thì hoạt động mạnh mẽ, Âm thì nhu hòa, tốn thuận theo Dương, đó là lẽ thường của trời đất.
4. Vì Hằng có Chấn là cương, Tốn là nhu, hai đằng ứng hợp nhau. Đó là lẽ Âm Dương giao cảm, hiệp hòa trong trời đất. Trời đất có tôn ti trật tự, nhờ có sự xướng tùy, hòa hợp, tương ứng, tương dự, mới thực hiện được sự trường cửu. Vì thế, Thoán Truyện mới nói: Cương thượng nhi nhu hạ. Lôi phong tương dự. Tốn nhi động. Cương nhu giai ứng. Hằng.
Phàm chuyện đời bao giờ cũng cần phải có sự lâu dài bền bĩ, nhưng lâu dài bền bĩ cho hợp đạo, hợp nghĩa, thì mới nên công trình, mới đem lại sự hanh thông. Làm sai đạo lý, đi ngược định luật trời đất, thời dẫu bền gan đến mấy cũng công toi. Vì thế Thoán Truyện mới viết thêm: Hằng hanh vô cữu. Lợi trinh. Cửu ư kỳ đạo dã.
Đạo trời đất thời vừa hằng cửu, vừa biến hóa không cùng. Có hằng mới có biến; có biến hóa, vãng lai tuần hoàn, nên hễ có chung thời lại có thủy, và cứ vậy cho nên mới vô cùng tận. Vì thế Thoán Truyện bàn tiếp: Thiên địa chi đạo. Hằng cửu nhi bất dĩ dã. Lợi hữu du vãng. Chung tắc hữu thuỷ dã.
Mặt trời, mặt trăng nhờ định luật của trời đất, vãng lai, doanh súc, có tuần tiết nên mới sáng soi mãi mãi. Bốn mùa nhờ có biến hóa nên mới tác thành cho muôn vật mãi mãi. Thánh nhân nhờ biết kiên trì, chung thân giảng dạy đạo trời, nên mới hóa thành được thiên hạ. Muốn hiểu ý tình của trời đất vạn vật, chúng ta cần phải có cái nhìn toàn bích, và bao quát. Vì thế Thoán Truyện mới viết thêm: Nhật nguyệt đắc thiên. Nhi năng cửu chiếu. Tứ thời biến hoá. Nhi năng cửu thành. Thánh nhân cửu ư kỳ đạo. Nhi thiên hạ hoá thành. Quan kỳ sở hằng. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.
Tóm lại, quẻ Hằng bao quát, chẳng những lẽ hằng lại còn cả lẽ Biến trong trời đất. Biết hằng mà không biết biến hóa, là chấp nhất bất thông. Biết biến mà không biết hằng là luân hồi vô định. Có biết hằng để mà biến, biến để mà hằng, thì mới tóm thâu được lẽ trời đất.
II. Đại Tượng Truyện
象 曰:雷 風 . 恆 . 君 子 以 立 不 易 方 .
Tượng viết.
Lôi phong. Hằng. Quân tử dĩ lập bất dịch phương.
Dịch. Tượng rằng:
Sấm gió là tượng quẻ Hằng,
Tìm nơi hằng cửu, an thân mới là.
Tượng Truyện, vì nhìn thấy lẽ hằng cửu trong trời đất, nên mới khuyên người quân tử băng qua mọi biến thiên để tìm về trung tâm điểm bất dịch. Tìm được tâm điểm bất dịch, tức là tìm được Thái Cực theo từ ngữ Nho giáo; tìm được Chân Tâm theo từ ngữ Phật giáo; tìm được Đạo theo từ ngữ Lão giáo; tìm được Bản Thể Tuyệt Đối theo từ ngữ triết học; chỉ ư chí thiện theo từ ngữ Đại Học.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Các Hào bàn về cả hai phương diện biến, hằng. Đại khái rằng người quân tử, tuy suốt đời, phải noi theo lý tưởng, noi theo đạo lý, nhưng không phải vì thế mà trở nên người cố chấp, thiển cận; ngược lại, người quân tử phải tỏ ra hết sức quyền biến, thích nghi, để lúc nào cũng hợp thời hợp cảnh, mà vẫn không phản bội lý tưởng, đường lối và chí hướng của mình. Quẻ Hằng không dựa vào sự tương ứng của sáu hào để suy nghĩa, mà lại dựa vào hai quẻ trên, dưới, để nhận định:
Hào Sơ ở cuối quẻ dưới, Hào Tứ ở cuối quẻ trên, nên đầu chưa đạt được lẽ Hằng chân chính, hãy còn lệ thuộc vào thường lệ (tức là lệ thuộc vào định luật của xã hội, của Đạo giáo), mà chưa biết biến lệ (tức là khi gặp hoàn cảnh nguy cấp, cần cấp, thì phải biết biến). Ví dụ: người theo đạo Jehovah’s Witness, không được truyền máu tươi vào người, vì thế nên rủi bị thương tích cần được tiếp máu, thì đành chịu chết, chứ không được cho truyền máu ở ngoài vào. Đáng lẽ phải biết quyền biến, phải vì hoàn cảnh nguy đó mà thay đổi lề luật của đạo, mà cho truyền máu để cứu mạng thì đúng hơn, do đó ta nói: Sơ thì dở, mà Tứ thì cũng chẳng hay.
Hào Tam đầu quẻ dưới, Hào Thượng đầu quẻ trên, thời lại quá mức; chỉ thích nhẽ biến mà không biết nhẽ thường (ví dụ: có những người chỉ thích sống phóng túng theo văn minnh vật chất, mà không chịu gò mình vào lễ giáo), vì vậy mà Tam thời hay thay đổi (bất Hằng), Lục thì lao xao, lác xác (chấn Hằng = thay đổi).
Duy có Hào Nhị, Hào Ngũ là biết xử cho phải, xử theo đúng lẽ Hằng chân chính; Hào Nhị thời biết Năng cửu trung, gặp nghịch cảnh vẫn theo đúng đạo lý. Hào Ngũ thì biết lẽ hằng cửu, lại biết quyền biến, cho nên dầu gặp hoàn cảnh không thuận tiện, cũng biết xử sự cho phải.
Học 6 Hào quẻ Hằng mà nhớ được 2 chữ: Có khi biến có khi thường, hoặc chấp kinh cũng phải tòng quyền, là hiểu được thêm ý Dịch Kinh phơi bày trong quẻ này.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 浚 恆 . 貞 凶 . 無 攸 利 .
象 曰 . 浚 恆 之 凶 . 始 求 深 也 .
Sơ lục. Tuấn hằng. Trinh hung. Vô du lợi.
Tượng viết.
Tuấn hằng chi hung. Thuỷ cầu thâm dã.
Dịch.
Thoạt đầu mà tưởng sâu xa,
Cứ theo cách ấy, ắt là hung tai.
Tượng rằng: Bước đầu đại khái sơ sài,
Mà mong sâu sắc, rạch ròi làm sao?
Hào Sơ cho rằng vừa chân ướt chân ráo, bước vào 1 phạm vi nào, 1 vấn đề gì, mà đã đòi hiểu xa, biết rộng, đó là 1 chuyện phi lý, rất có hại, chẳng thể nên công. Vì thế Hào từ mới nói: Tuấn hằng. Trinh hung. Vô du lợi.
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 悔 亡 .
象 曰 . 九 二 悔 亡 . 能 久 中 也 .
Cửu nhị. Hối vong.
Tượng viết.
Cửu nhị hối vong. Năng cửu trung dã.
Dịch
Tuy không thuận cảnh, thuận ngôi,
Ăn năn hối lỗi âu thời cũng xong.
Tượng rằng: Chẳng phải ăn năn,
Vì rằng xử sự luôn nhằm đạo trung.
Hào Hai là Dương Hào cư Âm vị, thế là nhờ sống trong nghịch cảnh, nhờ theo đúng lẽ phải, theo đúng định luật của trời đất, nên hóa giải được mọi sự dở dang, chếch mác. Hào từ chỉ nói hai chữ hối vong, nhưng ta phải đem Hào tài Hào vị mà giải thích thêm, tuy Dương Hào cư Âm vị là bất chính, nhưng nhờ đắc trung, nên mới hối vong. Tượng Truyện giải rằng: Sở dĩ thoát được mọi điều phàn nàn chính là vì đã biết bền vững theo Trung đạo, theo đạo lý, tức Năng cửu trung.
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 不 恆 其 德 . 或 承 之 羞 . 貞 吝 .
象 曰 . 不 恆 其 德 . 無 所 容 也 .
Cửu tam. Bất hằng kỳ đức. Hoặc thừa chi tu. Trinh lận.
Tượng viết.
Bất hằng kỳ đức. Vô sở dung dã.
Dịch.
Người mà tính nết hay thay,
Rồi ra tủi hổ có ngày phải mang.
Dở rồi, còn cứ làm gan,
Ở trong dở mãi, phàn nàn rồi đây.
Tượng rằng: Tính nết hay thay,
Ai mà chịu nổi ngữ này được đâu?
Hào Ba là Hào thượng của quẻ Tốn, mà Tốn có nết là không quả quyết, không có định kiến. Vì thế mà Hào ba tượng trưng cho những người không quả quyết, hay thay đổi, nay thế này, mai thế khác. Những người nhẹ dạ như vậy chỉ mua chuốc lấy xấu hổ cho mình. Đó là những người Bất hằng kỳ đức hay thừa chi tu. Những người thế ấy sẽ không có chỗ dung thân; Tượng viết: Bất hằng kỳ đức vô sở dung dã. Thực vậy, đã mau thay, chóng chán, thì làm sao giỏi về nghề nghiệp, làm sao mà chung thủy được với ai.
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 田 無 禽 .
象 曰 . 久 非 其 位 . 安 得 禽 也 .
Cửu tứ. Điền vô cầm.
Tượng viết.
Cửu phi kỳ vị. An đắc cầm dã.
Dịch.
Đi săn mà chẳng gặp chim,
Tượng rằng: Chẳng đúng vị ngôi,
Thì sao mà bắt được mồi, được chim.
Hào Cửu tứ là Dương cư Âm vị, vừa bất trung, lại vừa bất chính, nghĩa là vừa sống trong nghịch cảnh, lại vừa không khéo xử, thì làm sao mà làm nên công trạng gì được; cũng như người đi săn, nhè ngay nơi không có mồi, có chim mà săn, thì dẫu vất vả tối ngày cũng không có gì trong bị. Cửu Tứ viết: Điền vô cầm. Tượng viết: Cửu phi kỳ vị. An đắc cầm dã.
5. Hào Lục ngũ.
六 五 . 恆 其 德 . 貞 . 婦 人 吉 . 夫 子 凶 .
象 曰 . 婦 人 貞 吉 . 從 一 而 終 也 . 夫 子 制 義 . 從 婦 凶 也 .
Lục ngũ. Hằng kỳ đức. Trinh. Phụ nhân cát. Phu tử hung.
Tượng viết.
Phụ nhân trinh cát. Tòng nhất nhi chung dã. Phu tử chế nghĩa.
Tòng phụ hung dã.
Dịch.
Luôn luôn ăn ở thuận tòng,
Đàn bà thì tốt, đàn ông thì tồi.
Tượng rằng: Đàn bà thuận tòng thời hay,
Một đời chuyên nhất, xưa nay đã đành.
Đàn ông quyền biến cho tinh.
Cứ như phụ nữ, tốt lành chi đâu.
Hào Năm chủ trương rằng: Chấp nhất hoặc chấp trung vô quyền biến là dở, chứ chẳng phải là hay. Ví như đàn bà có thể chấp nhất, theo đúng truyền thống được, chứ đàn ông thời phải biết tùy cơ ứng biến mới hay, mới phải. Vì thế Hào Lục ngũ nói: Hằng kỳ đức. Trinh. Phụ nhân cát. Phu tử hung. Mạnh Tử chê những người cố chấp; Bá Di là người tiết tháo, trung trực ngay thẳng, đến nỗi không chịu đứng chung 1 triều đình với kẻ ác, chuyện vãn với kẻ ác. Nói chuyện với hương lân mà thấy họ đội nón chẳng ngay, liền vội vã bỏ đi ngay. Người như thế, Mạnh Tử cho là cố chấp hẹp hòi. (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, thượng – 9.)
6. Hào Thượng lục.
上 六 . 振 恆 . 凶 .
象 曰 . 振 恆 在 上 . 大 無 功 也 .
Thượng lục. Chấn Hằng. Hung.
Tượng viết.
Chấn hằng tại thượng. Đại vô công dã.
Dịch.
Luôn luôn xớn xác, lau chau,
Thế thời có tốt chi đâu mà hòng.
Tượng rằng: Người trên xớn xác, lau chau,
Luôn luôn như vậy, có đâu công thành.
Hào Thượng Lục cho rằng những người hấp tấp, bồng bột, những người lao xao, lắc xắc, không làm nên công chuyện gì, vì một khi đã không bình tĩnh, không tự chủ, thì không làm được việc lớn, đó là trường hợp Vương An Thạch muốn thay đổi hết thể chế, luật lệ đời nhà Tống.
ÁP DỤNG QUẺ HẰNG VÀO THỜI ĐẠI
Trước hết Tự Quái bàn về đạo vợ chồng, mà đạo vợ chồng là phu xướng phụ tùy, là thông cảm lẫn nhau, là ăn đời ở kiếp với nhau. Còn Thoán, Tượng và Hào dạy ta đi từ Biến Thiên (Vạn Hữu) đến Bất Biến, Hằng Cửu.
Biến thiên là luôn thay đổi, bất kỳ về phương diện gì, đạo Phật gọi Biến Thiên là Vô Thường, là Luân Hồi. Bất biến hay hằng Cửu là ổn định, là không thay đổi. Đạo Phật gọi Hằng Cửu là Niết Bàn. Đạo Lão gọi Hằng Cửu là Đạo. Đạo Nho gọi Hằng Cửu là Thái Cực (Trời).
*Về phương diện vật chất, nhờ dinh dưỡng nên cơ thể chúng ta thay đổi hằng ngày, nhưng tới 1 tuổi nào đó nó sẽ thay đổi ít thôi, nhưng nó không đưa ta tới Hằng Cửu.
*Về phương diện tinh thần, nếu đi về phía đạo đức thì gọi là Đại nhân, nếu đi về phía vật dục thì gọi là Tiểu nhân, nếu đi về phía tinh hoa cao đại, thì gọi là Thánh nhân. Đó là đường đi về nơi Chí thiện, nơi Hằng Cửu.
Khi ta còn ít tuổi ta nên theo một đạo giáo, để cho ta có một ý niệm căn bản về đạo đức, để cho ta biết thế nào là làm lành tránh dữ, nhưng đến khi đã lớn tuổi, đã đủ sức phân biệt điều phải, quấy, thì ta phải biết mở rộng tầm nhìn, lối nghĩ, phải tìm hiểu về các đạo khác, tìm hiểu những cái hay, cái dở của họ hay của mình, để óc ta không bị những điều cố chấp, hẹp hòi của đạo giáo, nó đè nén ta trong 1 cái lồng của tư tưởng chật hẹp.
Nếu ta theo một đạo giáo nào, thì dù ngoan đạo tột bực chăng nữa, ta cũng không thể đi tới chỗ Chí thiện được, vì ta phải tuân theo những giáo điều của họ, nên sự suy tư của ta bị gò bó vào một chỗ, do đó tinh thần ta không thể phát triển tới chỗ cao đại được. Nếu muốn tới chỗ tinh hoa mà các Nho gia xưa kia nói là: Chỉ ư chí thiện, thì ta phải tự cởi bỏ những xiềng xích mà đạo giáo đã trói buộc ta, rồi phải dày công suy tư đọc sách thánh hiền, nhờ cao nhân chỉ điểm, thì ta mới thu hoạch được kết quả, còn mong nhờ những phương pháp bàng môn, tả đạo để thu hoạch kết quả, thì quả thực là công việc mò trăng đáy biển, vô ích vậy.
Khi đọc được một cuốn sách hay, hay gặp được cao nhân giỏi chỉ điểm cho ta, thì ta hãy lắng tâm để ghi nhận những điều hay ý đẹp đó, nhưng ta đừng trụ vào nó, mà phải luôn luôn thu nhận những cái mới mẻ khác. Vì những điều mà ngày hôm nay ta tưởng là hay nhất, thì biết đâu ngày mai sẽ có những điều mới mẻ hơn đến với ta, nhất là sự tiến hóa về mọi phương diện của nhân loại đang trên đà phát triển. Do đó Đức Phật khi xưa đã nói trong kinh Kim Cương: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, để nhắc nhở ta vậy.
*Về phương diện nghề nghiệp, nếu ta cố gắng học hỏi, dày công suy tư, nghiên cứu, để giúp ích cho nhân loại, thì ta cũng có thể đưa nó, hay nó đưa tên tuổi ta tới ngàn đời sau, tức Hằng Cửu vậy.
Ngày nay chúng ta sống trong tiện nghi: đèn điện, bếp ga, điện thoại, tủ lạnh, quạt máy, v.v… máy bay đưa ta vượt trùng dương, ô tô giúp ta vận chuyển hàng ngày, còn biết bao lợi ích mang tới cho nhân loại, mà trang giấy nhỏ này không sao kể xiết được. Tóm lại, những sự phát minh đó đã mang lợi ích nhiều cho nhân loại, và đã mang tên tuổi của các nhà bác học đó tới Hằng Cửu vậy.
Các nhà ái quốc, các vị quan thanh liêm, các vị trung thần, những người đã dùng nghề nghiệp của mình để bảo vệ dân, mưu lợi ích cho dân, khi chết đi được dân thờ phượng, thì các vị đó đã lên được tới Hằng Cửu vậy.
Tóm lại, Hằng Cửu hay Niết Bàn muốn đạt được không phải quá khó khăn, vì nó không phải là nơi chốn, mà nó chỉ là một trạng thái thuộc về tâm linh, miễn sao ta luôn cố gắng tiến tới về mọi phương diện, để có thể tự hào là ngẩng mặt lên không thẹn với Trời, cúi mặt xuống không hổ với Đất, thì Niết Bàn sẽ mở để chờ ta.
“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
32.Lôi phong hằng
Ðại cương:
Tên quẻ: Hằng là Cửu (lâu, thường luôn, đương nhiên cứ thế).
Thuộc tháng 1.
Lời tượng
Lôi phong: Hằng. Quân tử dĩ lập bất dịch phương.
Lược nghĩa
Sấm gió là quẻ Hằng (thường). Người quân tử lấy đấy mà đứng vững không đổi phương hướng.
Hà Lạc giải đoán
Những tuổi nạp giáp:
Tân: Sửu, Hợi, Dậu
Canh: Ngọ, Thân, Tuất
Lại sanh tháng 1 là cách công danh phú quý. Sanh từ tháng 9 đến tháng 12 thì phúc kém.
THƠ RẰNG:
Ngồi yên quân tử chớ lo,
Tiền đồ chẳng ngại trời cho chu tuyền.
Phong thư đến, tự nhật biên,
Cần xa bốn biển đã truyền danh thơm.
doản hằng, trinh hung, vô du lợi. Ý HÀO: Cố chấp không đo thời thế, chẳng nên cứ hằng như thế.
MỆNH – HỢP- CÁCH: Liệu sự giao thiệp thân sơ như thế nào rồi hãy cầu,đo thời- thế nên chăng ra sao rồi hãy làm, thì mới đạt đươc chí, toại được ý, thành quý- nhân được.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Chẳng biết Phận mình, chẳng lường nông sâu, nên động làm là trở- trệ thất bại.
XEM -TUẾ – VẬN: _Quan chức: không được lòng cấp trên _Giới sĩ: khó gặp tri kỷ. _Người thường:Chẳng hiểu nhân tình, cứ nhơn nhơn ngoài đường. Tĩnh thì đỡ xấu
Hối vong Ý HÀO: Giữ đạo trung nên ít lỗi.
MỆNH – HỢP- CÁCH: Thấy điều thiện thì làm, có lỗi thì sửa, hưởng phú quý phuc trạch
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng bình bình chẳng xấu,già không bệnh tật, sống lâu, tiếng trong sạch.
XEM – TUẾ -VẬN: _Quan chức:Cẩn thận không-sơ,khoáng. _Giới sĩ:Tôn sùng dức tính. _Người thường: Cố thủ không bị hao tổn.
Bất hằng kỳ đức, hoặc thừa chi tu, trinh lận. Ý HÀO: Không giữ đức hằng, làm điều bất thiện.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Hỏng nết mất tiếng, khó dung thứ.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức và giới sĩ: Phòng cách giáng, chê cười. _Người thường: Phòng nhục nhã kiện tụng.
Ðiền vô cầm. Ý HÀO: Không nên giữ lâu mà cứ ở lâu.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Cũng dùng xảo thuật để được lòng trên, ham hưởng lộc vị công danh, sớm thoái thì hơn.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Việc làm không thực sự, sinh nhai kém, hoặc nghề săn bắn.
XEM – TUẾ – VẬN _Quan chức và giới sĩ: Thoái bộ, khó tiến. _Người thường: Mọi người doanh mưu phí lực.
Hằng kỳ đức, trinh, phu nhân cát, phu tử hung. Ý HÀO: Lấy đức nhu lào đạo hằng mà chẳng lo là thiện vậy.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Có đức hoặc được vợ hiền giúp sức,
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Quyền vào tay người khác, hoặc gặp vợ hung hãn, hại gia đạo.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: A dua quyền thế, bị chê cười. _Giới sĩ: Tiến liều bị nhục. _Người thường: Bá thiện bị huỷ báng, bài xích.
Chấn hằng, hung. Ý HÀO: Chỉ tạo động, lên không biết cố thủ, thế là không đúng đạo hằng.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Làm đúng lý không hỏng việc, hợp nghĩa không quá chức Phận.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Thích làm to, lập công mà trái phép lộng hành chỉ thêm đổ bại.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Hiếu động, cầu danh lợi nhỏ thì được, lớn thì uổng công. _Nữ mạng: Không lợi cho chồng con.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)