Chương 40: Nhận Thức Tứ Hóa
Trích Một Phần Từ Sách Phi Tinh Đẩu Số ( Lượng Nhược Du ) – Quách Ngọc Bội Dịch
Theo mùa Xuân đến mà trăm hoa đua nở, hạt giống nảy mầm, cây cối đâm chồi nảy lộc, thiên nhiên tràn đầy sự “sinh sôi”, “hy vọng”, con người cũng liền bắt đầu cấy cày vụ xuân của một năm bận rộn. Đến mùa Hạ, vạn vật đã “khỏe mạnh”, “tươi tốt”, con người cũng vui mừng khi thấy thành quả. Bước vào mùa Thu, lá vàng theo gió Thu rớt xuống, cái khí sát phạt đầy trời, đó chính là quy luật “thấy thịnh quá thì phải hạn chế” của thế giới tự nhiên, con người cũng bận rộn dùng những công cụ (thuộc Kim khí) để thu hoạch thóc lúa về kho. Đến mùa Đông, ngàn núi vắng bóng chim bay, vạn đường chẳng người qua lại, muôn vật “ẩn náu trú đông”, con người cũng “thâu tàng” cho qua mùa đông, nghỉ ngơi là để đi tiếp con đường còn dài.
Xuân Hạ Thu Đông tuần hoàn quay lại mối ban sơ, năm này qua năm khác. Do đó:
* Mùa Xuân hoa nở lá xanh, là thuộc về thời kỳ Mộc vượng.
* Mùa Hè trời nắng chang chang, là thuộc về thời kỳ Hỏa vượng.
* Mùa Thu xơ xác đầy trời, lá khô rớt rụng, là thuộc về thời kỳ Kim vượng.
* Mùa Đông đất đầy sương tuyết, vạn vật ẩn phục, là thuộc về thời kỳ Thủy vượng.
Khí vận hành mà “tại Thiên thành tượng”. Xưa nay có rất nhiều bậc trí tuệ đều noi theo “Đạo pháp Tự Nhiên”. Do đó, Tứ Hóa của Đẩu Số chính là cái “Pháp” (quy luật, phép tắc) từ Tứ Tượng ở trong thế giới Tự Nhiên mà ra. Cũng có thể nói rằng, Tứ Hóa của Đẩu Số chính là tứ tượng Xuân Hạ Thu Đông của thế giới Tự Nhiên.
Hóa Lộc là Mùa Xuân, là thuộc tượng Mộc vượng, vạn vật “sinh sôi”, “hy vọng”… Tổng hợp tượng nghĩa là:
- Vui sướng, may mắn, tốt đẹp, nhẹ nhõm, thông thuận, lạc quan, tùy duyên, tự tại, thân thiện, hòa hợp.
- Phúc khí, hy vọng, cơ hội, tươi sáng, khỏe mạnh.
- Tuổi trẻ, ban đầu, nguyên nhân.
- Lãng mạn, tình cảm, ý hay, mộng đẹp, tưởng tượng.
- Hưởng thụ, thỏa mãn, phân tán, làm biếng, mập mạp.
- Lớn, Mới, Nhiều, Tốt.
Hóa Quyền là mùa Hạ, là thuộc tượng Hỏa vượng, vạn vật “khỏe mạnh”, “tươi tốt”… Tổng hợp tượng nghĩa là:
- Tự tin, chủ kiến, mưu đồ, hoài bão, tích cực, dục vọng.
- Lãnh đạo, khai sáng, mở rộng, đột phá, rắn chắc, cường tráng, quyền lực, địa vị.
- Chủ quan, năng lực, quyết đoán, kiên cường, ứng biến.
- Can đảm, hành động, vận động, kịch liệt, khí phách, sắc bén, tranh đấu.
- Lớn, Mới, Nhiều, Tốt.
Hóa Khoa là mùa Thu, là thuộc tượng Kim vượng, vạn vật xơ xác tiêu điều. Thánh nhân noi theo mà chế ra Lễ giáo, Văn minh… Tổng hợp tượng nghĩa là:
- Danh tiếng, Khoa giáp.
- Quý nhân, xoay vần, hòa hoãn.
- Khiêm tốn, lịch sự, học thức, văn hóa, thanh tú, khéo léo, tinh tế, đẹp đẽ.
- Khoan thai, do dự, làm ra vẻ, mượn cớ che đậy.
- Lớn nhỏ vừa đúng chừng mực.
Hóa Kị là mùa Đông, là thuộc về tượng Thủy vượng, vạn vật “ẩn náu”, “thâu tàng”, chờ đợi hy vọng mới… Tổng hợp tượng nghĩa là:
- Thật thà, mộc mạc, thẳng thắn, cương trực, trung thành, nghĩa khí.
- Thu tàng, cố thủ, gìn giữ, an định, kết quả.
- Cứng nhắc, cố chấp, phiền muộn, đau thương, nợ nần, vất vả.
- Tiểu nhân, thị phi, thù hận, phẫn nộ, đau khổ.
- Tham dục, si mê, vọng tưởng, tà niệm, ích kỷ.
- Trắc trở, nhỏ mọn, tối tăm, bẩn thỉu, xấu xí, đổ nát.
Tác giả chú: đừng có thấy “Lộc” mà đã nói là hay, nhiều Lộc lại phản chuyển thành “tiêu diêu tự tại” (QNB chú: ám chỉ sự buông bỏ, tiêu dao, phóng túng, không thích ràng buộc); đừng có thấy “Kị” mà đã nói là hung, cố chấp chọn cái thiện chính là được cái Kị mà có thể thành tựu. Có nhiều Quyền thì đề phòng ngang ngược, có nhiều Khoa thì phản chuyển thành do dự nhu nhược.
Tứ Hóa là tượng (hình ảnh mô phỏng), cho nên “Lộc, Quyền, Khoa, Kị” là hóa “Tượng”, chứ không phải thuộc về các tinh diệu.
Các sách trên phố nói “nhiều Kị thì phản chuyển thành không Kị, không cần e ngại”, ấy là sự hoang đường.
Bởi vì “một Kị” tọa thủ, là “giữ gìn” hoặc “nợ nần”, “trả giá” (là những việc đương nhiên trên cõi đời mà thôi).
“Song Kị” đồng cung hoặc cặp Kị đó đối cung, là khởi đầu của “phá bại”.
“Tam Kị” đồng cung hoặc cặp Kị trong số đó đối cung, thì là “xu thế chung đã xấu”.
“Tứ Kị” đồng cung hoặc có cặp Kị đối cung, thì thường phải đối mặt với “Đi hay Ở”, “Sống hoặc chết”.
Tác giả chú: Thí dụ như cung Nô Bộc tọa Kị của năm sinh, mà cung Tài Bạch của ta lại phi Lộc nhập vào, thì “Lộc, Kị” hiện ra “Song Kị”. Ngược lại, nếu như cung Nô Bộc tọa Lộc năm sinh, mà cung Tài Bạch phi Kị nhập vào, thì “Lộc, Kị” hiện ra “Song Lộc”. Được mất toàn là lấy “Cung Vị” mà định.
Cát hung của “đơn Kị” hoàn toàn là lấy cung vị nó tọa thủ mà định đoạt. Còn đơn Kị lạc nhập “tam phương Mệnh” và “tam phương Điền Trạch” thì không thể luận là “mất”. Đơn Kị lạc nhập “tam phương Nô Bộc” hoặc “tam phương Phúc Đức” mới bắt đầu ước định có thể luận là “mất”.
*** Lưu ý: Hóa Lộc ở sách này có ngũ hành là Mộc. Tuy nhiên bản thân tôi dựa vào Kinh Dịch và phân định cho Hóa Lộc là hành Kim, trên thực nghiệm cũng thấy hành Kim phản ánh đúng thực tế hơn trong dự đoán.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)