ĐỊA SƠN KHIÊM VÀ CHỮ KHIÊM
Quẻ Địa Sơn Khiêm có quái Khôn ở trên, Khôn tượng trưng cho đất (Địa), Cấn tượng trưng cho núi (sơn), núi cao mà ở dưới, thấp hơn đất tượng cho sự khiêm nhường nên gọi là Địa Sơn Khiêm. Giống 1 người tài năng mà không có tâm tính khinh bạc, kính trên nhường dưới, 1 người giàu có không phân biệt người nghèo, một người quyền cao chức trọng không phách lối thường dân. Núi không cao thì đâu phải là núi, người không tài giỏi thì lấy gì mà khiêm nhường, cho nên muốn khiêm trước hết phải giỏi, muốn giỏi thì phải học và cố gắng.
Người nghèo khố rách áo ôm càng nói đến Khiêm càng bị đạp xuống, người chẳng có tài năng gì mà nói Khiêm thì chẳng ai nghe, người không địa vị mà nói đến Khiêm thì bị xem thường. đã nghèo thì lấy cái gì mà Khiêm, đã hèn càng không xứng nói đến Khiêm. Cho nên con người ta chưa có gì mà cứ hay nói chữ Khiêm cũng giống con người ta hay nói Đạo lý nhưng cuộc đời chẳng ra gì, nếu không phải hủ nho thì cũng là Đạo đức giả. Nói gì làm tin! cho nên chưa có gì lại càng phải phấn đấu, càng phải ra sức cố gắng học và làm để trở thành núi cao mà hiểu được thế nào là Khiêm, còn tầm thường, lè tè dưới đất sẽ chẳng hiểu được thế nào là Khiêm, ngồi trên cao nhìn xuống mới thấy cái tổng quan cuộc đời, thấy nhân sinh quan mà giác ngộ về Đạo lý, ấy mới là Khiêm!
Núi là nơi Dương khí thịnh mà thăng lên, Đất là nơi Âm khí giáng xuống. Dương khí càng mạnh thì càng lên cao, cũng giống như nhiều người khi còn trẻ thì Dương khí mạnh mẽ nên ưa tranh đấu, kiêu ngạo, cái tôi cao. Nhờ sự tranh đấu mà chịu khó vươn lên, chịu khó học và cố gắng, nhờ cái tôi cao mà không cho phép bản thân tầm thường, họ yêu bản thân mình, yêu danh vọng, quyền lợi cho nên càng cố để phấn đấu, đến một giai đoạn nào đó của độ tuổi trưởng thành khi họ đã ở đỉnh cao của tài năng, danh vọng, địa vị họ mới rõ ràng thấu cái tình, đạt cái lý, cảnh giới đã cao thì tâm thế cũng không tầm thường. núi đã cao thì chơi vơi, cô độc, dương khí cực thịnh thì cũng là lúc bắt đầu suy, Âm khí được sinh, Âm khí sinh thì họ tự nhìn nhận lại bản thân mình, thấy rõ cái sự tiến thoái, cái hành trang cuộc đời, từ đó họ Giác Ngộ, núi cao hơn đất, quan sát rõ đất mà Khiêm nhường, bởi họ hiểu Khí Dương cũng từ dưới mà đi lên, đó là con đường của Đạo, đó là cái gốc của Giản-Hòa-Khiêm-Tín.
Người nghèo khó, tầm thường, không có tài năng gì không ai cho là Quân tử, Quân tử xưa nay chỉ dành cho những hào kiệt, các Đại Đức được lưu danh sử sách là những người tài hoa tột đỉnh, nào có ai trong số họ tầm thường. Tài năng, địa vị cao mà Khiêm nhường thì được người đời gọi là Quân tử. Thấp kém mà cho là Quân tử chẳng qua là phường hủ nho, bần hàn, bất đắc chí tự huyễn hoặc mình. Nếu tầm thường mà cứ nghĩ mình là quân tử khác nào con mèo nhìn vào cái bóng lại tưởng con hổ.
Đạo lý không phải chỉ đọc sách mà hiểu, bởi Đạo không nằm ở mặt chữ mà nằm ở sự Giác Ngộ, sự Giác Ngộ không phải nhất thời mà là cả một quá trình dài, là một chặng đường. Nếu bạn chưa có gì, đừng nói nhiều về Đạo lý.
(Dẫn theo trang kimca.net)