Điểm dị biệt giữa Kình Dương và Đà La
Bài của Ân Quang
Tôi xin tiếp tục loạt bài nói về Ý nghĩa Kình Dương và Đà La. Trong tử vi không có vị sao nào giống nhau, Văn Xương không thể nào giống y như Văn Khúc. Linh Tinh phải khác Hỏa Tinh. Kình Dương cũng không thể giống Đà La. Muốn tìm hiểu sự dị biệt này thì phải xét đến Ý nghĩa tên các vị sao. Mà muốn tìm hiểu Ý nghĩa các vị sao thì phải tìm hiểu cách viết tên các vị sao ấy bằng chữ Hán.
Tử-Vi và chữ Hán
Bài này có vẻ hơi khô khan, nặng nề đối với một vài bạn mới nhập môn Tử-Vi, nhưng tôi cũng xin viết ra, mong rằng đó sẽ là khởi điểm cho một điều hướng nghiên cứu mới có Ý thức, có quan niệm rõ ràng hơn. Chứ không phải chỉ mơ hồ, nhìn vào một cung nào đó, thấy một lô các sao Dương Đà Không Kiếp, Hỏa Linh, Hình Kị, Phục Binh, Tang Hổ … nghe một tràng những tên gọi rùng rợn … rồi kết luận là cung đó xấu lắm, hạn đến đó xấu lắm.
Đoán như vậy là dựa vào sức “nhạy cảm”. Nghe một tràng những tên gọi ghê tai, rồi rùng mình, đóan rằng xấu.
Đó là phương pháp lưng chừng. Lúc thì dựa vào một vài công thức nghe có vẻ khoa học. Lúc nào kẹt qúa thì lại buông thả theo trực giác mường tượng như cách phát âm tên vị sao để luận đoán (như dựa vào cách phát âm Trực-Phù mà đóan là đánh trống, bắn súng ….)
Phương pháp này không đưa người nghiên cứu vào con đường lập luận mạch lạc, hướng đến chân trời Lý Học, mà đặt người nghiên cứu vào tình trạng mờ mờ ảo ảo; lúc thì dùng lý trí phán đóan, lúc lại buông xuôi nhờ trực giác, nhờ thần linh mách bảo. Mục đích của Khoa Học Huyền Bí là đem những vấn đề Huyền Bí ra trước ánh sáng Khoa Học, chứ không phải là xô đẩy Khoa Học rơi vào tình trạng hỗn độn, mờ ảo huyền bí.
Tử-vi là một khoa học phát xuất từ Trung Hoa.
Để có một quan niệm rõ rệt về công dụng của Tử-Vi để đi tìm một đường lối nghiên cứu đúng đắn, mạch lạc, cần phải gác qua một bên những sở thích, những thành kiến, những nhân sinh quan riêng của mình, để tìm hiểu cái vũ trụ quan, cái nhân sinh quan của Trung Hoa vào thời mà Tử-Vi phát sinh và trưởng thành. Và dĩ nhiên là cần tìm hiểu Ý nghĩa chữ Hán để biết điểm dị biệt giữa các vị sao.
Khốn nỗi, lấy tiêu chuẩn nào để bảo đảm rằng cuốn sách chữ Hán mà chúng ta đang cầm trong tay, là một cuốn sách chân truyền. Chằng lẽ, cứ thấy một cuốn sách Tử-Vi bằng chữ Hán có vẻ cũ cũ, xưa xưa truyền lại từ nhiều đời trước, trong đó có một số bài phú thâm thúy, một vài cách luận giải khác lạ hay hay rối chóa mắt suy tôn gía trị tòan bộ sách, hãnh diện rằng mình có trong tay một bảo vật, tự mãn rằng sách đó chân truyền từ đời Nhà Tống, đời Trần Đòan, đời cụ Lê Qúi Đôn. Rồi thôi! Không cần xét lại những điểm tối nghĩa hay sao. Lỡ trong sách ấy có một vài đọan “tam sao thất bản” thì sao? Có lẽ cũng chỉ vì thế mà không những, không có phát minh, cải tiến trong Tử-Vi, trái lại khoa này càng ngày càng bị thất truyền.
Một vài vị nghiên cứu Tử-Vi khá lâu có tìm gặp tôi bàn luận và mong mỏi có một nền Tử-Vi Việt Nam, chẳng lẽ mình cứ mãi mãi lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa hay sao? Thỉnh thỏang lại nghe đồn có nhà Tử-Vi tài ba này, nhà Tử-Vi siêu việt nọ, mà rốt cuộc không thấy ai làm gì cho một nền Tử-Vi Việt Nam. Có lúc lại thấy có dư luận hướng về Tử-Vi Trung Hoa Đài Loan. Có người lại đón cả thầy Tử-Vi bên Trung Hoa Hồng Kông về xem.
Tôi xin thưa rằng tôi không đi ngược lại ý nghĩa xây dựng một khoa Tử-Vi Việt Nam. Nhưng tôi thiển nghĩ rằng tìm hiểu những nguyên lý cũ, những điểm tối nghĩa cũ còn chưa xong, mà vội xây dựng một cái gì khác lên trên thì e rằng thiếu căn bản. Nền nhà bên dưới chưa hòan tòan chắc chắn mà vội xây một cái nhà khác lên bên trên thì e rằng dễ sụp đổ.
Tôi thiển nghĩ làm việc gì cũng cần có từng giai đọan. Hiện nay thì cần làm sáng tỏ những nguyên lý cũ, giải quyết những điểm tối nghĩa cũ lần lần sẽ tính đến những sự cải tiến khác, thì việc làm sẽ được chắc chắn hơn.
Nếu cứ vội vã thông qua, không tìm hiểu kỹ những điểm căn bản, mà xây dựng một cái gì khác lên bên trên thì dễ tạo nên một sự rối lọan một sự sụp đỗ mới.
Nếu cứ vội vã thông qua Đà cũng như Kình, Kình cũng như Đà, Hỏa cũng như Linh, Linh cũng như Hỏa, thì người nghiên cứu dễ vô tình trở thành một tay “thợ Tử-Vi”, một chuyên viên “Cơ-Khí Tử-Vi”. Lối giải đoán như vậy chỉ có thể thỏa mãn một vài hiếu kỳ, thắc mắc cấp thời, chỉ đưa người nghiên cứu vào vòng làm việc thiếu ý thức sâu xa, không thể áp dụng Lý Học một cách mạch lạc. Làm việc như vậy, người nghiên cứu rất dễ hiểu lầm các câu phú như những công thức máy móc và không sao chế hóa được khi gặp trường hợp công thức này chống ngược lại công thức kia.
Chính vì thế mà trong giai đọan sơ khởi chúng ta phải tìm hiểu chữ Hán, để tìm hiểu, để giải quyết những điểm tối nghĩa cũ.
Đến đây tôi cũng xin thưa thực rằng số vốn chữ Hán của tôi không có gì uyên thâm. Chỉ học lại chút ít của các cụ trong họ hàng. Số vốn chữ Hán thì ít mà khát vọng tìm hiểu, tra cứu lại nhiều. Thế cho nên cứ có một điểm nào đó hơi tối nghĩa một chút là tôi liền thắc mắc, tra cứu, so sánh, đối chiếu các tài liệu, tìm tòi hỏi các cụ đi trước, cân nhắc các lời luận giải. Vì thế mà tôi thấy có nhiều trường hợp thất truyền hoặc tam sao thất bản.
Tôi buộc lòng phải viết hơi dài dòng, kể qua một vài trường hợp tam sao thất bản để quý bạn Tử-Vi có thể nhận định dễ dàng những điểm tế nhị của bộ sao Kình, Đà.
Một vài trường hợp tam sao thất bản
Có nhiều nguyên nhân khiến cho có sự “tam sao thất bản”, nhưng tôi trộm nghĩ là có bốn nguyên nhân đáng kể sau đây:
– Vì chữ Hán, nhòe một nét có thể đọc thành chữ khác
– Về chữ Hán có nhiều chữ đồng âm, nghe người khác đọc rồi chép lại sau và chép sai chữ.
– Người trước viết tắt để cho tiện (hoặc có ẩn Ý dấu nghề chăng?). Người sau chép lại, vì không hiểu thấu ý nghĩa sâu xa, nên chỉ biết nhìn vào chữ viết tắt mà chép lại, thành ra tối nghĩa.
– Cũng có thể là vì người chép lại, không hiểu hết Ý nghĩa của người trước đã thêm ý riêng của mình vào.
Tôi xin kể vài thí dụ:
Như câu “ Liêm Trinh, sát bất gia, thanh danh viễn bá” thì chữ Bá, viết với bộ Thủ có nghĩa là gieo rắc ra xa. Thế mà có sách lại chép ”Liêm Trinh, sát bất gia, thanh danh viễn phan” có lẽ bộ Thủ đã bị nhòe, người đọc tưởng là bộ Thủy, đã chép lại là chữ Phan, có nghĩa là Họ Phan, hay là …. Nước vo gạo.
Như câu “Quan phù, Thái Tuế, Công Dã hữu hy tiết chi ưu”. Gặp Quan Phù, Thái Tuế thì có thể như chàng Công Dã có sự ưu phiền về giây xích trói buộc.
Thế mà sách chép lại là Công Trị, rồi mới đây lại có một cuốn sách Tử-Vi đã (vô tình hay cố Ý) xếp chữ lại là Công Trự. Từ Công Dã, biến thành Công Trị, rồi nói đến Công Trự!
Công Dã đây là họ Công Dã (có ghi trong tài liệu “Bá gia tánh sách”) và có liên hệ đền điển tích anh thợ săn Công Dã Tràng. Vì vậy cung có câu phú diễn nôm:
Dã Tràng không tội phải tù.
Trong năm Thái Tuế, Quan Phù đi qua
Họ Công Dã, chữ Dã viết với bộ Băng, có một chấm, người đọc vì không hiểu họ Công Dã, tưởng chữ giả là chữ Trị, viết với bộ Thủy có hai chấm.
Ở đây tôi cũng xin mở ngoặc nói thêm là mỗi câu phú chữ Nôm hay chữ Hán không phải là một công thức hay là một cái đinh ốc trong bộ máy Tử-Vi. Các câu phú chữ Nôm hay chữ Hán do cổ nhân lập ra, chỉ là cách đặt câu có vần, cho chúng ta dễ nhớ về một trong nhiều tính cách mà một vị Sao có thể đem lại.
Mỗi vị sao trong Tử-Vi không phải là cái đinh ốc của một bộ máy mà là một khí lực biến hóa vô lường. Như chúng ta đã biết Tử-Vi không đi ra ngòai căn bản Dịch Lý, mà Dịch lý thì cát biến hung, hung biến cát. Một vị sao có thể có nhiều ảnh hưởng tương phản tùy theo vị trí miếu, hãm … hoặc tùy theo ảnh hưởng trợ lực của một vị sao khác. Không thể vội gán cho mỗi câu phú một gía trị công thức máy móc. Vì vậy mà cần hiểu ý nghĩa, hiểu những ảnh hưởng tương phản của một vị sao, để có thể luận giải chế hóa khi gặp hai, ba câu phú, hai, ba công thức đối chọi nhau.
Trở lại với câu chuyện chữ Hán. Có sách chép câu: “Mệnh trung ngộ Kiếp, Tham như lãng l ý hành thuyền” dịch đại ý là Mệnh có Địa Kiếp, Tham Lang thì bấp bênh như đi thuyền trên sóng.
Có sách lại chép là: ”Mệnh trung ngộ Kiếp, kháp như lãng lý hành thuyền” cho rằng “kháp như” là giống y như “đi thuyền trên sóng”
Có sách lại chép là: “Mệnh trung ngộ Kiếp hợp như lãng lý hành thuyền” cũng dịch tổng quát là Mệnh có Địa Kiếp lại thêm Sát Kỵ, thì như đi thuyền trên sóng.
Mỗi người một ý; lý đều xuôi tai. Thôi thì đành chiêm nghiệm vậy. Thật là …. “ lắc lư còn tàu đi”.
Lại như nói về Văn tinh ám củng Cổ Nghị, duẩn hỉ đăng khoa.
Có sách chép là: ”Văn tinh ám củng Mãi Nghị, duẩn hỉ đăng khoa”.
Có sách chép là: ”Văn tinh ám củng Giả Nghị, duẩn hỉ đăng khoa”
Vậy thì cái ông đó là ai? Cổ Nghị, Mãi Nghị hay Giả Nghị?
Ông này qua đời đã lâu lắm rồi. Tôi có hỏi một vài cụ để tìm lời dẫn giải thì cũng thấy mơ hồ. Bí kế phải tìm đến học giả Đào Duy Anh và Cụ Thiều Chữu qua hai bộ Tự Điển thì thấy giải thích rằng chữ Cổ có nghĩa là cửa hàng, buôn bán ngay tại tại cửa tiệm là Cổ. Chữ Cổ này cũng có một âm là Giả, họ Giả, Học giả Đào Duy Anh giải thích rõ thêm là Giả Nghị, tên một học giả có tiếng đời Hán, từng làm quan Đại trung đại phu (200-168 trước Kỷ Nguyên).
Vẫn biết rằng chữ Hán là một phức âm tự, viết cùng một cách nhưng có thể đọc nhiều cách khác nhau như chữ Tử là con, có thể đọc là TÝ (địa chi là TÝ) tùy trường hợp, hoặc có trường hợp đọc trệch đi một chút như Vũ và Võ, Huỳnh và Hòang. Nhưng tên riêng của một học giả mà có đến ba cách phát âm khác nhau qúa như: Cổ Nghị, Mãi Nghị hay Giả Nghị. Mãi Nghị thì chắc là chỉ có một cách đọc đúng.
Lại như cách đóan có sao Thiên Cơ hoặc Vũ Khúc ở cung Giải thì “Cưỡng bao đa tai” là có chửa ngòai dạ con.
Tôi có gặp cách đoán “Cưỡng bao đa tai” này trong một cuốn sách Tử Vi xuất bản tại Đài Loan. Chữ Cưỡng và chữ Bao đều viết có bộ y là áo. Chữ Cưỡng chỉ về cái túi vải (xưa còn gọi là cái địu) để đeo trẻ nhỏ sau lưng. Chữ Bao chỉ về cái tã lót. Chữ Cưỡng Bao là chỉ về thời gian còn bé nhỏ, còn dùng tã lót, còn được đeo ở sau lưng. Chữ “Cưỡng bao đa tai” là nói rằng lúc còn bé nhỏ như vậy dễ có lắm tai ách. Còn chữ Cưỡng Bao viết như thế nào (bằng chữ Hán) để có thể hiểu là “có chửa ngòai dạ con” thì tôi đã cố công tra cứu mà chưa tìm ra được.
Lại như câu ca để tìm Cục cho nhanh: ” Bính, Tân, đê, liễu, ba, ngân, trúc”. Nói rằng chữ Trúc là ứng vào Hỏa Cục, nhưng chữ Trúc lại viết trên có bộ Trúc, dưới có bộ Mộc (như chữ kiến trúc) thì sao lại ứng vào Hỏa Cục được. Nếu nói rằng bộ Mộc đó là ám chỉ, Mộc sẽ sinh được Hỏa thì đó là giải thích loanh quanh, thêm phần phức tạp. Tôi thiển nghĩ đó là chữ Chúc. Chúc là cái đuốc, viết với bộ Hỏa, ứng vào Hỏa Cục thì dễ hiểu hơn. Có lẽ đây là do sự phát âm lẫn lộn TR và CH của một vài điạ phương tại miền Bắc. Một người đọc một người chép, cho nên thay vì dùng chữ Chúc là đuốc có bộ Hỏa, để ứng vào Hỏa Cục, thì lại dùng chữ Trúc có bộ Mộc.
Đến như cách viết tên các vị sao bằng chữ Hán thì lại có lắm sự phức tạp, mơ hồ. Tôi xin tạm lấy một thí dụ như chữ Phi Liêm. Người thì viết chữ Phi là bay. Người thì viết chữ Phi là không. Người lại viết chữ Phi có bộ Trùng bên dưới. Theo cụ Thiều Chữu thì viết chữ Phi có bộ Trùng bên dưới là chữ Phi, tên một loài sâu. Lại có một lòai sâu tên là Phi Liêm (cả hai chữ đều có bộ Trùng)
Dường như không mấy ai đặt vấn đề tra cứu luận giải để có một quan niệm rõ rệt về ngôi Phi Liêm nằm trong vòng Thiên can (một trong ba vòng quan trọng của Tử-Vi: Thiên can, Cục và Địa chi). Phần đông chỉ thích một công thức giản dị, đỡ mất thời giờ: Phi Liêm chủ thế này, chủ thế nọ.
Cách viết tên một vị sao bằng chữ Hán đem lại rất nhiều ý nghĩa. Cần phải xét kỹ, không thể thản nhiên tự mãn rằng sách này sách chân truyền, có nhiều bài phú cao siêu, không được khởi ý thắc mắc, phải sùng kính sách xưa, cứ mặc nhiên chấp nhận tên các vị sao như vậy đi.
Ngay trong cách viết, ngay trong tên gọi mà còn mơ hồ thì đến khi luận giải chắc là phải làm việc lưng chừng; khi thì dùng lý trí phán đóan; lúc thì tưởng tượng ra một hình ảnh nào đó, hoặc lại buống xuôi nhờ trực giác, nhờ thần linh. Quan niệm căn bản còn lỏng lẻo thì làm sao có thể suy luận mạch lạc.
Tôi luôn luôn dành nhiều sự cảm phục đối với quÝ vị đã dày công sưu tầm tài liệu bằng chữ Hán để sọan sách Tử-Vi. Đó qủa là một công trình lớn lao nặng nề và qúy vị đã tiến được một bước đường rất dài trong việc rọi thêm tia sáng để chấn chỉnh khoa Tử-Vi.
Tôi chỉ muốn nêu lên một vài điểm tối nghĩa như kể trên để giúp qúy bạn Tử-Vi để nhận định rằng chính bộ sao Kình Đà cũng nằm trong trường hợp đó.
Ý nghĩa Kình & Đà. Dương Nhẫn, Dương & La
Tôi đã gặp nhiều tài liệu Tử-Vi đứng đắn, nhưng trong đó vẫn có nhiều sách viết khác nhau. Có tìm hiểu kỹ cách viết thì mới có thể đạt đến cái tinh thần của bộ sao Kình Đà. Từ đó mới có thể tiến đến chỗ luận giải có ý thức, có quan niệm rõ ràng, chứ không phải chỉ áp dụng công thức, thiếu suy luận phân minh, rồi có khi vô tình rơi vào trường hợp đóan đúng nhờ “nhạy cảm”, “linh cảm”. Nếu như vậy thì là đi từ ánh sáng Khoa Học vào trong Huyền Bí, chứ không phải là nghiên cứu những vấn đề Huyền Bí một cách khoa học.
Có đạt đến cái tinh thần thì mới xét đến điểm dị biệt giữa Kình và Đà, Dương và La thì mới có thể chiêm nghiệm, mới hiểu được trường hợp người tuổi Dương Nữ, âm Nam an Kình Đà khác với người tuổi Dương Nam, âm Nữ. Điều này cụ Ba La có tiết lộ sơ sơ với cụ Thiên Lương (KHHB số B2 ra ngày 19/02/1973). Đây không phải là quan điểm, phương pháp của riêng Cụ Ba La, mà là của phần lớn các cụ thuộc thế hệ trước. Vì vậy, chúng ta mới thấy trong các sách Tử-Vi xuất bản trước đây trên hai mươi, ba mươi năm, các tác giả có thu nhập tài liệu để luận về Kinh Dương ở Dần Thân Tỵ Hợi; còn Đà La ở TÝ Ngọ Mão Dậu, chỉ vì diễn không hết lý, trình bày không mạch lạc cho nên mới có sự mâu thuẫn giữa chương giữa cuốn sách luận về ảnh hưởng Kình Dương ở Dần Thân Tỵ Hợi, và chương đầu cuốn sách chỉ dẫn an sao.
Tôi thiển nghĩ rằng cụ Ba La, cụ Song An hoặc một số các cụ xưa kia không đến nỗi hẹp hòi dấu nghề. Có lẽ đó là do quan niệm thời ấy, chỉ nói sơ qua một số nguyên lý, một số nguyên tắc người đi sau chịu khó ra sức suy gẫm, tìm hiểu, nếu thành công thì sẽ thấu đáo hơn, thấm thía hơn. Ráng tu thì đắc đạo. Không ai đắc đạo dùm mình. Không ai làm cho mình đắc đạo được. Chỉ cần biết một số nguyên lý rồi dựa vào đó mà hành động. Nếu các Cụ có chỉ dạy sẵn, thì người đi sau lại có thể lười suy nghĩ, không cố gắng tìm hiểu sâu xa, hoặc có thể là vì thấy đáp số dễ qúa mà không quý trọng lời chỉ dẫn, còn hỏi tới hỏi lui, mất thì giờ của các cụ mà chẳng có lợi gì cho đôi bên.
Nay, xin đi vào Kình hay Đà – Dương hay La – Dương Nhẫn hóa Hình – Hóa Kị
Tất cả các tài liệu Tử-Vi xưa mà tôi gặp đều viết chữ Kình với bộ Thủ bên dưới ngụ ý chống lên, chỏi lên, giơ lên, dậy lên.
Kình Dương nhập miếu thì phú qúy thanh dương – Dương đây là tỏ ra, bốc lên. Ngộ nhận là chữ thanh danh thì cũng có nghĩa nhưng không sát với tinh thần của Kình Dương.
Trong tinh thần Dịch Lý, cát biến hung, nếu gặp cách xấu, thì Kình bị đảo, và có thể hình dung một cái gì khó vươn lên, ráng sức làm mà người khác hưởng (Lý Quảng)
Trong ngụ ý chống lên, vươn lên dậy lên mà cũng có quan niệm luận Kình Dương là Dương Tinh hạp với người Dương hơn (tác giả Đắc Lộc đã thu thập quan niệm này trong cuốn Tự Điển Tử-Vi xuất bản tại Hà Nội năm 1952).
Cũng trong cái khí lực đó chống lên, hồi lên này mà khi hãm thì Kình hóa Hình, là Nhẫn (cũng có âm là Nhận) là mũi nhọn của dao là cái gai. Khi xấu thì Kình hóa Hình là mũi (Nhẫn) lại gặp Thiên Hình nữa thì có thể độc lắm. Bởi thế mới có câu phú:
Hạn bởi gặp Nhẫn Hình Đà Hổ
Phải ngừa loài hùm chó mới yên.
Nếu chữ Kình đã được các sách Tử-Vi viết một cách thống nhất, thì chữ Dương đã có lắm cách viết khác nhau cũng có cách viết tối nghĩa mơ hồ.
Sau đây là là những cách viết chữ Dương mà tôi đã gặp trong một số tài liệu Tử-Vi.
– Chữ Dương viết với bộ Phụ, là Khí Dương cũng có nghĩa là tỏ ra.
– Chữ Dương viết với bộ Thủ, có nghĩa là giơ lên, bốc lên, dậy lên.
Viết chữ Dương với bộ Phụ hay bộ Thủ, ngó gần giống nhau, cách viết có hơi cầu kỳ.
– Còn một chữ Dương nữa mà tôi cũng đã gặp trong một số đáng kể tài liệu Tử-Vi. Chữ Dương là con Dê!. Cách viết thì có giản dị hơn, nhưng ý nghĩa thì thật mơ hồ. Chữ Dương là con Dê này trong cổ tự Trung Hoa cũng dùng như chữ Tường có nghĩa là điềm tốt lành. Nhưng đó cũng chỉ là một cách viết tắt chứ không có Ý nghĩa xúc tích.
Nhất là có tài liệu còn viết chữ Dương Nhẫn với cách viết chữ Dương là con Dê; Nhẫn là mũi dao. Vậy thì đó là Mũi Dao con Dê hay mũi dao tốt lành. Viết chữ Dương với bộ Thủ hay bộ Phụ có Ý nghĩa hơn, hạp với chữ Kình hơn.
Có lẽ viết chữ Dương là Dê, chỉ, chỉ là dựa vào cách phát âm, viết tạm cho tiện, cho gọn, lâu ngày thành thói quen, cũng như chữ “Không” ngày nay thành ra “O”.
Viết chữ Dương là con Dê (dù có luận rằng nghĩa như chữ Tường ngày xưa) thì thật là thiếu ý nghĩa.
Điều quan trọng trong Khoa học là những quan niệm sáng tỏ, mạch lạc làm sao cho Khoa học càng ngày càng tiến thêm, chứ không phải là nhiều người hay ít người viết như thế, Việt hay không Việt, Hán hay không Hán, chân truyền hay không chân truyền.
Khi đã hiểu Kình là ngụ ý cái gì chống lên, bốc lên …. Dương là dậy lên, tỏ ra … rồi xét đến Đà La, thì mới thấy được cái tiểu dị giữa Kình & Đà.
Chữ Đà có người viết với bộ Thủ, có người viết với bộ Phụ.
– Viết với bộ Thủ có nghĩa là kéo lại, kéo ra, kéo đến; ngụ Ý một cái Lực chuyển động theo chiều ngang (trong khí đó Kình ngụ ý một cái Lực chuyển động theo chiều thẳng đứng)
– Viết với bộ Phụ thì có nghĩa là chỗ đất gập ghềnh, hiểm trở.
– Chữ La là cái lưỡi và cũng có nghĩa là dăng rộng ra, dăng bày ra cũng có thể ngụ ý một cái gì bao la, bát ngát theo chiều ngang.
– La mà hãm thì không phát triển rộng ra, có khi mình lại bị gói vào trong lưỡi, mình bị động, bị che đi.
Đà mà hãm thì kéo co nhiều chuyện vướng mắc lôi thôi. Đà La mà hãm thì hóa thành Kị, nhiều chuyện trắc trở, mờ ám, che lấp.
Đà La mà nhập miếu thì có thể kéo rộng, mở rộng bao la, lan rộng ra, giăng rộng ra (theo chiều ngang).
Người xưa đã có quan niệm về Thiên, Nhân, Địa. Mà trong lá số Tử-Vi thì “Thiên” đây là Thiên Can (đầu mối trên trời) thể hiện qua vòng Lộc Tồn. “Nhân” thì đã thể hiện qua Vòng Tràng Sinh, vòng Cục, Cục đây là cuộc diện chứ không phải cục đá hay cục đất, “Địa” thể hiện qua vòng Địa Chi (ngành dưới đất) vòng Thái Tuế. Tôi sẽ xin nói thêm về các vòng này.
Trong thế giới hữu hình, trong hiện tượng giới, thì lúc nào cũng có sự đối tỷ, tương đối, có âm, có Dương, có cương có nhu, có nóng có lạnh, có trên dưới, trong ngòai, có cái bộc lộ, có cái tiềm tàng.
Ở một người ham họat động thì Kình Dương là hùng dũng hăng hái bộc lộ ra ngòai, hướng ngọai nhiều hơn, giải quyết bằng sức mạnh hoặc mau chóng hơn. Vì vậy ngôi Lực Sĩ luôn luôn đi chung với Kình Dương. Sự xếp đặt, viết tên Lực Sĩ vào chung với Kình Dương để nhắc nhở rằng đây là một lực hướng ngoại nhiều hơn.
Ở một người ham họat động thì Đà La là sự hăng hái nội tâm, hướng nội giải quyết bằng Tâm nhiều hơn băng Lực vì thế mà có lời luận là thâm trầm. Vì thế mà an đúng tiền Kình hậu Đà thì Kình bao giờ cũng đi với Lực. Đà La hướng về chiều ngang kín đáo, hướng nội, cho nên mới có quan niệm Đà La là âm Tinh.
Ở một người đa tình thì Kình Dương là tình nồng cháy ào ạt bộc lộc cấp bách. Đà La là tình âm ỷ tầm ngẩm tầm ngầm, nung nấu lâu dài, vì thế mới có quan niệm cho Đà La là dâm tinh (đây phải xét theo các sao khác đi cùng với Đà La mà luận)
Ở một người bướng bỉnh thì Kình Dương là ngang bướng chống trả ra mặt, mà Đà La là bướng ngầm kiên trì, chờ ngày thực hiện ý chí.
Kình là chống lên, Đà là kéo. Hạn có Kình Đà, tốt thì cũng có sự kéo co, lùng nhùng, trong phạm vi tốt, xấu thì cũng lại cũng có sự chống lên, kéo lại trong phạm vi xấu.
Gặp cách xấu thì Kình Dương là Nhẫn, là mũi dao, là cái gai xóc đến bất ngờ. Đà La là đa đoan lăng xăng vướng víu như mắc lưới.
Còn nhiều điểm tối hỷ nữa, nhưng tôi thiết tưởng rằng những dòng trình bày kể trên đã tạm đủ để đưa ra một Ý tưởng suy gẫm vấn đề. Tôi chỉ cố gắng trình bày một cách vô tư những gì mà tôi đã tra cứu, sưu tầm, học hỏi được.
Trong kỳ tới tôi sẽ trình bày vì đâu lại có câu chuyện Lộc tồn ở Thìn Tuất Sửu Mùi cũng là quan niệm về Mệnh chủ, Thân chủ, Lưu niên văn tinh
KHHB số 40