Luận về Sao Hoá Kỵ trong Tử Vi
Thuộc tính ngũ hành của sao Hóa Kị là dương thủy, hóa khí là thị phi chủ về đa sự, tai họa và đố kỵ, còn có tên gọi khác là sao Kế đô. Sao Hoá Kỵ có một số đặc trưng quan trọng mà chúng ta nên biết.
1.Sự ghen tức
Ta thường nghe thành ngữ:
“Ghen ăn tức ở.”
Câu này nghĩa là gì? Đó là cảm thấy tức tối, khó chịu với người xung quanh vì thấy người ta hơn mình. Tỷ dụ như thấy người ta đẹp hơn mình được mọi người khen thì nảy sinh lòng đố kỵ. Con mụ đó có gì đẹp, toàn vào thẩm mĩ viện kìa, ta có thể bịa ra không thiếu thứ gì để mà nói, để “dìm” người ta xuống. Đẹp hơn ta gọi là đố, tài hơn ta gọi là kỵ. Đố kỵ tức là sự ghen tức.Vì thế một người tài sắc vẹn toàn, ra ngoài dễ bị thiên hạ đố kỵ một cách vô lối. Kẻ ganh tài người ganh sắc. Nam nữ đều như nhau. Thói đời là vậy, con gà nó tức nhau vì tiếng gáy, nếu có một con gáy cả bầy tru tréo gáy, còn không thì thôi, chẳng thèm báo canh giờ nào cả.
Từ ghen tức bị thua kém chuyển thành ghen ghét vô lối, dù người ta chẳng chọc ghẹo chi mình nhưng ta vẫn sẵn sàng tìm lỗi để gây sự. Nguyễn Du viết một cây xanh rờn:
“Trăm năm trong cõi người ta.
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.”
Ý nói người có tài thường có số mệnh không may vì dễ bị người ta đố kỵ gây khó trên đường đời.
2.Sự nghi ngờ
Từ ghen tức Kỵ chuyển thành bị nghi ngờ, ngờ vực. Tên này mà làm việc tại cơ quan mình không khéo chúng ta bị lép vế hết. Sao mà ông chồng tôi hay buồn buồn chắc bị bồ đá. Buồn cũng bị nghi ngờ. Ông chồng tôi dạo này vui vẻ quá chị ơi! Chắc có bồ nhí đây rồi. Vui cũng bị nghi ngờ. Nếu thêm một ám tinh Diêu mù quáng và luôn luôn có ‘Y như là’ thì có thể lồng lộng oai hùng như con sư tử Hà Đông. Hình thành bộ nhị ám, thêm Đà La thành tam ám như đám mây mù giăng bày khắp nơi làm cho có mắt cũng như mù. Cái gì cũng ngờ vực hết.
3. Sự cấm đoán
Hoá Kỵ là sự răn đe, khuyên răn, lời khuyên hay lời khuyến cáo, phê bình chỉ trích…Từ nghi ngờ Hoá Kỵ chuyển thành ‘cấm đoán’ nếu thấy cấm đoán không được thì Kỵ chuyển thành ‘khuyên răn’ hoặc ‘khuyến cáo’ tiếp tục không thành, Kỵ thấp giọng trầm ‘đừng’ hay thấp thêm một cung bậc nữa là ‘xin đừng’…
4.Sự sợ hãi
Khi bị cấm đoán mà ta vẫn tiếp tục vi phạm tức là phạm phải điều lầm lỗi, lúc đó Kỵ chuyển thành điều sợ hãi. Đã nói đừng sờ mó vào đó rồi (Cự Kỵ) nhưng cứ sờ cho bằng được cho nên mới gây nên họa này. Và Kỵ chuyển thành nỗi sợ hãi, trong các tình huống Cự Kỵ, Thất Sát Kỵ Hình. Kỵ biến thành Kỳ như kỳ lạ, kỳ khôi, kỳ cục… đến kỳ quái.
5.Kỵ có đắc địa không?
Không, nhưng có những sao cứu giải cho Kỵ chuyển Kỵ thành Kỳ lạ, Kỳ tài, Kỳ nhân… và những sao tạm gọi là cứu giải đó, thực chất là sự phối hợp hài hòa như một độc tố có thể đem làm thuốc trị bệnh. Ai cũng biết nọc rắn là độc tính theo thể trọng nó đắt tiền hơn vàng nhiều lần.Vâng đúng vậy, Kỵ là ly cà phê đắng ngắt không đường, chỉ thêm đường vào thôi, thật là giản dị vô cùng, uống được lại còn khen ngon. Đường ngon hay cà phê ngon, không ai nói đường ngon hết. Tất cả đều giống nhau: Cà phê ngon, tức Hoá Kỵ ngon,
6.Những sao cứu giải cho Kỵ
Long Kỵ Hà
Kết thành một bộ như con rồng (Thanh Long) ẩn trong đám mây (Hóa Kỵ) đồng thời uốn lượn (Lưu Hà) sinh động. Khiến ta nhìn không thấy chán. Đó là hình tượng để mô tả, thực tế là lời nói (Thanh Long) phê bình (Kỵ) lưu loát trôi chảy (Lưu Hà). Anh phê bình thì anh cần phải nói nhưng anh lại không nói chỉ để trong lòng dẫn đến càng ngày càng căm tức. Như chuyện ‘ông Vua Tai Lừa’ đắc ý nhờ hợp lý.
Hoá Khoa Hoá Kỵ
Hợp cách vì Kỵ cấm đoán có khoa học của Khoa. Cấm anh không được viết thường ở đầu dòng… (Khoa Văn). Cấm anh không được lè lưỡi liếm sợi dây có điện (ngon làm thử xem, nếu không bị điện giật hưởng cách kỳ lạ, nếu chết hưởng cách kỳ cục, kỳ quái… Khoa Điện). Cấm anh bán, sử dụng thuốc độc bảng A nếu không có giấy của bác sỹ (Khoa Y)… Từ đó Kỵ chuyển thành lời khuyên, lời răn, lời phán truyền… như của điều răn của Chúa, mười điều cấm kỵ của Phật…
Thiên Không Hoá Kỵ
Ông Thiên Không lắc đầu bảo có gì đâu mà phải nghi ngờ,ghen ghét… không có gì hết. Và Kỵ trở thành không bị cấm đoán được ưu tiên nói gì thì nói.
Kỵ hợp cho một số chính tinh như Tử Vi, Vũ Khúc, Thiên Cơ (Thiên Đồng) và Thiên Lương vì các sao trên chủ tài năng. Được điều kỳ lạ nếu đi với Cát Tinh và các cách hiếm hoi khác.
Đám mây và cuộc đời
Cuộc đời của người có Hoá Kỵ như có một đám mây, đám mây đó có thể hờn ghen, cũng có thể đám mây đen báo hiệu cơn giống tố nhưng cũng có thể là đám mây che mát cho quý nhân và rất có thể là đám tường vân đem lại điều tốt lành cho nhân loại.
7. Những Bộ Sao quan trọng của Hoá Kỵ
Tử Vi Hoá Kỵ
* Chủ: Kỳ bí, bí ẩn, huyền bí… hành động kì lạ, hành vi bí ẩn. Như Tử Vi là một môn khoa học kỳ bí.
* Kì tài, Kì diệu… đi với cát tinh làm nên điều kì diệu. Tử Vi là một ngôi sao tài năng còn hay hơn Vũ Khúc ở điểm đứng ra gánh vác.
Nếu đó là cung an Thân tức thân thể có điểm kỳ lạ.
Còn chủ là nơi thâm nghiêm bí mật, cấm lai vãng như cung Cấm, Tử Cấm Thành. Vô phận sự cấm vào.
Rất kị gặp thêm Thiên Hình dù có Hoá Khoa đi chăng nữa thì Tử Kỵ có Hình chủ vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm kỵ bằng hành vi, hành động, bằng cử chỉ. Nếu quyền cao chức trọng cũng bị đổ vỡ, dễ bị tù tội, cái nhẹ nhất có thể gặp là bị cấm hoạt động.
Vũ Khúc Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại Can Nhâm.
Chủ Kỳ tài. Nếu đó là cung an Thân tức thân thể có điểm kỳ lạ.
* Nếu nhiều cát tinh tụ tập nhất là có bộ Khoa Quyền Lộc phải đoán là kỳ tài, đôi khi ta phải đoán kì khôi, kì cục, kì lạ, kì quái tuỳ thuộc vào hung tinh tụ tập nhiều, ít.
* Nghi Vấn Trong Lịch Sử. Ví dụ Hitler chết, chạy thoát là một nghi vấn trong lịch sử. Nghi vấn Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi. Hitler có cách Vũ Kỵ lại thêm Xương Khúc thành cách đa tài đa năng tại Mệnh Thân vì thế ông ấy có tài diễn thuyết rất hùng hồn, tài quân sự, thực tế trình độ học vấn của ông không có bao nhiêu.
Đặc biệt đi với Tham có Hình cũng không ngại nếu như có thêm bộ Tướng Ấn.
Liêm Trinh Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại Can Bính.
* Lòng trong sáng bị nghi ngờ, đạo đức bị nghi vấn.
* Bị nghi ngờ và theo dõi. Bị nghi ngờ và điều tra, điều trần…
Đây là bộ sao rất kỵ gặp thêm Thiên Hình, Bạch Hổ, Triệt…
Nếu Mệnh và Đại Hạn đang có Liêm Trinh mà không bị Kỵ, thì chú ý năm lưu Kỵ là năm Bính, tháng Bính. Nếu có Kỵ cố định tất thị vấn đề càng phức tạp thêm. Khi gặp các năm kể trên, cần tìm thêm các năm có lưu Kỵ xung.
Thiên Phủ Hoá Kỵ
* Che đậy và nghi ngờ, khi có vấn đề nào đó nghi ngờ Thiên Phủ thường che đậy nhưng càng che đậy càng làm người ta nghi ngờ.
* Bị nghi ngờ (nghi kỵ, ghen ghét…) che đậy, che chở, bảo trợ, ủng hộ… Như bị nghi ngờ che đậy và khuyến khích. Ví dụ “X nuôi dưỡng bọn tin tặc, khuyến khích chúng ăn cắp, phá hoại…”. Tốt là bảo trợ và khuyến khích, tùy tình huống mà dùng từ cho chính xác.
PHỦ KỴ cũng Kỵ gặp thêm THIÊN HÌNH dễ can tội che đậy, bao che cho ai đó.
Thiên Tướng Hoá Kỵ
* Thương và ghét, thương thì thương mà ghét cũng có ghét. Nếu gặp thêm nhiều thị phi tinh khác thì sự oán hận càng lên cao. Có thêm Đào Địa Kiếp hoặc Khốc Hư Địa Kiếp rất là xấu làm hại nhau…
* Tùy mức độ mà trở thành tương kỵ “Mày ghét tao, tao cũng ghét mày”
* Kỳ thị cách. Đóng tại cung nào cung đó bị kỳ thị.
* Bị nghi ngờ tiếp tay, nuôi dưỡng, bảo trợ, ủng hộ…
Kỵ gặp Kình Dương nếu có Liêm Trinh dễ bị đánh đập do xung đột mâu thuẫn, nghi kỵ.
Thất Sát Hoá Kỵ
* Chủ Sát giới. Giới cấm đầu tiên của Phật giáo. Cấm giết, đừng giết nếu có Quyền. Lợi cho giới tu hành.
* Mất mát và nghi ngờ. Ví dụ “Một mất mười ngờ”.
* Bị nghi ngờ chiếm đoạt, đánh đập, phá phách. Có câu:
“Dần Thân Sát Kỵ trùng gia. Thường chiêu đả mạ thực là gian truân”
Đả là ẩu đả, mạ là chửi bới. Thường mua lấy ẩu đả, chửi lộn làm thú vui. Cho nên hàm ý của cách này là bị ghét bỏ vì hay đập phá. Chỉ một sao Hoá Kỵ thôi làm hỏng đi cách oai hùng. Nếu có thêm Hình là yểu tử.
“Kỵ Hình Thất Sát tương phùng. Thiếu niên yểu chiết như dòng Nhan, Uyên”
Hoặc thêm Kình Đà
“Thất Sát Hình Kỵ Đà Dương. Chẳng mặt thì ngực có thương mới là”
Tạo thành các cách đáng sợ, tranh giành cướp đoạt chống phá vi phạm pháp luật.
* Chủ thất kinh sợ hãi.
Còn chủ bị thất sủng, thất tình. Vì nó chủ sự ghét và sự mất mát, thất vọng. Nếu thấy Tướng Binh đồng cung càng dễ bị thất tình, thất sủng.
Đây là bộ sao cần gặp Khoa. Vì có giết có sát thì đó là vi trùng, côn trùng, động vật hoặc cái gì đó nguy hiểm cho xã hội.
Phá Quân Hoá Kỵ
Chủ ghét bỏ lẫn nhau. Bị ghét bỏ, bỏ rơi…
Chủ cấm phá, cấm bỏ, cấm trói… nếu có Quyền lợi cho giới tu hành.
Chủ đừng như đừng bỏ (em một mình) đừng phá, đừng trói buộc nó, đừng quấn quít với nó… nếu có Khoa.
Nếu có TRIỆT là bị ghét bỏ.
Kị gặp thêm Lộc Tồn đồng cung hoặc Tướng Binh đồng cung.
Cần có bộ Tử Vũ để hóa giải Kỵ cũng như nhóm sao Khoa, Long, Hà… Thiên Không nhưng chớ gặp thêm Kiếp vì hình thành bộ Kỵ Kiếp.
Tham Lang Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại Can Quí.
Nếu đồng cung đi với Vũ Khúc thì đây vẫn là một cách rất hay vì hưởng cách kỳ tài của Vũ nhưng nếu đi sâu vào vấn đề, ta có cách Tham Vũ Sửu Mùi đề cập các chi tiết lại nằm trong một đề tài khác…
* Vì ham ăn chơi mà bị ghét bỏ. Bị chỉ trích vì thú ăn chơi. Hình tượng là gã thanh niên bị ghét bỏ do ăn chơi. Rất kỵ gặp thêm Đào Hoa tạo thêm sự đố kỵ do ăn chơi mà người ta ghét.
* Đừng can thiệp, nghi ngờ, sự can thiệp, cấm can thiệp…
Ví dụ đừng can thiệp vào chuyện nội bộ của chúng tôi nhưng anh vẫn can thiệp, can dự vào và từ đó ta có cơ sở để ‘Nghi Ngờ’, nếu có quyền ta dùng uy quyền đó để từ ‘đừng’ chuyển thành ‘cấm’ can thiệp. Khi có một sự việc gì đó ta can thiệp vào dễ rơi vào một trong ba tình huống đó. Tình huống thứ tư là…
* Ghét mà Không thèm can thiệp, can dự, tham gia. Vì ta ngại cũng có và có tình huống ‘Ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi’. Thượng sách là ‘Tọa sơn quan hổ đấu’ ta tưởng là hay nhưng cách Tham Kỵ không cho ta yên. Ai đó đã kết luận thái độ bàng quan đó là vui sướng… từ đó hai kẻ thù quay lại liên minh chống lại ta, khả năng xảy ra do ta có cách Tham Kỵ thành ra can thiệp cũng chết không can dự cũng họa. Đây là cách rất khó chịu, can dự cũng không được, không can thiệp cũng không xong để dễ hình dung. Cựu Hoàng Bảo Đại năm 45 sau khi đã rút lui lại được mời ra tham gia.
* Lòng mơ ước, ham muốn bị nghi ngờ. Đôi khi ta bày tỏ lòng mơ ước gì đó, có người nghĩ ta… mượn tiền, xin trợ giúp, xin chức vụ… và mối nghi ngờ nảy sinh trong lòng họ, có khi ta bị nghi oan muốn đoạt chức vụ, làm loạn. Rồi tai họa nó đến từ Mơ Ước rất vô tư, vô tình nào đó. Tham Kỵ có thêm Việt Hình dễ thấy cái họa to đùng giáng xuống. Cho nên có đói cũng đừng mơ ước là có ổ bánh mì ăn đỡ đói. Lê Hựu Hà viết:
‘Tôi muốn làm loài thú đi hoang, tôi muốn sống như loài chim ngàn…’
Chỉ viết vậy thôi mà ca từ bị cấm đoán. Nếu viết như thế này mới nên cấm:
‘Tôi muốn làm con thú trong lầu son, Tôi muốn làm kiếp con chim trong lồng…’
* Cách Tham Kỵ có thêm Diêu Y dễ bị thủy tai, hình thành bộ nhị ám:
“Tham Kỵ phùng Diêu thuỷ tai nan miễn”
Kỵ gặp thêm Hình vì ăn chơi mà bị ốm đòn. Cần gặp Hoá Khoa và rất kỵ gặp Địa Kiếp.
Thiên Cơ Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại Can Mậu
Chủ các điều sau:
Trong một số tình huống ta đoán là kì tài, kỹ xảo,…nếu đi với cát tinh có dấu hiệu thành công.
* Kỹ năng, kỳ tài.
* Kỳ thạch, đá lạ quí, trong một số trường hợp ta phải luận đoán là kỳ thạch. Cơ Kỵ đi với cát tinh toàn mỹ có thể kể trường hợp Tưởng Giới Thạch.
* Chất vấn và nghi kỵ, nghi ngờ mà chất vấn, ghét mà bị chất vấn, bị ghét vì nói khích.
* Bỏ lỡ một cơ hội.
Nhưng nếu Cơ lạc hãm gia thêm Kỵ là thất cơ lỡ vận, ta có câu phú hay:
“Thiên Cơ, Hoá Kỵ lạc nhàn cung.
Túng hữu quan tai diệc bất chung.
Thoái tận gia tài kiêm thọ yểu.
Phiêu bồng tăng đạo trú sơn trung.”
Dễ gặp quan sự thị phi, tán tài, yểu mệnh, nên vào núi làm tăng đạo.
Bộ sao này cần gặp Quyền tinh, Khoa tinh.
Thiên Đồng Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại Can Canh.
* Trong lòng có sự nghi ngờ, nghi kỵ, ghen ghét.
* Cùng nghi kỵ như nhau. A nghi B như thế nào thì B cũng nghi A như vậy.
* Cùng ghen ghét, trong bụng ghen ghét.
Đứa bé bị ghét bỏ. Tốt là…
* Đứa bé kỳ lạ, kỳ tài… Kỳ Đồng cách. Từ Thiên Đồng ta luôn có Thiên Cơ hội họp cái hay và kỳ lạ nằm ở Thiên Cơ.
Kỵ gặp Kiếp, Đà.
Thiên Lương Hoá Kỵ
Lương tâm, lương thiện bị nghi ngờ là bất lương.
Nếu có Hoá Khoa không có thêm thị phi tinh, Hung tinh có nghĩa là kì tài, kỹ năng.
Cái mình phơi ra, bày ra chỉ tổ làm người ta thêm ghét.
Còn chủ cái lương thực ăn uống bị ghét hay bị cấm không được dùng đến.
Cái lương thực, lương tiền ấy bị nghi kỵ vì đâu mà có.
Cá biệt có một cách kỳ lạ Khôi Khoa Cô Quả đi với Thiên Lương thì tốt.
Rất kỵ gặp bộ Việt Linh Hình.
Thái Âm Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại can Ất, can Canh
* Thuộc cách Âm ám kỵ gặp bộ Diêu, Đà. Thành bộ Tam ám.
* Âm thầm đố kỵ, ghen tưông. Âm thầm nghi ngờ.
* Ghét giới nữ, ghét cái âm thanh đó, ghét tiếng nói ấy, giọng điệu ấy…. Ghét ban đêm thích ban ngày, cái đêm đáng ghét ấy, ghét cái tối thích cái sáng.
Người đàn bà bị ghét bỏ, bị nghi ngờ, nghi kỵ.
Dễ bị ám hại, âm mưu và ghét bỏ. Dễ bị nữ giới ám. Kỵ gặp thêm Diêu, Đà thành bộ tam Ám. Từ vị trí sao Thái Âm luôn luôn có thủ đoạn của sao Vũ Khúc nhị hợp.
Kỵ gặp bộ Linh, Hoả, Địa Kiếp.
Thái Dương Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có măt tại Can Giáp.
* Chủ Dương ám. Kỵ gặp đủ bộ Diêu, Đà thành bộ Tam ám.
* Chủ dấy lên mối nghi kị, và không dừng tại đó chuyển qua nghi ngờ công khai. Cấm đoán công khai. Bị ghét bỏ công khai.
* Ghét nam giới, nghi kị, nghi ngờ nam giới…
Người đàn ông bị ghét.
* Ngày đáng ghét là những ngày vui, ngày kỷ niệm, ngày đáng nhớ… Để lại ấn tượng xấu, khó quên khi có Quốc Ấn, Lưu Hà…
* Kỵ Nhật cách. Tức ngày kỵ, yếu tố xấu dễ bị mục tật, chết.
“Thái Dương Hoá Kỵ, hữu mục hoàn thương.”
Đàn ông rất Kỵ bộ sao này tại Hạn.
Kỵ gặp bộ Linh, Hoả, Địa Kiếp.
Cự Môn Hoá Kỵ
Bộ sao này luôn luôn có tại Can Đinh.
Cấm Khẩu Cách, Á khẩu.
Phá cách quan trọng của Cự Môn, chủ Vọng Ngôn (trong Phật giáo thuộc ngũ giới cấm)
Phú viết:
“Cự Môn, Hoá Kỵ giai bất cát. Mệnh, Thân, Vận hạn kị tương phùng”
“Cự Kỵ nên tránh đò sông. Phục Binh Hình Việt mắc vòng binh đao”
“Tuế Đà, Cự Kỵ phận nghèo. Một thân lên thác xuống đèo không yên”
*Thủy Tai, một chi tiết trong Thủy Tai cần nhấn mạnh là:
‘Ta không muốn uống nước nhưng phải uống đến chết. Uống trong nỗi khiếp sợ.’
Bạn đồng ý không? Nhất trí rồi, xin đọc tiếp. Vậy thì đừng ép người khác uống rượu nhé, coi chừng họ chết vì thủy tai… là rượu. Và Cự Kỵ còn là cách chết vì sự thị phi nghi kỵ của người đời, khiến người ta tự sát mà chết. Kết luận chết vì nước… bọt. Điều đáng nói kẻ giết người bằng nước bọt tâm tư rất thanh thản.
Thị Phi Cách: Cự Môn chủ phản đối, Hoá Kỵ chủ cấm. Phản đối bị cấm tạo thành thế uất hận, càng phản đối bao nhiêu càng dễ bị nghi kỵ, ghét bỏ bấy nhiêu. Và trong lòng kẻ Cự Kỵ đầy rẫy mối nghi ngờ lại càng phản đối, rất luẩn quẩn. Trong thành ngữ có câu:
‘Con ếch chết vì tiếng kêu’
Cá biệt cách Cự Kỵ có Việt Tuế như bị á khẩu vì bị cấm nói.
* Chủ: Cấm sờ mó. Như cấm sờ mó vào hiện vật.
* Sợ hãi chẳng ngờ. Cả hai sao đều chủ sợ hãi.
* Chủ ly kỳ như những câu chuyện ly kỳ, không lường trước được nhất là khi có Cơ, Khôi, Lương, Cô, Quả.
* Tối kỵ gặp thêm Đà.
“Cự Môn phùng Đà Kỵ tối hung”
Thiên Không Hoá Kỵ
Chủ không có gì mà cũng nghi ngờ. Thuộc nhóm sao cứu giải cho Kỵ nhưng với điều kiện chỉ có Không đơn thủ mà không có Kiếp hội họp.
Địa Kiếp Hoá Kỵ
“Tham cư Đoài Chấn thoát tục vi tăng. Kỵ Kiếp lai xâm trần hoàn đa trái”
*Ghen ghét và ức hiếp. Bộ Kỵ Kiếp chủ bị ghen ghét và ức hiếp, đến nỗi đi tu chẳng được yên thân, phải quay về trần tục. Đó là trường hợp đi với Tử Tham tại Mão Dậu. Bộ sao này đi với Đào tạo ra tai hoạ cho cung ấy, cũng như đi với Khốc Hư.
* Đào Kỵ Kiếp: Có nghĩa ghét mà ra tay làm hại.
* Khốc Hư Kỵ Kiếp: Có nghĩa là oán hờn, oán ghét ra tay làm hại.
* Vùng đất cấm. Cấm địa.
* Bị Nghi ngờ cướp đoạt. Tai họa do sự nghi ngờ. Đây là bộ sao đáng sợ nhất. Khi phát hiện có bộ Kỵ Kiếp nằm bất kỳ trên cung nào thì cung ấy bị Mệnh cung ghét bỏ ức hiếp rất trầm trọng, nếu có Đào hay Khốc Hư có thể xuống tay tàn độc. Nếu Mệnh có bộ sao này muốn yên chẳng được.
Hoá Kỵ Linh Tinh
* Nghe lệnh cấm. (Đừng ghé chỗ đó nghe, đừng về trễ nghe…)
* Lệnh cấm. Cấm nghe nhẹ nhàng là đừng nghe.
* Cờ lệnh cách (Kỵ Linh cách) tuân theo cái cờ đó mà hành động. Tất nhiên cần có Quyền hợp với bộ Tử Vũ.
* Nghe lời đố kỵ gièm pha, đây là cách thường gặp, bên tai thường nghe người này nói xấu người kia, vạch cho thấy bên kia xấu như thế nào, còn ta thừa biết bên nào xấu rồi, ngay cái việc nói xấu sau lưng là đã xấu rồi.
Rất cần có Quyền để được quyền ban cấm lệnh.
Rất kỵ bộ Việt Hình tức phát sinh tai họa.
Hoá Kỵ Hoả Tinh
Chủ: Giận và ghét, giận hờn và nghi ngờ. Cần gặp Hoá Khoa biến hung thành cát.
* Nổi giận vì bị ghét bỏ, bị nghi ngờ… Đây là yếu tố thường gặp trong đời thường.
* Ghét mà đốt, đốt cho bỏ ghét. Đây là cách tàn độc, đi với Kình là:
“Kình Dương Kỵ Hoả một bài. Hãm mà thủ Mệnh ấy loài ác tinh”
Mệnh Hạng Vũ có bộ Kỵ Hoả.
Khôi Việt Linh Hoả
Hai bộ sao này giao hội với nhau bất lợi. Vì Khôi Việt chủ bột phát mà Linh Hoả chủ cơn giận điên cuồng nhưng còn cơ đè nén được. Gặp Khôi Việt bộ sao này kích hoạt nó lên, Khôi kị Hoả, Việt kị Linh. Chủ bộc phát tai hoạ rất dễ nổi điên kỵ gặp nhóm Sát Phá. Nhất là Thiên Hình. Ví dụ:
“Hoả Linh, Hình Việt khác nào. Không bị sét đánh búa dao có ngày.”
Câu phú này hàm nghĩa nếu không rủi ro bị trời trừng phạt thì cũng nổi điên đâm chém nhau.
Kỵ Hình
Bị ghét mà áp bức (đi với Thất Sát)
Vi phạm điều cấm kỵ
Chủ gièm pha và trừng phạt. Nghi ngờ và trừng phạt bị ghét mà hành hạ, bị ghét mà trừng phạt, bị ghét mà giết.
Sao Hoá Kỵ chủ nghi ngờ, ghen ghét gặp thêm Thiên Hình chủ “hình như là” làm cho tính nghi ngờ càng thêm mạnh mẽ, chủ bị tình nghi.
Bộ Kỵ Hình Thất Sát hàm ý bị ghen ghét, bị giết, hoặc bị ngộ sát. (Thất Sát chủ sự lầm lẫn)
* Luật pháp cấm. Sự cấm đoán của pháp luật, luật lệ vi phạm điều cấm kỵ.
* Kỷ luật, nhẹ nhàng là bị Kỷ Luật (vì đối tượng còn quá nhỏ. Ví dụ học sinh bị kỷ luật)
* Giới luật đó là từ trong giới tôn giáo dùng, luật của giáo hội. Giới tu sỹ bị ràng buộc bởi nhiều luật, luật đạo, luật đời.
Bộ sao này Kỵ gặp Tử Vi chủ vi phạm luật pháp bằng hành vi.
Bộ Kỵ Hình làm mất tác dụng của cả bộ Tam Hoá. Cho nên có Hoá Khoa như Kỵ Hình Khoa vẫn là điều xấu, là họa phải gặp dù bản thân rành về khoa học kỹ thuật, giỏi luật học rồi cũng sương đọng mây tan. Đó là điều phú viết kinh qua nhiều chiêm nghiệm. Bộ Kỵ Hình là bộ sao đáng sợ, tuy nhiên cũng có một ngôi sao giỏi luồn lách vượt qua được. Đó là Vũ Khúc nhưng không phải khúc nào cũng luồn được vì có khúc phải có lúc. Tốt nhất đừng thấy Vũ luồn ta bắt chước luồn theo là dính đạn (có sự ám trợ từ ngôi Thái Âm) vô tình ta trở thành vật dâng hiến (Phượng Các) là cái bàn đạp (Đà La) để người khác leo lên danh vọng…
Còn câu phú ” Kỵ Hình Thất Sát tương phùng…” trở thành dễ hiểu. Thằng phạm pháp giết người là bùm… Thời nào cũng vậy thôi. Nhưng có khi không phải luật pháp xử, mà ai đó đã “thế thiên hành đạo rồi”.
* Chủ pháp thuật lạ, phương pháp lạ khi có những sao hiếm hoi khác.
Hoá Kỵ Xương Khúc
Văn Khúc Kỵ Bộ sao này luôn luôn có tại Can Kỷ
Văn Xương Kỵ Bộ sao này luôn luôn có tại Can Tân.
“ Miêu nhi bất tú Nhan Hồi. Văn Xương ngộ Kỵ uổng đời tài hoa”
“ Văn Khúc kỵ đồng Hoá Kỵ hạn ngộ nan phòng yểu tử chi ưu”
* Miêu nhi bất tú lúa không xanh tốt, lúa không ra hoa đã héo úa. Đây là cách yểu có trên các lá số Niên Can Tân, Kỷ chiếm tỷ lệ một phần năm số người, chẳng có gì để bàn nếu như đồng ý là cách yểu. Nhưng thực tế đa phần đi qua hạn mà không chết, chỉ gặp những điều phiền toái phải nghe những sự răn đe, cấm đoán, nghi kỵ gièm pha… bên tai, buồn mà… chết vì cứ nghe những chuyện buồn phiền, gièm pha lẫn nhau.
Cách dễ gặp rắc rối do giấy tờ, thư tịch, văn chương nghệ thuật sáng tác ra với tiếng khen, chê rồi buồn mà… chết. Khổ tâm nhất là khi làm giấy tờ gì đó bị vặn vẹo đủ thứ chuyện, thậm chí làm cả chục lần mà chỉ là thứ giấy tờ cỏn con.
Còn là cách nghe, xem những thứ cấm nghe xem, không đáng để nghe xem, bị cấm đoán, để rồi buồn quá mà… chết. Nghe những cái không thích, ghét bỏ mà cứ phải nghe từ ngày này qua ngày khác. Một cách ô nhiễm môi trường vì nghe.
Cách Xương Khúc ngộ Kỵ là đàn em của cách Linh Xương Đà Vũ đáng sợ hơn. Phú viết:
“Linh Xương Đà Vũ hạn chí đầu hà.” (đâm đầu xuống sông mà chết)
Văn chương nghệ thuật bị cấm đoán.
* Phê bình văn chương nghệ thuật. Phê bình, phê phán sách vở. Đây là công việc gây nhiều thị phi tranh cãi. Nếu không đủ tài năng dễ mang họa cần Mệnh Hạn có những chính tính ái mộ Kỵ như Tử Vũ, Cơ Lương.
Tuần Trung Hoá Kỵ
Đề phòng và nghi ngờ, bên trong có sự nghi ngờ. Nghi ngờ quan trọng bị lọt vào vòng nghi kỵ. Dĩ nhiên cái vòng đó luôn luôn ám theo ta. Ta vô tư, thơ ngây họ cho là ‘giả nai’. Ta nhìn họ cho là theo dõi. Ta tiếp xúc họ cho là liên hệ…
* Nghi ngờ đúng, cái điều ta nghi ngờ, ta ghét là đúng.
* Tuân theo, tuân thủ những sự cấm kỵ.
* Lời phê bình, phê phán, chỉ trích… một cách trung thực.
* Trọng cấm nếu có Hình Kỵ gặp thêm Sát Phá.
* Nội quy, những cấm đoán riêng trong nội bộ.
Triệt Lộ Hoá Kỵ
Lộ ra sự nghi kỵ, lộ ra sự ghét bỏ. Ghét bỏ ra mặt.
Trừ bỏ xem nhẹ những điều cấm kỵ có khi vì những lý do này mà mang họa vào thân, sau đó lại la làng không nghe, không biết.
Nửa nghi nửa không.
Nghi ngờ và trừ bỏ.
Ghét và trừ bỏ, Triệt vốn đã ưa trừ lại thêm Kỵ ghét. Hai sao này hỗ trợ lẫn nhau. Đây là bộ sao xấu, không nên gặp các chính tinh sợ Triệt nhất là sợ cả Kỵ như Nhật Nguyệt sáng sủa.
Hạn ngộ Kỵ cố định, tìm ngay lưu Kỵ ở đâu
Có lúc ta gặp hạn Kỵ cố định là ta thấy nhiều xui xẻo do sao này là một ám tinh quan trọng và khả năng có Đà ám cũng dễ xảy ra. Đáng sợ là Kỵ cố định hội họp lại có lưu Hoá Kỵ tọa thủ hay hội họp. Hoặc tình huống một Kỵ tại Đại Hạn lại thêm một Kỵ tại Tiểu hạn, tối tăm mặt mũi vì Kỵ. Cứ như sờ đâu cũng bị cấm, nói gì cũng không được gặp Kỵ Kiếp càng khổ.
Hoá Kỵ là một chén thuốc đắng nhưng lại là chén thuốc ‘đả tật’ đánh tan bệnh tật. Những lời phê bình chỉ trích của Kỵ làm cay đắng lòng người. Nhưng những người có tài xem đó như là cơ hội để rút kinh nghiệm cho cuộc sống ( như Tử Vũ, Cơ Lương) nhưng những người khác tối tăm mặt mũi dễ đem lòng thù oán.
Vì thế có câu:
Kẻ thù người oán chẳng ai yêu mình”
Vì Kỵ dám chỉ trích thẳng vào vấn đề không ba phải. Ta cũng biết lời thật mất lòng, những bậc kỳ tài mới dám đứng ra chỉ trích (đương nhiên kỳ quái, kỳ cục cũng không thiếu gì còn dồi dào hơn, ưa nổi đình nổi đám).
Nếu Mệnh có Hoá Kỵ là người khó chịu nhịn, nếu có văn tài tất họ không chịu nổi. Vì thế có câu:
“Hoá Kỵ văn nhân bất nại”
Họ sẵn sàng chạy theo Kỵ để chỉ trích, khiếu kiện ôm một đống hồ sơ dày cộm.
Thôi thì tạm dừng Kỵ tại đây, vào sâu đi với các bàng tinh còn khối chuyện để nói. Thấy cái gì cấm Kỵ hay nhất đừng làm, đừng sờ mó vào mà cũng đừng vì Kỵ sinh lòng oán hận.
Tài liệu tham khảo: Bửu Đỉnh Blog
(Dẫn theo trang www.xem-tuvi.net)