Luận về sao Liêm Trinh
Hình dáng Liêm Trinh gầy nhiều xương hơn thịt, mắt lộ hầu lộ. Liêm Trinh cát hung vô định hội hợp với nhiều sao tốt thì công danh địa vị cao, trong chính giới phát triển tốt, gặp các hung sát tinh hay bị hoạn nạn tai ách.
Đời Hán nhà dịch học Dực Phụng viết:’Tham Lang thiện hành, Liêm Trinh ác hạnh’. Hai sao ấy phẩm hạnh đi ngược chiều nhau. Liêm Trinh chủ về phẩm chất sự vinh nhục trên địa vị khi lên thì tốt, khi xuống thì xấu, Liêm Trinh mang hóa khí là ‘Tù’
Liêm Trinh trên cảm tình, tính tình khi thân cảm tình hòa hiệp, lúc ghét giận thì hung dữ bất thường. Chất Đào Hoa của Liêm Trinh cũng căn cứ trên tình trạng đổi thay ấy mà định. Liêm Trinh với nữ nhân biến thái của tình cảm mau và mạnh hơn với nam nhân.
Trường hợp Liêm Trinh đứng với Hóa Kị hoặc gặp Hoá Kị chuyện hôn nhân không tránh khỏi gãy đổ. Liêm Trinh đi với Tham Lang, Thất Sát, Phá Quân nữ mạng vợ chồng lấy nhau tự nhiên không nghi lễ, hoặc lấy chồng người.
Có câu phú Liêm Trinh thanh bạch năng tương thủ (Liêm Trinh ôm chặt khối tình)
“Liêm Trinh độc tọa ở Dần Thân
Liêm Trinh đứng bên Thiên Phủ ở Thìn Tuất
Đứng cùng Thiên Tướng ở Ngọ Tí
Đứng cùng Thất Sát ở Sửu Mùi
Đứng cùng Tham Lang ở Tỵ Hợi”
Thanh bạch năng tương thủ có hai kết cấu:
– Liêm Trinh đứng một mình ở Dần cùng với Lộc Tồn hoặc Lộc Tồn chiếu
– Liêm Trinh đứng một mình ở Thân với Lộc Tồn hoặc Lộc Tồn chiếu
Nói tóm lại, chỉ ở trường hợp Liêm Trinh độc tọa gặp Lộc Tồn mới thanh bạch thôi. Năng tương thủ có nghĩa là yêu mà bị xa nhau, yêu mà bị thất bại trong tình yêu nhưng vẫn giữ được mối tình ấy mãi mãi..
Tính chất của Lộc Tồn là đôn hậu, tâm địa chân thành, trân trọng, cẩn thận. Khi đã đi cùng với các sao khác thì cái điều thanh bạch năng tương thủ của Liêm Trinh, Lộc Tồn bị trộn không còn thuần khiết nữa. Cách này chỉ áp dụng đối với nữ mạng.
Nói về cách Liêm Sát, phú viết: Liêm Trinh Mùi cung vô sát, phú qúy thanh dương phan viễn danh (Liêm Trinh đóng Mùi – bên cạnh Thất Sát – không gặp hung sát tinh thì phú quí tiếng tăm). Điểm đáng chú ý không thấy nói tới Liêm Trinh đóng Sửu. Nếu chỉ đóng ở Mùi chưa đủ, cần phải có Tả Hữu nữa mới thực sự ăn to như câu phú trên đây.
Liêm Trinh còn được coi là cách ‘Hùng tú triều nguyên’ đời nếm trải gian tân, ngoài tuổi trung niên thành công, thêm Quyền Lộc dĩ nhiên như gấm thêu hoa, nhưng căn bản cần Tả Hữu đã. Liêm Sát vào Mùi hay Sửu bị Hóa Kị hay Linh Hỏa Kiếp Không sẽ biến thành cách ‘Mã cách lý thi’ (Da ngựa bọc thây) đa số vào võ nghiệp có địa vị cao và rồi chết với nghề. Liêm Sát như thế vào nữ mạng vất vả bôn ba và chết đột ngột. Liêm Sát ở Mùi sách chỉ nói là con người làm ăn có của (Tích phú chi nhân).
Đọc trong ‘Cốt Tủy Phú’ của Đẩu Số toàn thư khi luận về sao Liêm Sát có mấy câu cho ta cảm tưởng như mâu thuẫn. Những câu ấy là: ‘Liêm Trinh Thất Sát phản vi tích phu chi nhân; Liêm Trinh Thất Sát lưu đãng thiên nhai.’ Rồi ở ‘Thái vi phú’ lại viết câu: ‘Thất Sát Liêm Trinh đồng vị, lộ thượng mai thi’
Thật ra những câu phú ấy không mâu thuẫn vì Liêm Sát đồng vị bao giờ cũng xuất hiện ở hai cung Sửu và Mùi, Liêm Sát ở Mùi mới là miếu địa, Liêm Sát ở Sửu bị vào thế hãm nhược. Vì Mùi là Mộc cục và Hỏa khố trong khi Sửu là Kim cục và Thủy khố. Liêm Sát tại Mùi miếu địa nên tích phú, phấn đấu gian khổ thành công.
Liêm Sát Sửu nếu không hội tụ được những cát tinh mà lại bị hung sát kị vây bọc thành ra lữu đãng thiên nhai, lộ thượng mai thi. Liêm Trinh vào Sửu cung Hỏa bị Thủy khắc.
Chuyển qua cách Liêm Tham (Tỵ hoặc Hợi) cách này đưa đến tình trạng hình tù hay khách tử tha hương. Liêm Trinh vốn là Đào hoa tinh, Tham Lang cũng lại là Đào hoa tinh. Trước hết tình trạng hình tù ở tình trường đã, mê đắm sắc dục, bài bạc ăn chơi, mang công mắc nợ, bệnh tật triền miên.
Hình tù có mấy loại:
– Cảnh sát bỏ tù
– Nợ bỏ tù (suốt đời nợ nần)
– Bệnh bỏ tù (đau ốm hoài)
– Vợ hoặc chồng bỏ tù (cuộc duyên giao hãm)
Không cứ phải vào nhà giam mới bị gọi là tù.
Liêm Trinh không ưa Hóa Kị, nhưng ở cách Liêm Tham mà được Hóa Kị lại giảm bớt hẳn chuyện hình tù. Hỏa hay Linh cũng tạo chuyện tốt hơn cho Liêm Tham. Liêm Tham ở Hợi hội với Kình Dương Mão, đàn ông tù tội, đàn bà phong trần, hoặc Kình Dương Dậu hội với Liêm Tham ở Tỵ cũng thế. Có lập luận cho rằng Liêm Tham Tỵ nặng hơn Hợi, lập luận này không vững lắm.
Tham Lang là Đào hoa tinh, Liêm Trinh cũng là Đào hoa tinh. Nay hai đào hoa tụ lại một chỗ ở Hợi, cổ nhân gọi bằng phiếm thủy đào hoa (hoa đào trên sóng nước) thường là con người đam mê tửu sắc, bài bạc khác với ở Tỵ ưa mạo hiểm vướng vít vào những rắc rối luật pháp. Bởi thế Liêm Tham Tỵ dễ bị tù hơn ở Hợi. Cũng có thuyết cho rằng Tham Lang cung Tí mới gọi bằng phiếm thủy đào hoa. Tí hay Hợi đều thuộc thủy nhưng ở Hợi có lý hơn vì ở Tí chỉ có Tham Lang đứng độc thủ. Tham Lang tại Tí cũng đam mê sắc tình nhưng nhẹ hơn Liêm Tham Hợi. Tham Lang Tí ưa phét lác hơn thực sự hành động.
Trường hợp người tuổi Giáp lại gặp cách Liêm Tham Hợi lại thường phong lưu vì một Lộc ở Mệnh môt Lộc theo thế nhị hợp chưa kể đến hai sao Quyền Khoa hội tụ.. Tại Tí tuổi Giáp không phong lưu như Hợi (thiếu mất Lộc Tồn), công danh lận đận nhưng cũng đáng nể.
Liêm Trinh đứng ở bốn cung vượng Tí Ngọ Mão Dậu thế nào? Đứng Mão Dậu với Phá Quân, đứng Tí Ngọ với Thiên Tướng. Liêm Phá là con người tinh thần mạo hiểm cao, ưa xông xáo, thông tuệ nhưng học hành thường thôi, hay làm liều, lợi mình trước đã dù có hại người. Liêm Phá có thể là tay sai đắc lực, nhưng không thể thành người bạn tâm giao với ai, có nhiều nghị lực phấn đấu.
Liêm Phá hợp với tuổi Giáp và Ất. Ất tốt hơn Giáp nếu Liêm Phá đóng ở Mão cung. Liêm Phá sợ gặp Hỏa Tinh, nếu gặp dễ bị tai nạn hoặc ốm đau dữ dội với những bệnh hiểm nguy. Phú có câu: Liêm Phá Hỏa cư hãm địa tự ải đầu hà (Liêm Phá hội Hỏa Tinh bị tai nạn đến độ phải tự sát). Cái nghĩa đâm đầu xuống sông, treo cổ chỉ nói lên tình trạng hiểm nguy chứ không nhất định phải vậy.
“Liêm Hỏa Không Kiếp Phá Quân
Hãm cung thắt cổ nợ trần hết duyên
Liêm Phá tại Mão Dậu cung
Sát tinh cùng hội công danh khó màng”
Sát tinh ý chỉ Kình Đà Không Kiếp. Tuy nhiên đối với các tuổi Giáp Ất lại không thể ứng dụng những lời ca trên. Tử vi đẩu số toàn thư có đưa ra một câu phú:
“Liêm Trinh Tham Sát Phá Quân phùng
Văn Khúc Thiên Di tác cự nhung”
(nghĩa là Liêm Trinh hội Tham Lang, Thất Sát hay Phá Quân, nếu tự cung Thiên Di lại xuất hiện Văn Khúc thì…)
Mấy chữ ‘tác cự nhung’ không thể giảng giải ra được. Chỉ khả dĩ ghép hai chữ ‘cự nhung’ thành chữ tặc (làm giặc) thì mới có lý thôi. Ý chỉ nếu Liêm Tham Sát Phá gặp nhau lại thêm Văn Khúc xung chiếu Mệnh thì có khuynh hướng làm loạn, làm giặc. “Cự nhung’ cổ nhân tách chữ tặc ra cho vần điệu với âm thanh ‘phùng’ ở vế trên.
Liêm Phá vào nữ mạng tháo vát, nhưng tính không nhu thuận đưa đến những khó khăn trong cuộc sống duyên tình. Liêm Trinh hợp với hai sao Thiên Tướng và Thiên Phủ. Chỉ đi với hai sao này Liêm Trinh không gây tác hại.
Phú trong Tử vi đẩu số viết:”Thiên Phủ Tuất cung vô sát tấu, Giáp Kỷ sinh nhân phú vạn kim” (Thiên Phủ đóng ở Tuất mà người Giáp Kỷ giàu có).
Thiên Phủ ở Tuất đương nhiên phải đứng với Liêm Trinh. Tuổi Giáp Hóa Lộc ở Mệnh. Lộc Tồn cung Dần hội tụ theo thế tam hợp. Tuổi Kỷ Lộc Tồn chiếu từ Ngọ, Hóa Quyền chiếu từ Dần.
Thiên Phủ tại Thìn với tuổi Giáp không có Song Lộc, với tuổi Kỷ Tử Vi hãm. Xem như vậy thấy rằng Liêm Trinh phải đi với Lộc mới hay. Câu phú chỉ nhắc đến Thiên Phủ, không nhắc đến Liêm Trinh, đó là một lối ẩn ý của cổ nhân. Sự thật là Liêm Trinh đóng vai chủ chốt.
Liêm Trinh hội Lộc tiền bạc hoạnh phát, Thiên Phủ thành ông thần giữ kho. Liêm Phủ khi đã nên công thì cơ nghiệp bền không thăng trầm. Liêm Trinh đứng cùng với Thiên Tướng tại Tí Ngọ thì Ngọ hay đẹp hơn cho tuổi Giáp vì Giáp có Song Lộc ở Ngọ.
Kỷ Lộc Tồn tại Mệnh cung, cái thế gần cận mạnh hơn chiếu. Tuy nhiên cách Liêm Phủ với Liêm Tướng có một khác biệt ấy là: Liêm Phủ trong cuộc phấn đấu gặp may nhiều hơn như thuyền đi gió đẩy. Trong khi Liêm Tướng dùng mồ hôi sức lực để thành công như thuyền phải chèo.
Liêm Tướng nữ mệnh đàn bà giỏi trị gia gánh vác tự tay gây dựng cơ nghiệp và ít được nhờ chồng, tuy nhiên cuộc sống lứa đôi vẫn hạnh phúc. Liêm Tướng nếu không phải tuổi Giáp Kỷ thì vất vả hơn. Liêm Phủ nếu không phải tuổi Giáp Kỷ chỉ ở mức tiểu phú quí thôi.
Về Liêm Trinh còn những điều cần biết như sau:
Phú viết: Liêm Trinh Bạch Hổ hình tượng nan đào (Liêm Trinh gặp Bạch Hổ hay bị dính vào pháp luật, tù tội hoặc bị phạt tiền). Bạch Hổ ở câu phú này chỉ lưu niên Bạch Hổ chứ không phải Bạch Hổ đóng ngay tại Mệnh.
Riêng Quan Lộc tinh mà Liêm Trinh gặp Kình Dương thì thường bị thưa gửi, kiện tụng hoặc mất quyền chức.
Liêm Phá, Liêm Sát vào cung Thiên Di tất phiêu lãng quê người như phú có câu: Liêm Trinh Phá Sát hội Thiên Di tử ư ngoại đạo”, phiêu lãng hoài, đương nhiên không phải chết nơi quê hương bản quán, chứ không phải tử ư ngoại đạo là chết đường chết chợ.
Liêm Trinh ở hãm cung mà gặp Hóa Kị Văn Khúc biểu thị con người tham lam vô độ, chỉ ưa tiện nghi không chịu được kham khổ, dễ vì tiện nghi mà phản bội. Liêm Trinh đứng cùng với các sao đào hoa như Tham Lang, Đào Hoa đàn bà hay có bệnh máu huyết, đàn ông bệnh thận.
Người đời sau đưa thêm ra một số phú đoán về Liêm Trinh:
– Liêm Trinh Phá Quân hiểm phòng vô hạn.
(Số có Liêm Phá ở Mệnh luôn luôn phải đề phòng những hiểm nguy)
– Liêm tại Cấn, Khôn cung, nữ mệnh trích lệ thương phu, nhược lại cô quả không môn tiềm ẩn; nam nhân bất đa truân tai ách ư thương lê
(Liêm Trinh độc thủ Dần hay Thân, số gái dễ xa chồng phải nhỏ nước mắt thương nhớ, nếu lại gặp phải Cô Thần Quả Tú thì xa hẳn hoặc góa chồng. sống đơn độc, trai được vợ hiền mà vợ lại chết sớm)
– Liêm tọa Thân cung phùng Phụ Bật
Cách kiêm Hóa cát phúc quang vinh
(Liêm Trinh tọa thủ ở Thân có Tả Phụ hay Hữu Bật mà được Hóa Lộc, Hóa Quyền hay Hóa Khoa thì giàu sang)
– Liêm Sát Sửu Mùi, Ất Kỷ âm nam khí hùng trí dũng, Tuần Triệt vô xâm kiêm hữu Khoa Sinh hạn đá danh tài tốc phát
(Liêm Trinh Thất Sát đồng Sửu hay Mùi không bị Tuần Triệt anh hùng trí dũng tuổi Ất, tuổi Kỷ gặp vận hạn có Hóa Khoa Tràng Sinh thì phấn phát mau chóng)
– Liêm phùng Văn Quế cánh bôn ba
(Liêm Trinh đứng bên Văn Khúc càng bôn ba)
– Trọng Do uy mãnh Liêm Trinh nhập miếu hội Tướng Quân
(Liêm Trinh đứng miếu địa cùng sao Tướng Quân là người anh hùng dám đương đầu như thầy Trọng Do học trò Khổng Tử)
– Vương Lương ải ngục Liêm Trinh hãm Địa Kiếp ư Hỏa cung
(Liêm Trinh đóng Tỵ gặp Địa Kiếp như vl ngộ nạn trong ngục thất)
– Liêm Trinh Tỵ Hợi chớ bàn
Chàng Tiêu thuở trước tân toan ngục trường
– Công danh đợi tuổi tác cao
Giáp Liêm giáp Sát đoán nào có sai
(Mệnh cung bị Liêm Trinh, Thất Sát giáp thì về già mới nên công danh)
– Liêm Hao Tài Bạch cùng ngồi
Phá tan tổ nghiệp ra người lãng nhân
(Liêm Trinh Phá Quân vào Tài Bạch phá tổ nghiệp bỏ quê hương mà đi)
– Tham Liêm đồng độ đảo điên
Trai thì phiêu lãng gái duyên dâm tàng
(Dẫn theo blog Trần Nhật Thành)