Một cái nhìn đứng đắn để hiểu Tử Vi – ĐỊNH MẠNG HAY TỰ DO
Bài của Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài này của ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần, giáo sư đặc trách Triết học Đông Phương tại Đại Học Văn Khoa Saigon và là người đương hướng dẫn công việc của Ủy Ban Điển Chế Văn Tự. Thiết nghĩ khỏi phải giới thiệu nhiều về ông, vì các sinh viên theo ông đã biết rõ, và các tác phẩm của ông mấy chục tác phẩm Triết Học Đông Phương, gồm các sách về học thuyết Lão, Trang, Phật và về thuật sống của người xưa- cũng đã giới thiệu quá nhiều về ông. Trong phạm vi Khoa Học Huyền Bí, nhất là về khoa Tử Vi, chúng tôi đã nhờ cậy đến ông nêu ra một số quan niệm và kinh nghiệm, và đây là bài đầu tiên mà chúng tôi nhận được, đó cũng là bài căn bản để nêu lên một quan niệm về khoa Tử Vi. Có định mạng trong đó con người phải nép mình vào, hay là con người còn có tự do để xây dựng cuộc sống của mình. Ông Thu Giang đã gặp những trường hợp về định mạng thật là khắt khe buộc tin là phải có định mạng. Nhưng ông cũng muốn nêu lên một điều này: là con người vẫn có tự do để thay đổi số mạng của mình, và chính là lá số Tử Vi cho biết như vậy (LTS).
Người Việt Nam nào cũng nghe đến “số Tử Vi”… Nhất là những nhà theo cái huyền học truyền thống Á Đông, không một ai là không để ý đến nó, dù tin hay là không tin. Các nhà cho phần đông lại tin tưởng nó một cách gần như tuyệt đối. Bởi vậy, lúc đứa trẻ sinh ra, họ ghi lại rất kỹ giờ, ngày, năm tháng để tự mình lấy một lá số cho đứa trẻ hầu biết rõ tương lai nó như thế nào.
Có thể nói hầu hết, ngay những người tự xem có đầu óc khoa học nhất và tin tưởng nơi quyền tuyệt đối tự do của cá nhân, phủ nhận thuyết định mạng, cũng ít nhiều băn khoăn, nếu không nói là hoang mang trước vấn đề TỰ DO hay ĐỊNH MẠNG, một vấn đề mà Triết Học đã tốn không biết bao nhiêu giây mực rồi, nhưng chưa ngã lẽ.
Tôi còn nhớ, thưở nhỏ, nghe chú tôi, một nhà Nho chính cống rất giỏi Tử Vi, cả những môn Nhâm Cầm độn giáp, thường nói với về tôi với cha tôi: “Thằng này là con chim biển”, số mạng nó là hoang đàng lãng mạn, không bao giờ chịu sống trong khuôn khổ nào cả, cho được lâu ngày… Anh bỏ nó vào lồng, là nó phá lồng mà bay mất. Nuôi nó, nó cắn. Nó rừng rú… nó thích sống tha hồ trên biển rộng trời cao. Vui thì nó ở, buồn nó đi. Cho nên đường công danh của nó không thể đoán được.
Cha tôi lo cho tôi lắm, chỉ sợ tôi “hoang đàng”… Mà thật, xét lại từ nhỏ đến lớn tôi không chịu ở trong một cái lồng nào cả, không chịu vào một hội đảng hay một tôn giáo nào cả. Tôi đã cố gắng để sống trong một khuôn sáo đã được bề trên đặt để, mà nào có được cho cam. Xét lại những lời tiên đoán của chú tôi, về đại cương hết sức đúng.
Tôi lại có một người bạn chí thân, cũng có cậy chú tôi xem thử. Ông nói: “Thằng này lại khác, nó là con vượn quý được nuôi trong chuồng vàng. Công danh sẽ cao lắm, nhưng dù sao nó cũng phải bị nhốt trong lồng. Con vượn này là con vượn áo mão”. Bạn tôi tức lắm, nhất định sửa lại số mình, nếu có. Nhưng, hôm nay đầu đã hai thứ tóc, bạn tôi đang là một công chức cao cấp ngày tháng ràng buộc trong cảnh sang giàu mà tâm hồn luôn luôn đau khổ vì nhớ đến núi sâu rừng thẳm. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau… bạn tôi nhìn tôi… và lắc đầu… không nói gì cả.
Tôi có người bạn chí thân khác, có tài xem số Tử Vi, có thể nói là như thần. Tôi không tiện nói tên anh bạn, vì anh đã yêu cầu không nên tiết lộ cho ai cả.
Tôi đã được sống bên anh, và đã chính mắt thấy tai nghe cái tài đoán số của anh.
Bấy giờ là khoảng tháng 4 dương lịch năm 1963. Chúng tôi cùng đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Tôi cũng quen thân một vị công chức ở đây cũng là một tay đoán số Tử Vi có căn bản lắm. Ông ấy có cho chúng tôi xem hai lá số của ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu do người nhà của họ Ngô cho biết, vì bà vợ ông này là con gái của một gia đình vọng tộc ở đất Thần Kinh, rất quen thuộc với cụ Ngô Đình Khả.
Vị công chức này nghe bạn tôi sành Tử Vi, muốn nhờ bạn tôi đoán thử tương lai của hai ông gộc này như thế nào, và cũng là một cách để học thêm phép đoán.
Bởi chỗ quen thân, nên bạn tôi đoán liền:
– Số của hai người này qua tháng 9 âm lịch năm này (tức là 1963) muộn lắm là qua tháng 10, sẽ chết hết, mà chết một cách hết sức thảm khốc: tử vu đao kiếm. Lạ nhất là hai ông này cùng chết một lượt.
Anh bạn tôi cắt nghĩa:
– Số người anh có Phá Quân thủ Mạng ở cung Ngọ, lại gặp Triệt, còn số người em thì Thiên Tướng thủ Mạng, cùng ở cung Ngọ, lại cũng gặp Triệt. Đó là số bất đắc kỳ tử. Hạn đã gặp Thiên Không và khoảng tháng 9, tháng 10, không sao thoát khỏi.
Lúc bấy giờ ở Sài Gòn đã xảy ra cuộc xuống đường của Phật Giáo rồi và ngay ở Đà Lạt cũng đã bắt đầu nhôn nhao về vụ bắt bớ các nhà sư. Bạn tôi bảo riêng tôi: Đã đến lúc họ Ngô hết thời, anh mau về Sài Gòn nhưng phòng tháng 7 bị liên can và bắt bớ. Tuy vậy, không sao. Rồi cũng tai qua nạn khỏi. Tháng 9 hết nạn.
Lúc ấy, anh chủ nhiệm tờ báo lại gởi thư thúc hối tôi về gấp để tổng kết cuộc thảo luận. Tôi ra về, ôm theo hai lá Tử Vi, dĩ nhiên là cất kín, để thử xem lời tiên đoán như thế nào.
Qua tháng 7, tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thiết quân luật và cho tấn công vào chùa Xá Lợi, bắt tất cả các sư nhốt lại. Cách ít hôm sau, Tòa Soạn báo Tự Do bị niêm phong, anh em ký giả chúng tôi đều bị ruồng bắt hết… Nhớ lại đúng là tháng 7.
Bị giam ở An Ninh Quân Đội, tôi và các bạn được giam chung cùng một gian phòng. Không việc gì làm cho qua buổi “nhàn cư”, tôi bèn lấy các lá số của những người đang nắm quyền sinh sát chúng tôi ra xem và nghiên cứu lại cho tường tận theo lời chỉ dẫn của bạn tôi.
Không phải vì bị bắt, bị nhốt… mà đâm ra tâm trạng mong mỏi cho lời tiên đoán của ông bạn được thực hiện, để được giải phóng. Chúng tôi nghi ngờ, vì không làm sao tin là việc có thể xảy ra được. Lý do nào lại có việc chết cùng một lượt, mà lại cùng bị chết đâm chết chém.
Nhưng rồi tiếng súng ngày 1-11-63 đã bắt chúng tôi tin là có thật. Rồi qua ngày 2-11-63, nghe đài Phát Thanh loan tin rằng hai anh em họ quả đã “tử vu đao kiếm”.
Huống chi cung Giải Ách lại gặp đủ các sao Khôi, Việt, Kình, Đà và Thiên Hình. Số ông Ngô Đình Diệm cũng một thể: Khôi và Hình cùng ở một cung Giải Ách (Ông Diệm sanh năm Canh Tý, tháng 5, ngày 13 giờ Tý).
Sau khi hai ông Diệm và Nhu đã mất, một số nhà báo có nói đến số Tử Vi của 2 ông này và cho rằng 2 ông đã được các ông này báo trước. Tôi chẳng dám không tin, nhưng tôi tin nơi việc mà ông bạn tôi đã đoán về việc ấy, vì chính tôi đã mắt thấy tai nghe, và các bạn đồng số phận như tôi cũng đã có cơ hội chứng kiến lời tiên đoán ấy.
Cũng đã có nhiều cơ hội khác mà ông bạn lý số này đã làm cho tôi ngạc nhiên, và việc trên đây chỉ là một trường hợp đặc biệt thôi.
Có số mạng không?
Tôi xin tạm đặt lại vấn đề. Có, là sự dĩ nhiên rồi. Tuy vậy, mà KHÔNG. Tôi lại trở về vấn đề CÓ mà KHÔNG, KHÔNG mà CÓ của Đông Phương Triết Học. Ta cần phải xác nhận cái thuyết TIỀN NHÂN HẬU QUẢ của Phật Giáo, mà đừng chia thời gian ra làm 3, là Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai, mà phải quan niệm cả 3 là MỘT thì mới tạm giải quyết được vấn đề to tát này.
Câu: ”CÓ TRỜI MÀ CŨNG CÓ TA” của Nguyễn Du diễn được cái lý mà tôi đã nói trên. TRỜI đây đâu phải là số mạng mà có nghĩa là dường như do đâu đến. Mà thật sự, TRỜI đầy cũng chính là TA ở tiền thế. Theo Phật Giáo Duy Thức Học, thì TA ngày nay là TA của ngày trước đã kết tinh thành một mạng số. Ta ngày nay vừa là vật THỌ TẠO của ta ngày trước, và đồng thời cũng là Đấng Tạo Hóa của TA sau này (kiếp tới hay kiếp này).
Bởi vậy, tin “có số mạng” là sai, mà tin “không có số mạng” cũng sai. Người nào sành lý Nhân Duyên Quả Báo của nhà Phật Duy Thức Học mà nghiên cứu về số Tử Vi sẽ rất tinh. Trên lá số, ta thấy rõ ràng mọi định luật của Tạo Hóa. Toàn lý thuyết Nhân Duyên chi phối lý thuyết của khoa Tử Vi.
Cái mà ta gọi là Số Mạng thực sự chỉ là cái Nghiệp tự ta đã gây ra (Tự nghiệp), chứ không phải một quyền lực nào ngoài mình tạo ra cả. Và như vậy, cái gọi là số mạng không phải là tuyệt đối không thay đổi: tự mình tao ra, thì cũng tự mình hủy nó đi… nếu muốn, chứ không ai cứu được mình cả.
Sư rằng: Họa phúc đạo trờiCỗi nguồn cũng tại lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cội phúc, tình là giây oan.
Chữ TRỜI đây là ám chỉ số mạng dường như của Trời kia sắp đặt. Số mạng đâu phải là vấn đề cố định, nhất là về “Tâm Pháp”. Gọi là “Tâm Pháp”, là nói về các Pháp mà nguyên nhân do tâm thức tạo nên, người Tây Phương gọi là destinée intérieure… Phần này, người ta có thể nhất định đổi ngay được, như các bậc đắc đạo, hoạt nhiên tỉnh ngộ, các sợi dây ràng buộc của nghiệp chướng bị tháo tung và tan vỡ cả. Đó là việc khó làm nhất, nhưng không phải là không thể làm. Còn các pháp đã kết tinh lâu đời, không dễ gì mà tiêu hủy được, cho nên khó bề tránh được trong một kiếp người thường nhân như chúng ta.
KHHB số 31- 20/12/1972