Bài viết của Hoàng Trung
Trong việc luận đoán quẻ Dịch theo phương pháp lục hào nạp giáp, nhật thần và nguyệt lệnh đóng vai trò quan trọng, cùng với sự động tĩnh trong quẻ đều là mấu chốt để luận tốt xấu. Nhiều người cho rằng: Nhật thần có ảnh hưởng lớn hơn, có thể kéo dài, còn Nguyệt lệnh chỉ có ảnh hưởng trong thời điểm ngắn hơn. Liệu quan điểm ấy đã đúng chưa?
Tôi thường đọc, Tăng Bổ Bốc Phệ Chính Tông, không nói quá nếu cho rằng tác phẩm này được coi như kim chỉ nam của giới bốc dịch hiện đại, gồm các phần phú đoán tương truyền của Lưu Bá Ôn, danh thần khai quốc đời nhà Minh, và các phần chú giải, đính chính của Vương Hồng Tự đời nhà Thanh có những kiến thức giá trị về cách sử dụng nhật, nguyệt. Tuy nhiên ngôn từ của cổ nhân xúc tích, hàm chứa khiến việc hiểu cho đúng còn phải dựa vào khả năng phân tích cũng như quá trình nghiệm lý thực tiễn của từng người.
1, Nhận thần là chúa tể lục hào
Nhật thần, Nguyệt lệnh trong thiên Tổng đoán Hoàng Kim Sách Trực giải Thiên Kim Phú được nhắc đến như sau:
日 辰 為 六 爻 之 主 宰 喜 其 滅 項 安 劉
Nhật thần vi lục hào chi chúa tể, hỉ kỳ diệt Hạng nhi an Lưu (1)
Nhật thần là chúa tể của sáu hào, mừng nếu diệt được Hạng Vũ để Lưu Bang yên ổn
月 建 乃 萬 卦 之 提 綱 豈 可 助 紂 而 為 虐
Nguyệt kiến nãi vạn quái chi đề cương, khởi khả trợ Trụ nhi vi ngược (2)
Nguyệt kiến là đề cương của vạn quẻ, há đi giúp Trụ làm ác.
Văn sĩ thời xưa thường mượn điển tích viết sách, nên để hiểu hai câu này thì ta cần tìm hiểu một chút về lịch sử Trung Quốc, Lưu ở đây là Lưu Bang, là vị Hoàng Đế sáng lập triều đại nhà Hán ở Trung Quốc, còn Hạng ở đây là Hạng Vũ, hai người vốn đứng đầu những sứ quân mạnh chồng Tần, và sau này là kình địch của nhau, khi Lưu Bang yếu thế, nhiều lần thất trận trước Hạng Vũ, nhưng về sau dưới sự trợ giúp của các công thần đã chiến thắng, kiến lập triều đại nhà Hán kéo dài 4 thế kỷ. Đại ý của câu: (1) nhật thần là chúa tể sáu hào, nếu được nhật thần phù trợ thì dù trước mắt có bất lợi thì về sau vẫn hanh thông.
Còn Trụ nhi vi ngược? Trụ ở đây là Trụ Vương, là một vị vua cuối cùng của nhà Thương, Trung Quốc, được kế thừa của một triều đại dài hơn 600 năm, rất quyền lực nhưng do quá bạo ngược, tàn ác, mất lòng dân nên bị chư hầu của mình là Cơ Xương và con trai Cơ Phát lật đổ. Đại ý của câu (2) nguyệt lệnh là đề cương của vạn quẻ, nếu nguyệt lệnh là kỵ thần thì sẽ vô cùng khó khăn.
Nhật thần định thần sát, trường sinh, tuần không, Nguyệt lệnh định vượng sưy, hưu tù, vượng tướng, sẽ là khiếm khuyết nếu tách rời các vận động tĩnh biến trong cả sáu hào quẻ Dịch. Để rõ nghĩa cho 2 câu phú trên, Vương Hồng Tự viết:
“- Mùa Xuân: Mộc vượng, Hoả tướng. Mùa Hạ: Hoả vượng, Thổ tướng. Mùa Thu: Kim vượng, Thuỷ tướng. Mùa Đông: Thuỷ vượng, Mộc tướng. Bốn tháng cuối mỗi mùa Thổ vượng, Kim tướng. Đó là vượng tướng ở bốn mùa.
– Mùa Xuân thì Thổ và Kim. Mùa Hạ thì Kim và Thủy. Mùa Thu thì Mộc và Hoả. Mùa Đông thì Hoả và Thổ. Đó là hưu tù ở các mùa.
- Phàm trong quẻ, hào vượng tướng mà bị Nhật thần cùng động hào khắc chế, trước mắt được thời mà tươi tốt, quá thời sẽ bị hại. Đó chỉ là vượng tướng dùng trong tạm thời.
- Phàm trong quẻ, hào hưu tù nếu được Nhật thần cùng động hào sinh phù, trước mắt tuy không thể thoả chí, gặp thời sẽ đắc ý. Đó là hưu tù đợi thời mà dùng vậy.” (Thập bát luận – mục 13 luận về vượng tướng hưu tù).
Nhưng liệu Nhật thần thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn Nguyệt lệnh? Hãy xem tính ứng dụng trong các phần dự đoán.
2, Nguyệt kiến là đề cương của vạn quẻ
- Đầu tiên, trong phần luận đoán thời tiết (Thiên thời) có viết:
“Nhật thần chủ mưa nắng trong ngày (Nhật thần chủ nhất nhật chi âm tình)
trong khi:
“Phụ trì Nguyệt kiến thì ắt mưa mù suốt tuần (Phụ trì Nguyệt kiến tất nhiên âm vũ liên tuần).”
+ Chương, luận Niên thời, lại thấy sức ảnh hưởng rất lớn của tuế tinh:
“Thái Tuế gặp hung mà vượng có gió lớn ở Ôn châu (nơi hay có gió bão)
“Lưu niên gặp Quan quỷ nên sấm sét trên đất Hán (ám chỉ thiên tai).”
Hoặc sự vượng suy trong hào được tính theo lệnh tháng có ảnh hưởng lớn như:
“Năm được dồi dào vì Tài Phúc vượng mà không bị hình thương (câu 30),
“Quẻ gốc hưu tù thì nước nhà suy tàn (câu 33).”
Nhật thần chỉ được nhắc đến chung chung:
“Hào sơ để xem vạn vật, chớ trị ở nơi Tử Tuyệt, Hào tiếp xét lê dân, mừng tại chỗ Vượng Sinh (2)”.
Hoặc qua thần sát để mô tả cụ thể hơn cho một hào nào đó:
“(Quan quỷ) Gặp Câu Trần lại ở Thế hào mà hưng động thì đói kém vô cùng.(14)”
+ Chương Thân mệnh :
Tuế, Nguyệt là tượng quân tử, ngày giờ là tượng tiểu nhân:
Nhật thời hợp trợ, nhất sinh thiên đắc tiểu nhân tâm
Tuế Nguyệt khắc xung, bán thế vị triêm quân tử đức.
Ngày, giờ hợp trợ suốt đời được lòng tiểu nhân
Tuế Nguyệt khắc xung, hết nửa đời chưa được hưởng đức quân tử (quân tử thể hiện bề trên, người quyền quý)
Nhật, nguyệt đồng thời có ảnh hưởng:
Ngộ lệnh tinh như phong dao cán
Phùng Tuyệt địa tự vũ khuynh hoa
Gặp lệnh tinh như gió lay cành (tuy bị khắc chế mà được nguyệt lệnh chỉ là họa nhỏ)
Gặp tuyệt địa như mưa làm hoa đổ (nếu không được cả nhật, nguyệt giúp thì không đỡ nổi)
Sự suy vượng ở nguyệt lệnh quyết định tốt xấu hơn là thần sát tính theo ngày:
“Ngộ Long Tử nhi vô khí, túng thanh cao diệc thị hàn nho
Tử gặp Thanh Long mà vô khí thì cũng chỉ là hàn nho thanh cao”
“Ký phú thả thọ, Thế hào vượng tướng cánh vô thương,
Phi yểu tất bần, Thân vị hưu tù kiêm thụ chế.
Đã giàu lại thọ vì Thế hào vượng tướng chẳng bị thương,
Chẳng yểu thì nghèo vì Thân vị hưu tù cùng bị thụ chế.”
Nhưng bên cạnh đó cũng không thể đặt nhẹ sự ảnh hưởng của nhật thần:
“Thế cư Không địa, chung thân tác sự vô thành,
Thân nhập Mộ hào, đáo lão cầu mưu đa lệ.
Thế lâm Không, suốt đời làm việc chẳng thành
Thân nhập Mộ, đến già mưu sự vẫn ngang trái.”
- Chương Sĩ Hoạn – dự đoán Quan trường
Ta có thể thấy sự khác biệt qua những câu sau:
“Nhật thần xung khắc, định nhiên phỉ báng chi đa chiêu
Nhật thần xung khắc tất bị chê bai nhiều.”
“Thái Tuế gia hình bất thuận, biếm trích nan đào.
Thái Tuế có thêm hình mà không thuận, khó tránh bị cách chức đổi đi.”
Trong những lĩnh vực nhất định vai trò của nhật lệnh sẽ không phải lớn nhất.
- Trong Chương Cầu tài có hình ảnh trái ngược:
-
“Nguyệt đới Tài thần, quái tuy vô nhi nguyệt trung tất hữu
Nguyệt kiến là Tài thì quẻ tuy không có hào Tài. nhưng trong tháng thì có tiền.
Nguyệt kiến là giềng mối của quẻ, nếu lâm hào Tài, tuy trong quẻ không có hào Tài nhưng hào Tài phục cũng được Nguyệt kiến phò củng, gặp ngày trị tất được.” - “Nhật thương Thê vị, Tài tuy vượng nhi đương nhật ứng vô
Nhật hình thương hào Thê, thì dù hào Tài vượng mà ngay ngày đó cũng không có)
Tài hào vượng tướng sinh hợp với Thế hào hoặc trì Thế hào tất tượng sẽ có. Nếu bị Nhật thần khắc chế thì phải qua ngày đó mới có thể được.”
“Tăng bổ bốc phệ chính tông” có rất nhiều chương hướng dẫn luận đoán, trên đây chỉ là một vài mục để phân tích làm tiêu biểu.
3, Kết
Tư tưởng tối thượng của Dịch lý là sự mô phỏng hóa cuộc sống. Cho nên, tùy thuộc vào câu hỏi, tùy thuộc vào lĩnh vực cần xem, tùy thuộc vào môi trường thực tế người hỏi mà sử dụng Thái tuế, Nguyệt lệnh hay Nhật thần sao cho phù hợp. Trong sách vở là âm dương, ngũ hành, là hào, là quẻ, thực tiễn biến thiên và phức tạp khôn lường.
Tôi rất thích cách luận: nhật thần, thời thần tượng trưng cho đồng môn, người ngang vai hoặc dưới; thái tuế, nguyệt lệnh biểu trưng cho bề trên, hơn là đóng khung trong lý luận ngũ hành, vì chúng nhắc nhở tôi Dịch lý là cuộc sống, đằng sau mỗi quẻ là cả một câu chuyện, là cả một cuộc đời.
- Tài liệu tham khảo:
Tăng bổ Bốc phệ chính tông – Dịch và chú thích tiếng việt Vĩnh Cao
Mình học thì nhật ngắn còn nguyệt mới dài mà