Gọi đền Hùng là để cho gọn, thật ra phải gọi là đền thờ Đức tổ Hùng Vương. Đền hiện ở tỉnh Phú Thọ, do đó vùng đất này cũng được gọi là miền đất Tổ. Từ xưa, đã có nhiều tài liệu viết vể Đền Hùng. Dưới đây, xin cố gắng hệ thống hóa lại, qua vài mục để cho dễ nhận:
Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lãnh, thuộc địa phận Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, khu đền trải rộng trên đồi cao 175m so với mặt biển, cách Thủ đô Hà Nội hơn 80km về phía Tây Bắc.
Đền Hùng vốn là những miếu cổ bằng đá. Đến thế kỷ XI-XIII, vào thời Lý-Trần đền mới được xây dựng tương đối quy mô. Sang thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược phá hủy, đến thời hậu Lê, đền được khôi phục một phần. Dưới thời Nguyễn, đền được xây dựng lại. Lễ hội Đền Hùng được chính thức tổ chức long trọng vào thời Hồng Đức (cuối thế kỷ XV). Thời Minh Mạng (1820 – 1840), Đền Hùng không còn có lễ hội lớn nữa, bài vị đưa về miếu thờ ở kinh đô Huế. Đến triều Tự Đức (1848-1883), Đền Hùng được tu sửa và lễ hội Đền Hùng được tổ chức có tính toàn quốc.
Những năm tiếp theo, Đền Hùng không ngừng được trùng tu tôn tạo, lễ hội cũng ngày một tổ chức đông vui hơn. Năm 1874, vua Tự Đức cho trùng tu, đồng thời làm thêm một gian ở Đền chính, xây dựng cổng Tam Quan. Tháng 5 năm 1914, tu sửa nhà Đại Bái. Năm 1922, vua Khải Định cho xây lăng Hùng Vương và trùng tu Đền Giếng. Sau ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (18-9-1954 với sự có mặt của Đại đoàn quân Tiên Phong), Chính phủ ta đã tiến hành một đợt trùng tu lớn (1955-1956), dựng bia lưu niệm lời nói của Bác và đặt ở vị trí trang trọng trong nhà Đại Bái. Đến năm 1962, Nhà nước xây dựng thêm khu nhà Công Quán và các bậc cấp xuống Đền Giếng. Từ năm 1986-1993, Bộ Văn hóa cho xây dựng thêm Nhà bảo tàng phía sau Công Quán.
Theo truyền thuyết thì nước của các vua Hùng là nước Văn Lang có nguồn gốc từ Kinh Dương Vương. Tổ tiên của vua Hùng đầu tiên là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lạc Long Quân và Âu Cơ có 100 người con trai. Khi các con đã lớn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: ‘Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giông Tiên, người ở trên cạn. Tuy âm dương gặp nhau mà sinh hạ ra con cái, nhưng chốn ở khác nhau, thủy hỏa tương khắc, không thể ở với nhau lâu được. Nay nên chia nhau, ta dồn 50 con về thủy phủ cai trị các xứ, còn 50 con thì theo nàng ở trên cạn chia đất mà cai trị”. Âu Cơ cùng 50 con trai ở lại Phong Châu suy tôn người trưởng làm vua gọi là vua Hùng, đặt tên nước là Văn Lang và chia nước ra 15 bộ (Giao Chỉ, Chu Diên, Việt Thưòng…)
Truyền thuyết về Hùng Vương tồn tại lâu đời trong dân gian và được ghi chép lại trong các sách như một truyền sử. Mãi cho đến những năm 60, thì sự tồn tại của nước Văn Lang và thời đại các vua Hùng mới trở thành chính sử. Những chứng tích khảo cổ đã chứng minh một nền văn minh sông Hồng, một đất nước Văn Lang và các vua Hùng là có thật. Thời đại Hùng Vương gồm 18 đời liên tục đã hiện diện ở miền Trung du Bắc Bộ và các địa phương miền Bắc Việt Nam trước Công Nguyên, tức là cách đây mấy nghìn năm. Năm 1470, cụ Nguyễn Cố đã cho ra đời ngọc phả Hùng Vương có 18 đời vua Hùng, đó là:
- Kinh Dương Vương, vị vua viễn tổ.
- Lạc Long Quân, vị vua cao tổ.
- Hùng Quốc Vương, hiệu là Lân Lang, vị vua mở nước.
- Hùng Diệp Vương Bảo lang.
- Hùng Huy Vương Viên lang.
- Hùng Huy Vương (cùng hiệu với đời thứ năm) húy là Pháp Hải Lăng).
- Hùng Chiêu Vương lang Tiên Lang.
- Hùng Vi Vương Thừa Vân lang.
- Hùng Duy Vương Quốc lang.
- Hùng Uy Vương Hùng Hải lang.
- Hùng Chinh Vương Hùng Đức lang
- Hùng Vũ Vương Đức Hiền lang.
- Hùng Việt Vương Tuấn lang.
- Hùng Anh Vương Châu Nhân lang.
- Hùng Chiêu Vương Cảnh Châu lang.
- Hùng Tảo Vương Đức Quân lang.
- Hùng Nghị Vương Bảo Quang lang.
- Hùng Duệ Vương Huệ lang.
Vào đời thứ 6 là đời Hùng Huy Vương, giặc Ân xâm lược nước ta nên xuất hiện người anh hùng làng Gióng sau tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Đời thứ 18 – Hùng Duệ Vương – có con gái là nàng Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, hai vợ chồng cùng lập nên đạo Tiên – là đạo xưa nhất ở nước ta. Cũng vào đời này, có câu chuyện về cuộc chiến tranh giữa vua Hùng và vua Thục, nên có cuộc hôn nhân Tản Viên – Ngọc Hoa để sau đó là một loạt chuyện Tản Viên dạy dân biết các nghề, khiến cho đất nước ngày thêm thịnh vượng.
Hiện nay có đến 700 nơi thờ tự các vua Hùng, dòng dõi và tướng lĩnh thời vua Hùng, được phân bôi thành những khu vực: thờ Hùng Vương và dòng dõi vua Hùng ở các huyện Phong Châu, Lập Thạch, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì. Đền thờ Tản Viên ở các huyện Tam Thanh, Thanh Sơn, Sông Thao. Riêng về nơi thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ, các vua Hùng và Lạc hầu, Lạc tướng… có đến 600 đình miếu đền thờ lớn nhỏ.
QUANG CẢNH ĐỂN HÙNG
Đền chính thờ Quốc tổ Hùng Vương là ở Phú Thọ. Đền nằm dưới chân núi phía Tây. Cổng Tam Quan cao rộng, trên mái có đắp “Lưỡng long tranh nguyệt” và trụ có đình đèn lồng trang trí con nghê nung màu xanh nhạt. Hai bên cửa nổi bật phù điêu hai vệ sĩ sắc phục oai phong cầm đao, cầm chùy túc trực. Phía trên cửa chính có 4 chữ: Cao sơn cảnh hành (Núi cao đường lớn).
Theo con đường ấy qua 525 bậc sẽ đến Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tục truyền nơi đây Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu Trời bạn cho ngưòi tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc đã bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ Vọng trên đỉnh núi.
Đền Thượng, xây 4 nếp nhà liên hoàn theo 4 cấp cao dần, chênh nhau lm gồm có: nhà Chuông Trống, nhà Đại Bái, nhà Tiền Tế, Cung Thờ; mỗi nhà rộng từ 3m8 đến 5m để làm nơi thờ phụng, lễ bái, dâng hương các vua Hùng.
Nhà Chuông Trống, nổi lên 4 trụ biểu cao gắn hình con nghê, tường đắp tứ linh, trên mái xây “lưỡng long tranh châu”. Trong nhà đặt một trống và một chuông, chuông đồng có niên hiệu Khải Định thứ 2 năm 1917. Trên vòm cung cửa chính ra vào, trang trí phù điêu hai vệ sĩ phương phi túc trực, làm nổi bật 4 chữ:
Nam Việt triêu TỔ:
(Tổ muôn đời của nước Việt Nam)
Nhà Đại Bái làm kiểu quá gian kèo cầu, rộng 5m, nối liền với nhà Chuông Trống, dầm xà trơn thẳng, ghi niên hiệu Duy Tân trùng tu tháng 5 năm 1914. Câu nói nổi tiếng của Bác Hồ được khắc trên bia đặt giữa nhà Đại Bái:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Bên cạnh có nhiều câu đối ca ngợi phong cảnh đất nước.
Tại Nhà Tiền Tế, đặt một hương án, có một tráp thờ, trong đặt một triện gỗ hình vuông khắc 4 chữ: “Hùng Vương tử phúc”. Tại đây có 3 bức hoành phi, trong đó có câu:
“Quyết sơ dân sinh”
Có nghĩa: “Dân sinh là điều quyết định đầu tiên”.
Tại Cung Thờ đặt cỗ long ngai, thờ Tiên Dung và Ngọc Hoa. Theo dân gian truyền tụng, Hùng Vương thứ 18 trước khi nhắm mắt căn dặn dân làng: “Ta chỉ có hai mỵ nương, dân làng hãy thờ con ta bên cạnh, để con ta mãi mãi được bên ta”.
Đền Trung cách lăng mộ vua Hùng 102 bậc thềm. Ngôi đền nhìn về phía Nam, có 3 gian, 3 cửa hẹp và thấp đều có ý nghĩa của nó, người ra vào phải cúi xuống để tỏ rõ sự thành kính của mình. Theo lời kể của các bô lão địa phương thì Đền Trung có sớm nhất, do dòng họ Triệu xây dựng từ thuở xa xưa để thờ các vua Hùng. Từ những vết tích ngói lợp, mảnh bệ thờ bằng đất nung và 9 tảng đá kê chân cột còn nằm rải rác ở Đền Trung, có cơ sở để xác định: ngôi đền đã xuất hiện từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIII).
Đền Trung thờ phụng các vua Hùng và dòng dõi, có cả bệ thờ công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa. Theo tương truyền, Đền Trung là nơi các vua Hùng và Lạc hầu thường đi lại ngắm cảnh và bàn việc nước với các Lạc tướng. Chính nơi đây Lang Liêu đã dâng kiến vua cha những chiếc bánh chưng, bánh dày do mình làm ra. Về sau, vua Hùng Vương thứ 6 đã truyền ngôi cho Lang Liêu cũng tại nơi đây. Đền Trung còn được coi là một trung tâm của nước Văn Lang thủa trước.
Gian giữa Đền Trung treo bức đại tự:
Hùng Vương Tổ miếu
(Miếu thờ Tổ Hùng Vương)
Gian bên phải treo bức:
Tiên Tổ Nam bang
(Tổ muôn đời của nước Nam)
Gian bên trái treo bức:
Hùng Vương linh tích
(Vết tích linh thiêng của vua Hùng)
Đền Hạ cách Đền Trung 168 bậc thềm. Đền xây dựng kiểu chữ nhị (-), có 3 gian, lợp ngói hoa văn thông dụng, phù điêu là voi ngựa thời ấy. Các bệ thờ, bài vị và long ngai cũng giống như Đền Trung.
Theo dân làng kể, Đền Hạ xây dựng trước cửa chùa, tạo thành một kết cấu “tiền Thánh hậu Phật”. Nhưng về sau, khi có sự tích bà Chúa Chè (vợ Chúa Trịnh) lên cầu tự ở chùa, về sau sinh được một con trai, đã làm lễ tạ ơn trả nghĩa chùa một cỗ kiệu. Từ đó, dân làng cho chuyển dịch Đền Hạ sang vị trí mới như hiện nay. Sự tích này chưa có cơ sở khẳng định, nhưng trước cửa chùa vẫn nổi lên vết tích của một nền nhà khá lớn, chừng 400 – 500m2. Còn cỗ kiệu đã chuyển sang thờ ở một xã khác (xã Sơn Vi) nước sơn cũ vẫn còn.
Tương truyền rằng, Đền Hạ là nơi Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con. Hiện nay, Đền Hạ vẫn còn thờ 2 hòn đá tròn, đưòng kính khoảng 40cm đặt giữa các long ngai, tượng trưng cho bọc trăm trứng của bà Âu Cơ.
Lăng mộ các vua Hùng:
Lăng vua Hùng ở bên trái Đền Thượng, lăng rộng chừng 50m2, nằm trên mặt khoảng đất cao rợp bóng cây xanh, lăng nhìn về hướng Đông – Nam, kiến trúc theo hình khối vuông, trên có cỗ chồng diêm 8 mái, đỉnh chóp đắp hình rồng uốn lượn, có 3 chữ khắc chìm: Hùng Vương lăng (Lăng vua Hùng).
Trên mỗi mặt tường đều đắp mặt hổ phù, thành bậc đắp kỳ lân, cửa chính của lăng nổi lên hai câu đối:
“Lăng tẩm tự năm nao, núi Tản sông Đà, non nước vẫn quay về đất Tổ.
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
Trong lăng là mộ. Mộ xây hình khối chữ nhật, dài lm30, rộng 80cm, cao lm. Ngay đầu mộ, một tấm bia nổi lên 2 chữ:
“Biểu chính” (Lăng chính)
Tương truyền rằng, sau khi đánh đuổi giặc Ân, Hùng Huy Vương đã vắt áo giáp lên cây bên cạnh miếu thờ thần rồi hóa ở đó. Truyền thuyết còn ghi lại rằng, trước khi băng hà, Hùng Huy Vương căn dặn: “Sau khi ta chết, hãy chôn ta trên núi Cả (núi Nghĩa Lĩnh). Ở đó ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu sau này”. Người thời ấy đã làm theo di chúc của Huy Vương, đem thi hài nhà vua mai táng cạnh Đền Thượng.
Theo Ngọc phả Đền Hùng thì: Mộ Tổ Hùng Vương đặt trên núi Nghĩa Lĩnh. Nhưng tương truyền thì cho rằng: Lăng Hùng Vương do nhân dân ta xây dựng để thờ vọng: tưởng nhớ tổ tiên.
Từ lăng vua Hùng nơi đặt mộ Tổ, có thể nhìn bao quát toàn cảnh về sự hình thành Nhà nước Văn Lang xa xưa.
Dưới lớp rêu phong cổ kính, lăng mộ vua Hùng nói lên đạo lý nhân nghĩa của dân tộc, đã sản sinh ra nền văn hóa Văn Lang.
Chùa và đền Giếng:
Chùa và Tam Quan nằm trong khu vực đền thờ, ở phía bên phải Đền Hùng. Chùa làm theo kiểu chữ công (I). Tiền đường 5 gian, chính giữa là tam bảo ba gian, trên cao treo bức hoành phi mang chữ:
Thiên Quang thiền tự (Chùa Thiên Quang)
Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Đại gian bên phải là Thánh hiền và Hộ pháp, nổi bật lên pho tượng Thánh tăng tạc đứng. Ngoài ra, chùa còn thờ Thổ địa trông coi toàn bộ đất đai nhà chùa, Thổ địa được tạc ngồi trên bệ.
Hai bên chái nhà chùa, có tượng Nam Tào Bắc Đẩu ngồi chầu, bên cạnh là Hộ pháp khuyến thiện, phía trên là tượng Quan Âm và cạnh đó là một tấm bia ghi công đức các phật tử xây dựng chùa.
Tam Quan được xây dựng ngay trước mặt chùa, 3 gian, 2 mái. Lòng Tam Quan rộng 7m, mái hiên cao 2ml. Trên mái hiên chạm nổi cảnh trời mây, sơn thủy và đắp “lưỡng long chầu nguyệt”, mang dáng dấp thời Lê.
Đền Giếng nép mình dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, làm theo kiểu chữ công (I). Từ sân lên tiền sảnh 3 gian rộng 4m và 3 cửa chính. Trên mái đắp tứ linh: long, lân, quy, phụng. Ở chính giữa có bệ thờ Nam Tào Bắc Đẩu. Chính giữa tiền sảnh là bức đại tự đặt trên nền màu lam, viền vàng rõ nét:
Ẩm thủy tư nguyên
(Uống nước nhớ nguồn)
Nam quốc anh hoàng
(Vua anh minh của nước Nam)
Sơn thủy kim ngọc
(Núi sông quý báu như vàng ngọc)
Theo nhân dân địa phương kể lại, từ cuối thế kỷ XIX, ở đây đã có một giếng nhỏ, trên nền đá xếp, một miếu lá, đặt bát hương thờ. Vốn là cái miếu thờ được thần thoại hóa từ sự tích hai con gái vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa khi chưa lấy chồng thường ra giếng nhỏ rửa mặt, soi bóng chít khăn. Sau ngày Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, Ngọc Hoa lấy Sơn Tinh thì hai cặp vợ chồng đều hóa thành tiên. Cho nên người xưa lập đền thờ bên giếng.
Từ đó, trước bệ thờ, ở giữa đền có một giếng Ngọc gọi là Ngọc Tỉnh. Giếng sâu 2m5, mức nước thường xuyên trên lm và đường kính là 90cm. Đến thăm Đền Hùng, nhà thơ Tản Đà đã có đôi câu đối:
“Tổ tổ, tôn tôn, tôn tổ cũ
Non non, nước nước, nước non nhà”
Lễ hội Đền Hùng:
Đã từ lâu dân tộc ta có truyền thống giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Ca dao có câu:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ, mồng mười tháng ba
Muôn đời truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Hùng Vương là vị vua đầu tiên mở nước, nên dân ta có câu:
Cõi Nam riêng một góc trời
Hùng Vương gây dựng đổi đời nghiệp vua.
Lễ giỗ Tổ mở ngay trên địa bàn xưa vua Hùng đã thiết lập Kinh đô, nơi cội nguồn của dân tộc. Lễ là cuộc tế long trọng đầy đủ nghi thức ở cấp quốc gia, diễn ra ở các đền. Các vị chủ tế hàng năm là người đại diện cho vua, cho Nhà nước. Nghi thức cũng đầy đủ các quy phạm như những cuộc tế lớn (quốc tế). Lễ vật là lễ tam sinh: lợn, bò, dê, mỗi thứ một con để nguyên. Bắt buộc phải có bánh chưng, bánh dày mới có đầy đủ ý nghĩa tưởng niệm. Nhạc khí được dùng chủ yếu từ xưa đến nay là trống đồng. Tiếng trống ngân vang luôn gây nên niềm xúc động. Thi hành đầy đủ lễ tế ấy mối thể hiện được tấm lòng thành kính biết ơn của bao nhiêu thế hệ con Tiên cháu Rồng.
Theo cuốn “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền”, do Nguyễn Cố soạn năm 1470 đến năm 1600 sao lại, có đoạn: “Phụng ban hương Trung Nghĩa làm dân trưởng tạo lệ, cấp năm trăm mẫu ruộng tại xã Huy Lương, lại cho thu tô thuế ruộng của một vùng phía trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, phía dưới đến Việt Trì, đều đem nộp cho dân trưởng tạo lệ làm hương hỏa thờ phụng “thập bát diệp Hùng đồ”. Từ đó, qua các triều đại phong kiến, việc tế lễ các vua Hùng hàng năm luôn luôn được coi trọng và trở thành việc của cả nước.
Ngày hội chính thức trước đây là ngày 11 tháng 3. Còn ngày 10 tháng 3 chỉ là ngày các chức sắc làm lễ trước. Việc tế lễ hàng năm trước đây do viên tuần phủ Phú Thọ làm chủ tế. Hai viên tri phủ Lâm Thao đọc văn. Còn các viên tri phủ, tri huyện Phù Ninh làm bồi tế. Thừa phái phủ Lâm Thao đọc văn. Còn các viên tri phủ, tri huyện, tri châu khác vào các châu đông xướng, tây xướng, tiến hương, tiến tửu… Khi tế còn có phường nhà tơ do Ngài múa thờ. Việc tế lễ được tiến hành tại đền Thượng.
Tiếp theo phần lễ là phần hội, chủ yếu là các cuộc rước. Phần rước xách ở hội Đền Hùng rất phong phú. Có thể kể ra một số cuộc rước: cuộc rước làng Phương Giao, rước kiệu và Tân hội, rước kiệu và long thần, rước voi, rước chiêng và dùi long. Tất cả các cuộc rước đều được tổ chức rất long trọng với đầy đủ các nghi thức, phương tiện, như cờ, quạt, đồ chấp kích, quân phù giá, phường bát âm v.v…
Còn có rước cỗ chay, rước bánh chưng bánh dày. Đây là cuộc rước độc đáo của riêng Đền Hùng. Không phải chỉ để tưởng nhớ Lang Liêu mà để nhớ các vua Hùng, các vị thánh như Tản Viên đã dạy dân trồng lúa.
Đoàn rước voi cũng khá đặc biệt. Các cụ bảo rằng, trước đây có những đoàn voi thực được tổ chức đi diễu hành. Voi tiêu biểu cho sức mạnh hào hùng của dân tộc. Cuối cùng là rước kiệu bay. Các làng chung quanh núi Nghĩa Lĩnh cũng đem kiệu của làng, cờ quạt nhiều màu sắc từ các ngả rước về Đền Hạ, rước chạy quanh sân Đền. Ý nghĩa cuộc rước này là con cháu gần xa cùng về lễ Tổ. Kiệu các làng trong vùng đại diện cho các nơi trong cả nước. Rõ ràng trong tâm thức nhân dân, mọi sáng kiến hành động của lễ hội đều có chủ đích hướng về cội nguồn dân tộc.
Cùng với những cuộc rước này là các trò vui, cuộc chơi của dân địa phương quanh Đền Hùng. Trên hồ Đá Vao, cạnh chân núi Nghĩa Lĩnh là cuộc thi bơi của những đội thuyền rồng. Quanh bờ hồ, bên sưòn núi, dọc hai bên quốc lộ và tỉnh lộ là những rạp tuồng, chèo, những cây đu tiên, những cuộc tung còn của các trai thanh gái lịch. Những phường xoan của nhiều nơi về tổ chức hát xoan – một điệu dân ca riêng của vùng đất Tổ này. Xoan tức là xuân. Niềm vui xuân, giai điệu xuân, tâm hồn xuân phơi phới, tràn ngập xung quanh vua Hùng mang lại một cảm giác dạt dào đầy ý nghĩa. Hát xoan ở đền Hùng chủ yếu là hát thò và hát chào Thánh. Theo “Truyền thuyết Hùng Vương” thì hát xoan có từ thời dựng nước. Các nghệ nhân thôn Phù Đức kể lại rằng: “Ngày xưa ba anh em vua Hùng đi tìm đất qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại trong một khu rừng gần thôn. Từ khu rừng các vị nhìn ra bãi cỏ trước mắt thấy có đám trẻ con chăn trâu vừa chơi vừa hát, vừa đánh vật, kéo co. Thấy vậy, Đức Thánh cả liền bảo những người đi theo đem những bài hát mà họ biết dạy thêm cho lũ trẻ. Về sau cứ hàng năm đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, dân làng phải làm bánh nắng để cúng vào buổi trưa và thịt bò cúng vào buổi chiều ở miếu “Lãi lên” để thờ Đức Thánh (nguyên ngày xưa Đức Thánh đi qua, người trong thốn đã đãi hai món đó). Tới ngày mồng 2, mồng 3 tháng giêng âm lịch thì dân Phù Đức mở hội cầu, trong hội cầu họ diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật ở bãi. Lệ hàng năm hát xướng bắt nguồn từ sự việc ấy. Nên hát xoan còn được gọi là “Lãi lên”.
Có thể nói rằng trong đời sông tâm linh ngưòi Việt, vua Hùng có một vị trí vô cùng quan trọng. Biểu tượng vua Hùng tồn tại cụ thể và thiêng liêng. Việc thờ phụng vua Hùng đối với nhân dân ta là một dạng tín ngưỡng sâu sắc. Đền Hùng là một di tích lớn, là biểu trưng hùng hồn cho tư tưởng về cội nguồn của dân tộc. Chọn địa điểm được xem là nơi phát tích của các vua Hùng, đồng thời lại là chỗ tương truyền xưa kia là đô thành nước Văn Lang, cùng những vị trí với những ý thức khẳng định đã có sự hiện diện của các vua Tổ Hùng Vương, nhân dân ta từ bao đời nay đã bộc lộ rất đầy đủ tinh thần dân tộc và niềm tự hào về nòi giống của mình. Đền Hùng mãi mãi rực rõ trong lòng nhân dân Việt Nam qua trăm ngàn thế hệ.
(Bài viết của Phạm Thúy Hồng trích trong sách “Đền Miếu Việt Nam” do GS. Vũ Ngọc Khánh chủ biên)