Đền Kiếp Bạc (Hải Dương) là một trong những nơi thờ chính Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vị anh hùng chiến thắng quân Nguyên (thế kỷ 13) đã là một danh nhân lịch sử, đồng thời đã trở thành một vị Thánh linh thiêng, tôn quý của các thế hệ Việt Nam. Cần phải có một cuốn sách riêng về các nơi thờ Thánh Trần. Trong khuôn khổ sách này, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh và đặc tả Đển Kiếp Bạc.
(Ngoài đền Kiếp Bạc, còn có các nơi thờ Ngài ở Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội).
Tư liệu rút từ một công trình nghiên cứu của Thạc sĩ Phạm Quỳnh Phương (sẽ xuất bản).
Kiếp Bạc là tên ghép hai xã Vạn Yên (làng Kiếp) và xã Dược Sơn (làng Bạc). Đền Kiếp Bạc thời Trần thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang, nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo truyền thuyết về vùng Kiếp Bạc thì vị trí của Đền Kiếp Bạc xưa là vùng rừng già rậm rạp có nhiều muông thú. Hưng Đạo Vương lúc đó lập đại bản doanh ở một thung lũng lớn. Vương có một con chó rất tinh khôn, bỗng một hôm bỏ đi đâu mất. Vương sai người đi tìm và thấy chó mẹ cùng bôn chó con mới sinh nằm ở khu vực bãi sậy phía ngoài, cách bản doanh một sưòn đèo. Vương sai người đem chó về, nhưng hôm sau chó mẹ lại tha các con ra chỗ cũ. Cứ như vậy đến ba lần. Vương thấy lạ, đích thân đến tận nơi xem xét. Với con mắt của một nhà quân sự đại tài, Trần Hưng Đạo nhận ra đây là một thế đất rất đẹp, tiến lui đều dễ dàng: nằm cạnh sông Thương (thời Trần gọi là sông Bình Than), nhìn thẳng xuống sông Lục Đầu, dãy núi Rồng hình tay ngai có ba mặt ôm lấy thung lũng, ở giữa có một quả đồi. Trên thế núi, sông giống như miệng rồng đang ngậm ngọc, Vương quyết định không bắt chó về nữa mà chuyển cả đại bản doanh đến vị trí mà con chó mang con đến ở. Đó chính là khu vực Đền Kiếp Bạc ngày nay.
Trong báo cáo “Tỉnh Hải Dương – trích Đồng Khánh sắc chế ngự lãm địa dư chí lược – hiên soạn dâng lên vua Đồng Khánh (1886 – 1888) có ghi: “Đền thờ Trần Hưng Đạo Vương ở xã Dược Sơn, dân bản xã và dân trại Vạn An cùng phụng thờ… phía dưới núi Dược Sơn có núi Nam Tào, đối xứng với núi Vạn An, núi Bắc Đẩu. Đền thờ Hưng Đạo Vương ở vào giữa khu vực ấy”. Có thể nói, cả cuộc đời Hưng Đạo Vương gắn bó với vùng Vạn Kiếp và Kiếp Bạc là trung tâm. Ông đã dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp để lập phòng tuyến trấn giữ mặt Đông Bắc Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Nguyên lần 2 (1285), Trần Hưng Đạo đã tập trung trên 20 vạn quân, hàng nghìn thuyền chiến ở Vạn Kiếp và đã lập một chiến công huy hoàng tại đây. Khi đất nước thanh bình, Vương lại về Vạn Kiếp để an nghỉ tuổi già và đây cũng là nơi ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Phía Bắc Kiếp Bạc là Phả Lại, phía Tây giáp sông Thương có một dải đất hẹp và dài nổi lên giữa sông mà dân gian gọi là cồn Kiếm (gắn với truyền thuyết về thanh kiếm của Trần Hưng Đạo được thả xuống lòng sông), phía Bắc là thung lũng Vạn Yên với sông Vang nhỏ và sâu, tạo điều kiện cho thuyền bè vào sát chân núi. Núi Rồng tiến sát đến dòng sông, nhánh phía Bắc gọi là núi Bắc Đẩu, nhánh phía Nam gọi là núi Nam Tào (cũng gọi là Dược Sơn).
Có thể nói, không nơi nào trên đất nước ta có địa danh lưu giữ nhiều dấu vết liên quan đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn như Kiếp Bạc. Người ta có thể chỉ đây là sinh từ (đền thờ khi Hưng Đạo Vương còn sống), đây là xưởng Thuyền, kia là vườn Thuốc, lò Gốm, Viên Lăng… tất cả đều có những kỷ niệm của Đức Thánh. Sinh từ (Từ cũ) có diện tích gần một mẫu nằm ở giữa thung lũng, nay chỉ còn lại phần nền, dân đã san trồng hoa màu. Tương truyền đây là đền thờ Trần Hưng Đạo lúc sinh thời, sau khi ông qua đời, người ta gánh gạch từ đây ra xây đền Kiếp Bạc. Hiện nay vẫn có con đường mòn từ “Từ cũ” sang đền Kiếp Bạc mà nhân dân gọi là “đường mòn gánh gạch”. Xưởng Thuyền là nơi xưa kia Hưng Đạo Vương cho đóng thuyền, theo sông Vang thông với sông Thương để đưa đi các nơi. Xưởng Thuyền cách đền Bắc Đẩu chừng 600m, nay là đất canh tác của nhân dân thôn Vạn Yên. Lò Gốm nằm cạnh chùa Nam Tào, tương truyền là nơi Vương cho nung gạch ngói xây dựng. Hố Chân Bia nằm trên núi trán Rồng, cách đền Kiếp Bạc chừng 400m. Đây là nơi trước đặt tấm bia được vua cho dựng nên để ghi công lao ông, nhưng nay bị chìm xuống không còn nữa nên gọi là hố Chân Bia. Hành Cung cách Kiếp Bạc chừng 700m, trước có đền thờ bà bán hằng có công giúp Hưng Đạo Vương đánh giặc. Quả đồi tròn rộng khoảng một héc ta bên cạnh đền được gọi là Viên Lăng, dân gian cho rằng đó chính là nơi an nghỉ của Vương. Dược Sơn (Dược lĩnh cổ viên) là ngọn núi tương truyền nơi Vương cho trồng cây thuốc nam đế cứu chữa cho binh lính và dân cư trong vùng. Truyền thuyết kể rằng, để chữa chạy cho binh lính, ông đã chiêu mộ các danh y ở khắp nơi về Vạn Kiếp bốc thuốc chẩn trị cho binh lính và cho lập vườn thuốc Dược Sơn. Ban đầu Dược Sơn nhỏ hẹp, cây thuốc ít. Một đêm Hưng Đạo Vương nằm mơ thấy một ông già quấn khăn nâu, áo đen, xách túi cói vào gặp và thưa: “Tôi là Dược Linh, biết Đức ông cần thuốc nên mang đến biếu”. Ông mở xem trong túi chỉ thấy có mấy cây thuốc giống, còn ông già thì biến mất. Biết là mơ nhưng Vương đã cẩn thận vẽ lại hình dáng cây thuốc giống mà ông đã thấy trong mơ. Ít lâu sau, Hưng Đạo Vương thấy bên đường có những cây con giống hệt cây mà Dược Linh cho. Ông mang những cây đó về Dược Sơn trồng, rồi tự tay hái lá thuốc giã đắp cho binh lính. Quả nhiên chỉ ba ngày vết thương khô, bảy ngày vết thương khỏi. Từ đó Dược Sơn được mở rộng, cây thuốc kín cả sườn đồi. Ông đặt tên cây thuốc đó là Dược Linh. Hiện nay, các cây thuốc vẫn còn mọc trên núi Dược Sơn và được người dân sử dụng giải nhiệt và để chữa các bệnh thông thường như mụn nhọt, máu huyết và các vết thương…
Đặc biệt trong cụm di tích này có hai ngôi đền mang tên Nam Tào, Bắc Đẩu nằm trên hai ngọn núi đối xứng nhau qua đền Kiếp Bạc. Hai ngôi đền này tương truyền có từ rất lâu, đền Nam Tào thờ quan Nam Tào cầm sổ sinh, đền Bắc Đẩu thờ quan Bắc Đẩu cầm sổ tử (một số người lại nói ngược lại). Đáng chú ý là ở đây, quan Bắc Đẩu được đồng nhất với Dã Tượng, quan Nam Tào được đồng nhất với Yết Kiêu – hai vị tướng trung thành của Trần Hưng Đạo. Theo các cụ kể lại, xưa kia hai Đền rất to nhưng trong chiến tranh đã bị giặc Pháp phá. Cả hai đều được xây mới trên móng của nền nhà cũ vào năm 1979, tuy không phục hồi được như kiểu cách cũ. Hiện nay, phía trước hai đền đều có xây riêng gian thờ Mẫu, gian thờ Ngũ vị Tôn Ông (đền Bắc Đẩu), hay thờ thần Cao Sơn (đền Nam Tào), và đặc biệt đền có gian thờ Hồ Chủ Tịch. Với những dấu ấn văn hóa lịch sử, hai ngôi đền này đã góp phần to lớn vào việc nâng cao giá trị của đền Kiếp Bạc.
Ngoài ra, cách đền Kiếp Bạc về phía Đông Nam chừng 2 km có một dãy núi chạy dài với hai vệt dọc màu xanh lam, được dân gian tương truyền là đường kéo thuyền của Phi Bồng đại tướng quân đã phù trợ cho Hưng Đạo Vương đánh giặc. Dân đã lập đền thờ ông ở thôn Yên Mỗ, xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, phụng thờ “Đức Thánh Yên Mỗ”.
Đền Kiếp Bạc được xây dựng trên khu đất bằng ở trung tâm thung lũng núi Rồng. Nằm ở khu vực nối giữa mây trời và núi sông hòa hợp, Kiếp Bạc không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một danh lam thắng cảnh. Bằng những kết quả khảo cổ khai quật được về nền gạch hoa và nhiều nhà nối tiếp nhau, cho thấy Kiếp Bạc khi xưa là một công trình kiến trúc lớn thuộc phủ đệ của Trần Hưng Đạo và mang phong cách thời Trần. Như vậy ngay sau khi ông mất (năm 1300), người ta đã cho xây dựng đền Kiếp Bạc, nhưng cùng với thời gian, dấu vết Trần và Lê đã bị hủy hoại. Ngôi đền hiện nay hoàn toàn mang dáng dấp thời Nguyễn, được trùng tu tôn tạo lớn vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thời thuộc Pháp, giặc chiếm đền làm đồn bốt, phá hỏng nhiều đồ tế tự, kể cả hai con ngựa trắng. Mãi đến năm 1979, nhờ có cuộc trùng tu sửa chữa lớn, nhiều phần của Kiếp Bạc cũng như các di tích Nam Tào, Bắc Đẩu mới được dựng lại. Trước cổng đền, một nghi môn sừng sững với ba cửa (vào ngày lễ, các quan triều thường đi cửa chính, dân đi hai cửa phụ). Nhìn từ xa nghi môn trông như một bức cuốn thư “Lưỡng long chầu nhật” đẹp và bề thế. Trên cửa giữa có hàng chữ “Giữ thiên vô cực” (Sự nghiệp sống mãi với đất trời), dưới ghi “Trần Hưng Đạo Vương từ” (đền Trần Hưng Đạo). Hai bên cửa chính là đôi câu đối:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.
(Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng
Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo).
Nghi môn Kiếp Bạc được xây dựng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vừa đẹp, vừa vững chắc, được trang trí cả hai mặt: mặt trước với đề tài tứ linh và mặt sau với đề tài tứ quý. Nhũng câu đốỉ chữ Hán trên nghi môn chứa đựng nhiều ý nghĩa, ca ngợi công lao vĩ đại của ông.
Phía sau nghi môn là cả một khoảng rộng lát đá xanh, tạo một không gian thoáng đãng. Giữa sân đền có nhà Bạc chồng diêm tám mái là nơi trình lễ trước khi vào đền chính. Hai bên sân, tả hữu Thành Các và Giải Vũ là nơi soạn lễ, chỉnh trang lễ phục trước khi vào làm lễ (theo một số cụ già cho biết, trước kia đây cũng là nơi thờ Nam Tào, Bắc Đẩu vì có tượng của Yết Kiêu và Dã Tượng. Chúng tôi dự đoán, vào thời kỳ đền Nam Tào, Bắc Đẩu bị giặc Pháp phá, nhân dân đã phải gửi tượng hai vị xuông đền Kiếp Bạc). Trong sân có giếng Mắt Rồng quanh năm nước trong vắt, tương truyền chính Trần Hưng Đạo sai đào lấy nước cho Yết Kiêu tắm. Dân gian quan niệm: “Ai uống nước giếng thần có thể trừ được tà ma, giúp sinh con đẻ cái theo nguyện ước”.
Sau nhà Bạc là đền chính. Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (丁), bao gồm tiền tế, trung từ và hậu cung. Tiền tế gồm 5 gian là nơi tiếp khách đến lễ trình. Trung từ có đặt ngai và bài vị của bốn con trai Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiếu, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy và ban thờ Phạm Ngũ Lão. Tượng Phạm Ngũ Lão đặt trong khám ỏ gian giữa, đầu đội mũ cánh chuồn, áo được trang trí rồng, có cân đai thắt ngang bụng, tay phải úp lên đùi, tay trái cầm hạt ngọc. Hậu cung có bốn ban thờ: Đức Thánh Trần; Nguyên từ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa (phu nhân Trần Hưng Đạo); đệ nhất khâm từ hoàng thái hậu Quyên Thanh công chúa (con gái thứ nhất, vợ Trần Nhân Tông); đệ nhị nữ đại Hoàng Anh nguyên quận chúa (vợ Phạm Ngũ Lão). Các pho tượng đồng được đặt trong các khám lớn sơn son thếp vàng và nhiều hình trang trí. Đặc biệt, tượng Trần Hưng Đạo đặt trong khám lớn không trang trí, xung quanh khám phủ vải đỏ. Tượng ngồi trên bục dáng uy nghi, hai tay đặt trên đùi, tay phải úp xuống, tay trái ngửa lên cầm hạt ngọc.
Trên đây là những di tích lớn thờ Trần Hưng Đạo và cũng là những nơi có sắc chỉ thờ phụng. Theo tác giả Hoàng Giáp, trong các tư liệu Hán Nôm, với tư cách Cửu Thiên Vũ Đế, các đền thờ chính Trần Hưng Đạo được sắp xếp theo thứ tự: thứ nhất Kiếp Bạc, thứ hai A Sào, thứ ba Bảo Lộc. Các đền khác chỉ là vọng từ. Về sự ủng hộ của vương triều đối với các di tích, sách Trần Triều hiển thánh có chép: “Nhà vua coi đền như Vương miếu ngàn năm phụng thờ, nghi lễ như thờ Đức Khổng Phu Tử. Nhà vua thương nhớ đức Đại Vương không bao giờ nguôi, bèn sai thợ dùng gỗ bạch đàn hương tạc thành thần tượng Đại Vương, ngày đêm hương lửa phụng thờ.
Phàm có quốc gia đại sự vua phải cầu xin. Chư vương khanh tướng, mỗi khi phụng chỉ ra trận, phải đến bái yết rồi mới xuất quân. Mọi việc cầu xin đều linh ứng”. Rõ ràng sự sùng tín của vương triều, sự bảo trợ của Nhà nước trong việc sửa sang đền miếu, đôn đốc hương khói và tổ chức quốc lễ là một nguyên nhân quan trọng, phần nào khích lệ sự phát triển nhu cầu tâm linh của dân chúng đối với Đức Thánh. Và nhu cầu ấy được thăng hoa trong một thời điểm đặc biệt: lễ hội giỗ Cha.
(Bài viết được trích từ sách “Đền Miếu Việt Nam” do GS. Vũ Ngọc Khánh chủ biên)