Tác giả: Nguyễn Trọng Tuệ – Chủ tịch CLB phong thủy Thăng Long
Cự môn, là sao thứ 2 trong Bắc đẩu thất tinh. Thuộc thủy (có thuyết cho rằng Thủy đới kim). Là sao thiên về Âm tính. Bởi thế, hóa khí của nó là Ám tinh (che ám). Nhập Thân Mệnh là Hung tinh, chủ về thị phi khẩu thiệt, chính vì vậy mà phú mới viết rằng “Cự môn định chủ thị phi”.
Nhưng phàm là chính tinh, thì kiểu gì cũng phải có uy lực, tức là cũng phải có mặt tốt. Một trong những cái tốt của Cự môn là lợi tài, lợi cho việc tranh đoạt, hoạt ngôn đa ngữ. Bởi Cự môn được coi là Thần chuyên trông coi về Phẩm chất của vạn vật. Tức là chuyên về nhận xét cái tốt, cái xấu của vạn vật. Cho nên mới gán cho nó cái tiếng “Thị Phi”. Cũng chính vì điểm này mà phát sinh nhiều quan điểm chưa được đánh giá đúng mức về Cự Môn.
Luận về Cự Môn thì có 2 tính chất đại biểu rất quan trọng đó là “Khẩu thiệt thị phi” và “Minh tranh ám đấu”.
Khẩu thiệt thị phi, tức là nói đến việc hay dính dấp vào chuyện miệng lưỡi – đúng sai, hay tiếp xúc, hay gặp phải những chuyện liên quan đến lời ăn tiếng nói, đến chuyện đúng sai của cuộc sống. Điều này cần phải hiểu cho đúng, vì không thể có định kiến cứ cho rằng “khẩu thiệt thị phi” là đặc tính không tốt! nhưng nên nhớ rằng cái gì cũng có mặt lợi mặt hại, ví thử như nếu làm những nghề về thương trường, về biện hộ, cần đến sự ăn nói linh hoạt, thì đôi khi sự biến báo ngôn ngữ của Cự Môn lại là một đặc tính quý giá.
Minh tranh ám đấu, tức là nói đến cái sự tranh giành quyết liệt ! điều này cũng không có gì là lạ, khi ngôn ngữ giảo hoạt, hùng biện, thì không dễ gì chịu lùi bước. Phàm đã là chuyện tranh cãi thì đương nhiên cần phải cọ sát đề giành phần thắng. Nhưng cũng còn kèm theo 1 nghĩa nữa cần để ý, đó là cái tính không chịu nhường nhịn. Khi xảy ra tranh giành thường quyết liệt, khó lòng kiềm chế bản thân. Và cũng chính vì thế mà mắc cái tiếng “thị phi”. Hai tính chất này có quan hệ hữu cơ với nhau, cần chú ý khi luận đoán.
Cũng như nguyên tắc thông thường, khi luận về tinh diệu thì cái sự Miếu-Hãm là vô cũng quan trọng. Bởi cũng một tính chất như thế, nhưng Miếu thì khả dụng, mà Hãm thì sinh tai.
Cự môn Miếu ở Mão Dậu, Vượng ở Tý Ngọ Dần, đắc địa ở Thân Hợi. Đều là những đất tốt có thể làm cho cái tính “thị phi” “tranh đoạt” trở thành hữu dụng. Chủ về uy quyền, tài lộc. Còn những đất hãm của Cự Môn là Thìn Tuất Sửu Mùi Tỵ. Chỉ chuyên về thị phi chiêu oán, quan phi kiện tụng.
Trong đẩu số, cổ nhân viết về Cự Môn : “Tại thân mệnh nhất sinh chiêu khẩu thiệt chi phi; tại huynh đệ tắc cốt nhục tham thương; tại phu thê chủ vu cách giác, sinh ly tử biệt, túng phu thê hữu đối, bất miễn ô danh thất tiết; tại tử tức tổn hậu phương chiêu, tuy hữu nhi vô; tại tài bạch hữu tranh cạnh chi ý; tại tật ách ngộ hình kỵ, nhãn mục chi tai, sát lâm chủ tàn tật; tại thiên di tắc chiêu thị phi; tại nô bộc tắc đa oán nghịch; tại quan lộc chủ chiêu hình trượng; tại điền trạch tắc phá đãng tổ nghiệp; tại phúc đức kỳ họa sảo khinh; tại phụ mẫu tắc tao khí trịch”
Nghĩa là :
Tại Thân Mệnh một đời chiêu khẩu thiệt thị phi,
Tại Huynh Đệ thì anh em chợ búa với nhau,
Tại Phu Thê thì chủ về chia cách, sinh ly tử biệt, không khỏi ô danh thất tiết.
Tại Tử Tức thì không có hậu, tuy có mà như không.
Tại Tài Bạch thì ắt có sự tranh giành.
Tại Tật Ách mà gặp Hình kỵ, mắt có tật, thêm sát tinh mà lâm vào thì chủ tàn tật,
Tại Thiên Di thì ứt chiêu thị phi,
Tại Nô Bộc ắt là nhiều oán nghịch.
Tại Quan Lộc chủ về gặp hình trượng (pháp luật).
Tài Điền Trạch thì phá đãng tổ nghiệp,
Tại Phúc Đức họa không phải là nhỏ,
Tại Phụ Mẫu thì dễ bị bỏ rơi
Xem như trên thì thấy rằng mười hai cung Cự môn đóng đều không có chỗ nào tốt. Nếu nhận xét như thế thì cũng có phần khắt khe quá. Bởi như đã nói, còn phải căn cứ vào xem Miếu Hãm thế nào. Đến như Trần Đoàn lão tổ cũng còn phải nhận xét “Chí Hợi Dần Tỵ Thân, tuy phú quý diệc bất nại cửu” Tức là tại Dần-Thân, Hợi-Tỵ tuy có phú quý mà không bền.
Khi Cự môn nhập Thân mệnh, Trần Đoàn lão tổ nhận xét “chưởng chấp thị phi, chủ vu ám muội, nghi thị đa phi, khi man thiên địa, tiến thối lưỡng nan. Kì tính tắc diện thị bối phi, lục thân quả hợp, giao nhân sơ thiện chung ác” – Tức : “nắm cái sự đúng sai trong tay, mà lại chủ về ám muội, đúng thì nghi ngờ, mà nhiều điều sai trái. Khinh dối cả đất trời, tiến thoái đều khó. Về Tính thì trước mặt bảo đúng mà sau lưng bảo sai, không hợp với lục thân, giao kết với người thì ban đầu thiện mà về sau ác”.
Sở dĩ trong 12 cung, Cự môn không được cung nào tốt, bởi chính tại cái tính “khẩu thiệt thị phi” “minh tranh ám đấu” mà ra cả. Ta cũng phải nhìn nhận cho rõ, tính này có thể lợi ngoài xã hội nhưng với lục thân gia đình thì tuyệt nhiên không hợp. Bởi thể mới nói “Lục thân quả hợp”.
Nhưng ngoài những đặc tính trên, thì Cự môn cũng chủ về Tài khí. VÌ bản thân Cự môn là ngôi thứ 2 trong Bắc đẩu thất tinh, trong các môn thuật số khác thì Cự Môn được coi là Thiên Y, chủ về vật chất. Cho nên mới nói Cự lợi tài. Nhưng cũng cần phải chú ý, cái Lợi về Tài của Cự là do hệ quả của 2 tính chất trên mang lại, chứ tuyệt không phải là trực tiếp từ tính chất mà có giống như các Tài tinh khác. Vì thế mà chỉ dám nói là Lợi Tài, mà cổ nhân không dám phê là Tài Tinh.
Về Mệnh số con người, dù thế nào đi nữa, nhưng khi có Cự môn nhập vào Mệnh Thân, ắt sẽ không thể toàn vẹn. Bởi kể cả khi nhập Miếu cũng chỉ là Hư Cát. Cuộc đời ít nhiều sẽ có nhưng điều không được mỹ mãn, đặc biệt là trong quan hệ gia đình. Hơn thế nữa, vận trình cuộc đời ắt sẽ thăng trầm, ít nhất phải qua gian khó một thời mới mong thành nghiệp, luận về chỗ này, cổ nhân chỉ có một câu “kinh lịch gian tân”. Tùy thời xử thế, nên hay không là ở chỗ có HỢP hay không. Tinh diệu thì vốn có Miếu Hãm, mà sự đời thì cũng có ĐẮC – THẤT. Quy luật vận hành của tinh diệu cũng là quy luật vận hành của đời người. Muốn biết được thì nên xem xét cái chu kỳ vận hành của Cự và chòm Bắc đẩu trên 12 cung ắt sẽ sáng tỏ.
Về chính danh thì Cự Môn chỉ có:
THẠCH TRUNG ẨN NGỌC
CỰ CƠ MÃO DẬU
Ngoài ra, còn xét thêm cách CỰ-NHẬT, vốn sinh ra từ thế đứng của CỰ MÔN tương đối với Thái Dương.