Trình tự ngồi thiền gồm ba bước:
- Điều thân đúng tư thế.
- Điều hơi thở.
- Điều tâm.
Bước thứ nhất: ĐIỀU THÂN
- Những bước chuẩn bị cho việc ngồi thiền:
Trải một tấm toạ cụ trên mặt phẳng. Kích thước toạ cụ nên rộng hơn diện tích ngồi lên một chút. Toạ cụ có thể làm bằng vải dày, bằng chiếu lát, hoặc bằng một miếng nệm mỏng vài phân, để ngăn hơi ẩm dưới đất thấm lên trên và giúp bớt cấn da thịt là được.
Không nên kê gối mềm (bồ đoàn). Ngồi bồ đoàn làm cho ta cảm giác dễ thẳng lưng, vững hơn, ta đỡ phải ráng giữ lưng cho thẳng do phần mông đã được nâng lên một chút. Nhưng, thật ra ngồi bồ đoàn có những điều tai hại sau:
– Chính cái dễ thẳng lưng làm cho ta không cần dụng tâm để giữ lưng thẳng. Đâu ngờ rằng chính sự cố gắng thường xuyên giữ lưng thẳng làm tăng sức mạnh tinh thần về sau.
– Thêm nữa, ngồi bồ đoàn, sức nặng cơ thể chi còn dồn trên ba điểm; mông và hai đầu gối lâu ngày sẽ khó chịu; trong khi, ngồi không có bồ đoàn, sức nặng toàn thân trải đều trên mông và hai đùi nên dễ chịu hơn. Vì nơi mông có hai xương mông hai bên, sức nặng dồn vào hai xương mông không đều, lâu ngày khiến cho một bên xương sẽ xệ xuống nhiều hơn gây cho ta cảm giác đau cấn.
– Ngồi không kê gối thì đầu tiên một bên đầu gối bị vênh lên. Nhưng không ngại, một thời gian sau, đầu gối sẽ hạ xuống sát. Với nữa, khi ngồi quen không cần kê gối, ta thấy thật là dễ chịu an ổn hơn là kê gối. Đi đâu cũng không cần đem theo bồ đoàn, chỉ cần một mặt phẳng gì đó là ngồi thiền được.
Đừng mặc quần áo chật chội, bó chặt. Nhưng cũng không nên mặc quần áo thiếu trang nghiêm. Nếu ngồi trong chánh điện hoặc nơi trang nghiêm thì nên mặc áo tràng.
Ánh sáng nên được dễ chịu, đừng sáng quá cũng đừng tối đen. Tránh chỗ gió thổi đến từ sau lưng. Nơi yên tĩnh vẫn là chỗ thích hợp nhất cho việc toạ thiền.
Sắp xếp thời gian đều đặn mỗi ngày để toạ thiền thì tốt. Còn không thì tuỳ những lúc thuận tiện mà ngồi. Không nên ngồi những lúc bụng còn no.
Không nên bày tỏ khoe khoang cho người khác biết là mình có tu tập thiền định vì có thể làm công phu bị lui sụt. Nên ngồi chỗ không ai trông thấy, trừ khi ngồi chung tập thể.
- Vào thời khóa:
Lễ Phật: Trước khi toạ thiền phải lễ Phật 3 lễ với lòng tôn kính tuyệt đối.
Tư thế kiết già:
Bắt chân trái đặt lên đùi phải, sau đó kéo chân phải gác lên đùi trái, (thật ra chân phải gác lên cả bắp vế và đùi trái).
Phải cố gắng ngồi kiết già, đừng ngồi bán già. Ngồi bán già tuy dễ nhưng lâu ngày tâm trở nên lỏng lẻo vì thân không được khoá chặt.
Do bị bắc tréo nên chân phải ghì xuống rất mạnh khiến cho khớp bàn chân trái chịu lực rất căng. Những người gân khớp bàn chân yếu, hoặc người lớn tuổi gân cũng bị yếu thì không chịu nổi sự đè căng như thế, rất đau và không thể yên tâm ngồi lâu được. Vì vậy, cho phép trong trường hợp đó được dùng miếng khăn xếp lại kê phụ chịu lực ngay phía dưới khớp bàn chân trải. Nhưng đừng lạm dụng kê độn lên dày quá, chỉ vừa đủ mà thôi.
Những người gân cứng (có thể do lớn tuổi) nên bắt chân kiết già rất khó. Người này phải xoa bóp bẻ nắn chân một lát trước khi bắt chân kiết già.
Hai bàn chân: Nằm vắt lên hai đùi ở một vị trí vừa phải, không quá sát hông, cũng không xa quá hông.
Lưng: Giữ cho thẳng, không được để lưng cong chùng xuống, cũng đừng ưỡn lưng thẳng quá sức sẽ làm mau mệt và đầu bị căng (căng thần kinh não).
Hai vai: Để xuôi tự nhiên, tránh nghiêng bên cao bên thấp.
Hai bàn tay: Đặt chồng lên nhau và ngửa lòng bàn tay lên, bàn tay phải để dưới, bàn tay trái để trên lòng bàn tay phải, đầu hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau, đặt nằm yên trên hai gót chân. Giữ bàn tay thẳng đẹp, đừng để bàn tay bị cong vòng.
Hai cánh tay: Phải hơi khuỳnh ra xa hông. Nhớ giữ đừng để hai cánh tay buông xuôi ép sát vào hông. Việc giữ hai cánh tay như vậy có vẻ mất công, nhưng đó là điều kiện để tăng thêm sức mạnh. Nhưng cũng không để hai cánh tay lơi lỏng ở gần hông, sau này việc nhập định bị chướng ngại.
Đầu: Không ngẩng lên, có vẻ hơi cúi xuống một chút xíu. Đừng để nghiêng qua một bên, hay quay qua một bên.
Lưỡi: Để lên chân răng trên. Khi tâm nhiếp được, tự nhiên răng sẽ cắn chặt với nhau.
Miệng: Khép kín tự nhiên.
Mắt: Mở rõ và nhìn xuống một điểm gần trước mặt. Giai đoạn mới tập tu, tuyệt đối không được nhắm mắt, vì ta mở mắt, mới thấy thân mình có lắc động, nghiêng hay không khi so sánh với cảnh vật chung quanh. Đến chừng nào thành tựu chánh niệm tinh giác, dù nhắm mắt mà vẫn không bị mê mờ thì mới nên nhắm mắt.
Khi mở mất nhìn xuống, ta nên giữ cho cảnh vật luôn luôn hiện bày rõ ràng, không bị mờ mờ ảo ảo, không ngó qua chỗ khác. Nhưng ta không nên chú ý ra ngoại cảnh vì phải lo tập trung kiêm soát toàn thân.
Niệm Phật và thầm nguyện 3 tâm hạnh:
Khi đã ngồi đúng tư thế nghiêm trang. Hành giả chắp tay niệm Phật hồng danh Bổn Sư ba lần. Nếu ngồi một mình thì niệm thầm. Nếu ngôi tập thể thì niệm chung với đại chúng.
Sau khi niệm Phật xong, vẫn chắp tay, thầm tác ý ba tâm hạnh:
Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết tôn kính Chư Phật, Chư Tổ, Chư Hiền Thánh Tăng với lòng tôn kính tuyệt đối vô lượng, vô biên.
Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sinh, dù là thể giới hữu hình hay thế giới vô hình, cho con thương yêu cả loài người cũng như chim thú trong rừng, cá trong nước và chúng sanh đang trong địa ngục, cho đến cỏ cây.
Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết giữ được lòng khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình như cỏ rác, cát bụi.
Nếu là người xuất gia chúng ta tác ý thêm một tâm nguyện nữa: Nguyện lòng quyết tâm giữ được sự vô nhiễm trong sạch.
(Theo “Hướng dẫn thiền” của Nhà xuất bản tôn giáo)