Bắt đầu đi vào dụng công điều thân:
Biết rõ toàn thân:
Tâm luôn quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân.
Kiểm soát khắp thân xem có phần nào đi sai ra ngoài những tiêu chuẩn đã nêu ở phần trước hay không. Nếu có phần nào đó bị sai lệch phải nhanh chóng điều chỉnh lại. Như để ý xem lưng có bị chùng xuống không, hai vai có bị lệch không, đầu có bị nghiêng không, hai bàn tay có thẳng đẹp không, hai cánh tay có bị ép sát hông không, mắt có bị ngó chỗ khác không.v.v… trong cơ thể mình bị sai lệch như thế nào phải biết rõ để mà điều chỉnh.
Nêu cơ thể mình bị sai lệch mà không biết, có nghĩa là cái biết bị yếu.
Luôn luôn tỉnh giác biết rõ, nhưng biết một cách nhẹ nhàng, không cố ý biết, và không dằn ép, cũng không quá chăm chú.
Nếu có sự cố ý biết, hoặc dằn ép đầu sẽ căng thẳng, vì lực chạy lên đầu. Như ta đã biết, mỗi phần trên cơ thể đều có liên quan đến khu vực của não. Nếu thân bị lay động hay vì ta cố giữ thân không bị lệch mà gồng cứng, dằn ép, sẽ khiến cho não bị căng thẳng, ảnh hưởng theo.
Khi biết rõ toàn thân, tâm để ý nhiều ở phần bụng (đan điền), phần chân, và hai lòng bàn tay.
Việc biết rõ toàn thần có lợi:
– Giúp cho cơ thể được khoẻ hơn
– Không bị hôn trâm
– Không bị vọng tưởng chi phối
– Tạo thành sức tỉnh giác biết rõ mà về sau sẽ dùng để kiểm soát tâm, để ứng dụng vào pháp môn dụng tâm.
Tâm thức chúng ta rất phức tạp. Nếu không có sức tỉnh giác mạnh, chúng ta không thể thấy rõ được tâm mình.
Giữ thân mềm mại bất động:
Song song với việc biết rõ toàn thân, chúng ta nhẹ nhàng giữ thân bất động mềm mại không nhúc nhích, không gồng cứng.
Luôn kiểm tra xem có bộ phận nào bị gồng cứng hay nhúc nhích không, toàn thân có được mềm mại và bất động chưa. Từng bắp thịt, ngón tay, ngón chân, bắp đùi, bắp vế, bắp tay đều được giữ yên không cử động.
Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát coi chừng ngồi yên một lát sẽ có những thớ thịt, ngón tay… tự nhiên gồng cứng lên, phải nhận ra và nhanh chóng thả lỏng lại.
Sự kiểm tra thường xuyên như thể chính là công phu điều thân.
Kiểm tra tư thế là điều thân ở mức độ cơ bản.
Kiểm tra sự mềm mại bất động là điều thân ở mức độ sâu hơn.
Cái tác ý giữ thân bất động lâu ngày sẽ là một sự hỗ trợ lớn lao cho việc nhiếp tâm vào định sau này.
Nếu không tác ý giữ thân bất động, thân sẽ không được vững chắc và có thể bị nghiêng ngửa, lay động, nhúc nhích về sau. Khi đó, tâm cũng bị ảnh hưởng rất nặng và sức định sẽ bị phá.
Tuy nhiên, giữ thân bất động không có nghĩa là kiềm chặt, gồng cứng thân người. Toàn thân phải được ở trong trạng thái mềm mại.
Bất động nhưng phải mềm mại.
Không nhúc nhích nhưng cũng không gồng cứng.
Khi thân buông lỏng, mềm mại, không nhúc nhích, não sẽ bắt đầu ổn định dần dần. Những stress tiềm tàng toong não từ lâu cũng bắt đầu được tháo gỡ.
Lưu ý:
Khi vọng tưởng khởi lên, không cần diệt trừ vọng tưởng, chỉ cần quay trở lại biết rõ toàn thân, kiểm tra tất cả toàn bộ phận cơ thể là vọng tưởng sẽ tan.
Nếu quay trở lại biết rõ toàn thân mà vọng tưởng vẫn không tắt, ta biết đó là nghiệp, phải thầm tác ý sám hối. Khi tâm yên trở lại, ta quay về tiếp tục kiểm soát, biết rõ toàn thân.
Phải biết rõ toàn thân, không được biết một cách mờ mờ ảo ảo. Vì cái biết mà yếu không rõ, mờ mờ ảo ảo dễ đưa vào hôn trầm.
Nếu như hôn trầm kéo đén, ta phải tìm nguyên nhân:
– Trong cuộc sống hằng ngày, cơ thể có bị thiếu ngủ không ?
– Công việc hằng ngày có làm cơ thể mệt mỏi không ?
– Khi ngồi cái tỉnh giác biết rõ, có hay không ?
Nếu xét thấy hôn trầm do một trong ba nguyên nhân trên, ta tự điều chỉnh như ngủ cho đủ giấc, điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, tập khí công.
Nếu như trong cuộc sống hằng ngày không bị thiếu ngủ và khi ngồi cái biết có, sức tỉnh giác có mà cơn hôn trầm vẫn kéo đến thì biết đó là nghiệp, phải thầm tác ý sám hối. Khi tâm yên tĩnh, ta quay trở lại kiểm soát toàn thân.
Thân là gốc của tâm. Tâm và thân là một hợp thể thống nhất. Những gì của tâm đều ảnh hưởng đến thân và những gì của thân đều ảnh hưởng đến tâm.
Đây là nguyên tắc vàng của công phu tu tập thiền định. Bởi vì:
– Giữ thân bất động lâu ngày sẽ hỗ trợ lớn lao cho việc nhiếp tâm vào định sau này.
– Giữ thân nghiêm trang cũng chính là giữ tâm nghiêm trang. Giữ thân bất động cũng chính là giữ tâm có điều kiện bất động trước ngoại cảnh hay bình thản trước nghịch cảnh sau này. Giữ thân mềm mại cũng chính là giữ tâm có điều kiện thư giãn, khinh an. Sau này ta sẽ dần dần thấy rõ sự nhiếp tâm không bao giờ rời xa sự kiểm soát thân. Điều cho đúng là bắt đầu và cũng là vĩnh viễn.
– Ngay trong lần thực hành toạ thiền đầu tiên. Nên cố gắng điều thân 30 phút. Thời gian thực hành điều thân kỹ lưỡng chuyên chú như vậy phải được một tháng trở lên. Sau đó ta sẽ bước sang các công phu kế tiếp của thiền định.
Quán thân vô thường hư ảo:
Hơi thở vào, biết thân này vô thường.
Hơi thở ra, biết thân này vô thường.
Ngồi yên theo dõi thân chừng vài phút. Chúng ta tự nhủ thầm «thân này là vô thường». Lâu lâu lại tự nhắc như vậy. Chúng ta phải thấy sự biến đổi của thân từ trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến tan hoại hoàn toàn.
Chúng ta không nên quán thân người khác vô thường để không mắc lỗi xem thường người khác.
Đức Phật dạy, khi quán thân vô thường chúng ta phải chiêm nghiệm vô thường thật kỹ cho đên nơi đến chốn, không được cạn cợt.
Phải thấy rõ thân này tồn tại chỉ trong hơi thở, một ngày nào đó sẽ tan hoại. Sau khi chết khoảng ba ngày, thân này sẽ sình trương. Qua mười ngày, bốc mùi hôi thối và đầy dòi bọ. Qua một tháng, các tế bào bị phân hủy ra hồi thối, không còn hình dáng rất là ghê sợ, không ai dám lại gần. Thời gian sau thịt da tan rã, khô héo chỉ còn lại bộ xương khô.
Rồi qua nhiều năm tháng xương mục nát, tan thành tro bụi và gió thổi bay đi.
Chúng ta phải thực hành quán thân vô thường trong thời gian vài tháng và thuần thục cho đến khi tất cả các hình ảnh từ khi chết cho đến khi xương thành tro bụi chỉ trải qua vài giây.
Chấp thân là cái chấp căn bản và mãnh liệt nhất. Phá được chấp thân, tâm mới nhẹ nhàng.
Quán tâm hư vọng:
Bước đầu tiên điều thân cho đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động và quán thân vô thường. Tùy nhân duyên mà có người tu 2, 3 tháng, nhưng có người phải nửa năm hay một năm mới thuần thục. Tiếp theo là phương pháp quán tâm hư vọng với thời gian khoảng vài tuần.
Đến đây người tu biết rằng mọi ý niệm vọng động của thiện ác đều là không thật, là hư ảo nên buông bỏ, tắt dừng và tâm sẽ yên tĩnh trong sáng. Người tu có thể nhiều năm tháng nhưng không tu tập bước này vẫn dễ trở thành người bướng bỉnh, chấp ý, bảo thủ mà không hề biết.
Phải thận trọng với tà kiến phát sinh ở pháp quán này:
Có khi ta sẽ hiểu lầm bởi ích kỷ sâu xa của tự ngã chi phối mà suy diễn sai lệch pháp tu này mà không đo lường hết hậu quả về sau. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Có thể ta lập luận rằng :
Thiện ác đều là vọng động, cần buông bỏ, nên ta khống làm ác, cũng không cần làm thiện vì thiện cũng giống như ác, ta sống không cần làm gì cho tâm dễ thanh tịnh!
Thực ra, Phật dạy người tu cần dứt bỏ «bất thiện pháp» tức là những tâm niệm ác độc, ích kỷ, đố kỵ, mưu toan v.v… và phải làm tất cả những điều thiện, đồng thời với việc thanh tịnh tâm.
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
(Tránh làm việc ác
Nên làm điều thiện
Tự thanh lọc tâm
Ấy lời Phật dạy).
Hễ làm đúng yếu chỉ này của Phật dạy thì khi vào định, tâm hành giả thanh tịnh yên lặng, không có sự dấy động của ý niệm dù là niệm ác hay niệm thiện. Bản chất của định này là thuần thiện.
Đến đây người tu rất trầm tĩnh, rất nhẹ nhàng thanh thản mà tràn đầy tình thương, bao dung độ lượng và trí tuệ cực kỳ sắc bén linh mẫn – khác với một người cũng thương người nhưng vì còn chấp công nên dễ phiền não, tâm lăng xăng, bất an.
Đồng thời, người bản tâm thanh tịnh thuần thiện cũng khác xa với người chứa đầy tà kiến không làm thiện không làm ác. Bởi vì, người/mang tà kiến «không làm thiện, cũng không làm ác» là người còn đầy ích kỷ, hẹp hòi, thụ động, kiêu ngạo, lạnh lùng, vô trách nhiệm. Hậu quả của tà kiên là dẫn đến phước lực tiêu mòn, đạo tâm thoái thất.
(Theo “Hướng dẫn thiền” của Nhà xuất bản tôn giáo)