Bước thứ ba: ĐIỀU TÂM
Biết rõ cảm giác hỷ thọ:
Khi điều thân thuần thục, vọng tưởng lắng yên, cảm giác hỷ thọ sẽ xuất hiện. Cảm giác này làm cho người tu hân hoan thích thú, đây là dấu hiệu của kết quả tốt nhưng không được cố chấp, bởi vì ý niệm này sẽ trở thành niềm tự hào bí mật.
Phật dạy chúng ta chỉ biết rõ chứ không được hưởng thụ, đắm luyến và đi tìm lại cảm giác này. Khi cảm giác hỷ thọ xuất hiện, chúng ta chỉ biết rõ chứ không chấp nhận.
Biết rõ cảm giác lạc thọ:
Kết quả xuất hiện sau cảm giác hỷ thọ là cảm giác lạc thọ. Trạng thái này vi tế hơn, làm tâm ta vui sướng, êm ả. Nếu bỏ quên việc biết rõ hơi thở, Bản Ngã càng có cơ hội phát triển và ngấm ngầm phá hủy công phu tu tập của ta.
Vì thế, Phật dạy chúng ta luôn biết rõ hơi thở mặc dù cảm giác vui sướng nhẹ nhàng xuất hiện tràn ngập trong tâm.
Ý muốn buông bỏ vọng tưởng:
Đã biết rõ vọng tưởng, không nên chấp nhận, không để vọng tường tăng trưởng, mà phải cương quyết buông bỏ một cách dứt khoát.
Ba giai đoạn trải qua chúng ta cần biết rõ là:
– Vọng tưởng khởi lên, hành giả không biết nên chìm theo.
– Biết vọng tưởng khởi lên nhưng không muốn vọng tưởng chấm dứt.
– Biết vọng tưởng khởi lên, muốn vọng tưởng tắt và dừng lại được.
Cảm giác về tâm:
Tu tập đến mức độ vọng tưởng và tình cảm vắng bóng, tâm sẽ đạt đến trạng thái thanh tịnh, sáng suốt, an lạc phủ trùm mênh mông.
Đến lúc này vẫn biết rõ hơi thở – mặc dù hơi thở hết sức vi tế – vì Bản Ngã vẫn còn tồn tại, giấu mặt rất kín đáo.
Kết quả:
Tuỳ theo nhân duyên của mỗi người mà kết quả của việc tu tập sẽ xuất hiện sớm hay muộn.
Kết quả đầu tiên là xuất hiện chánh niệm tỉnh giác, (tâm hân hoan, vui sướng, rỗng rang, có khả năng kiểm soát thân tâm nhẹ nhàng mà rõ ràng, tự nhiên).
Người tu theo trình tự căn bản trên, khi có chánh niệm tỉnh giác, kết quả sẽ ngày càng tiến triển không bị lui sụt và nhất là sức khoẻ ngày càng ổn định. Tuy nhiên, nếu có chánh niệm tỉnh giác mà lầm tưởng đây là chân tâm, Phật tánh, ta sẽ rơi và thoái đoạ ngay.
Có chánh niệm tỉnh giác chưa là gì cả, chỉ giúp cho người tu một niềm tin vững chắc vào hành trình tu tập, không còn chạy đi tìm kiếm sự thần bí, kỳ diệu ở pháp tu này pháp tu nọ. Đồng thời, người tu bắt đầu thấy được lỗi lầm, thấy được vọng tưởng và bắt đầu đi vào hành trình cam go của điều phục tâm ý: dần dần dứt trừ được nghi.
Có chánh niệm tỉnh giác, vùng não ta được khai mở, trong cuộc sống bình thường cũng như khi ngồi thiền, vọng tưởng vừa chớm khởi lên là bị ta thấy, phát hiện, bị tách ra thành một đối tượng bên ngoài một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Nếu lúc này còn ráng suy nghĩ gì đó, chúng ta cực kỳ trọng tội, và đời đời kiếp kiếp mất hạt giống giải thoát vì ta để rơi vào kiêu mạn. Việc ta cần làm là phải ráng giữ chánh niệm, kiểm soát vọng tưởng.
Đến đây, chúng ta cứ tu như thế đợi đến ngày phá được năm triền cái.
– Phá tham ái: Không còn niệm ưa thích người khác phái, nhưng chưa phá hẳn được tham dục.
– Phá sân: Có khả năng bình thản trước nghịch cảnh.
– Phá hôn trầm: Có thể thức khuya mà vẫn tinh táo.
– Phá trạo cử: Thân hoàn toàn bất động tự nhiên, không một rung động nhỏ.
– Phá nghi: Vững niềm tin với Tam Bảo, lòng tôn kính Phật vô biên, xác định đường tu đến mục tiêu giải thoát không còn hồ nghi do dự.
Ta tu cho thuần thục, qua giai đoạn này sẽ tiến đến chứng sơ thiền.
Trạng thái sơ thiền là ly dục, ly bất thiện pháp, còn tầm còn tứ.
Đến đây trong tâm dứt sạch ác pháp, tràn đầy thiện pháp, bản năng tính dục gần như chấm dứt và toàn thân khi vào định hết sức mềm mại và chỉ còn tu trên hơi thở.
XẢ THIÊN
Thời khóa thiền kết thúc với động tác xả thiền và đi kinh hành. Các bước như sau :
Chúng ta chắp tay và phát nguyện:
“Suốt đòi sẽ tận tụy giúp mọi người chung quanh được an vui trong chánh pháp và trong thiền định một cách cụ thể”.
Thao tác kế tiếp là những động tác xoa bóp nhẹ nhàng:
– Cúi đầu lên xuống chừng 5 lần.
– Xoay đầu qua lại chậm chậm chừng 5 lần.
– Chuyển động hai vai theo hình tròn lên xuống chừng 5-10 lần.
– Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng qua lại hai bên, mỗi bên khoảng 7 lần.
– Xoa bóp hai bàn tay và hai cánh tay.
– Đưa hai bàn tay chà xát cho nóng. Rồi đưa tay lên xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy (khoảng chừng 30 giây).
– Xoa hai bàn tay thật nóng áp vào mắt (10 lần).
– Xoa ngực, bụng, sườn, lưng.
– Rồi kéo chân ra xoa bóp nhẹ nhàng.
– Sau đó, ngồi tại chỗ một chút cho thoải mái.
Quỳ lạy Phật 3 lễ rồi đi kinh hành
Mục đích đi kinh hành là để giúp ta chuyển tiếp từ một giai đoạn tĩnh lặng sang giai đoạn hoạt động của cuộc sống không bị đột ngột.
Khi đi bách bộ kinh hành tâm vẫn để ý ở phía dưới bụng, vẫn gắng giữ tâm yên tĩnh như khi ngồi thiền. Hơi thở vẫn điều hoà không bị can thiệp. Tự nhiên ta biết rõ từng bước chân chạm đất dù không cố ý phải biết. Lát nữa đây, bước vào cuộc sống đầy lao xao biến động, ta vân bình thản, an ôn, nhẹ nhàng, không bị cuốn theo.
(Theo “Hướng dẫn thiền” của Nhà xuất bản tôn giáo)