THỜI LƯỠNG HÁN: SỰ NẢY MẦM CỦA THUẬT TRẠCH CÁT
Từ những tư liệu văn hiến mới được phát hiện, cuối năm 1973, trong một ngôi mộ Hán số 3 phát hiện cuốn sách viết trên lụa, nhan đề “Ngũ tinh Chiêm” khoảng 8000 chữ, gồm 9 chương, ngoài ra còn có một bộ sách thiên văn của Cam Đức và Thạch Thân. Sách được viết năm 170 trước Công nguyên, là sách thiên văn sớm nhất ở Trung Quốc hiện còn được lưu giữ, là tiếng nói đầu tiên cho đời sau về công tác lịch pháp, là loại lịch thư của thời đó. Trong đó có những ghi chép tương tự như ghi chú lịch thông thư đời sau. Ví dụ, trong sách lụa có nói:
Đông phương thuộc Mộc, Thần là Tuế tinh, Tuế ở đâu thì đó là Tư Tuế.
Tây phương thuộc Kim, Thần là Thái bạch, là Tư nhật hành.
Nam phương thuộc Hỏa, Thần là Huỳnh Hoặc.
Ở giữa thuộc Thổ, Thần là Thận tinh.
Bắc phương thuộc Thủy, Thần là Thần tinh, chủ việc giữ đúng bốn mùa.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải cách ghi chú lịch chính xác.
Năm 1972 tại tỉnh Sơn Đông phát hiện trong ngôi mộ Hán ở núi Ngân Tước cuốn lịch phổ có số hiệu 312 vào năm Nguyên Quang thứ nhất đời Tây Hán (134 năm trước Công nguyên). Trên lịch thư bằng thẻ tre này, phía dưới chi ngày có ghi các tiết khí như Tam phục, ngày Lạp, Đông chí, Hạ chí, Lập thu,… đôi khi lại có chữ “phản”.
Vậy thế nào gọi là phục? Cuốn “Nghệ văn loại tụ” đời Đường giải thích: “Phục là gì, đó là ngày ẩn giấu của kim khí…. Kim sợ Hỏa, cho nên đến ngày Canh (Canh trong Ngũ hành thuộc Kim) tất phải phục”. Sách Âm Dương nói: “Ngày Canh thứ ba, sau tiết Hạ chí là Sơ phục ngày Canh thứ tư là Trung phục. Sau Lập thu ngày Canh thứ nhâu là Hậu phục”.
“Phản” là cách gọi tắt của từ “phản chi”. “Hậu Hán thư – Vương phù truyện” có ghi chú cách sắp xếp cụ thể ngày “Phản chi” như sau: “Ngày phản chi lấy ngày Sóc là chính. Ngày Sóc Tuất Hợi – phản chi ngày 1; Ngày Sóc Thân Dậu – phản chi ngày 2; Ngày Sóc Mùi Ngọ phản chi ngày 3; Ngày Sóc Thìn Tỵ – phản chi ngày 4; Ngày Sóc Dần Mão – phản chi ngày 5; Ngày Sóc Tý Sửu – phản chi ngày 6. Dẫn theo sách Âm Dương”. Nội dung ghi chép trên hoàn toàn phù hợp với lịch phổ sách lụa. Sai lệch không giống nhau chỉ ở chỗ một bên từ ngày 1 đến ngày thứ 6 là phản chi, còn một bên cứ ngày Sóc của 6 cặp thập nhị chi là Phản chi.
Từ nội dung Tam phục và Phản có thể thấy, đó đều là đặc trưng giúp người ta dễ chọn ngày. Đó là chú thích lịch sớm nhất mà ta có thể thấy.
70 năm sau, năm Nguyên khang thứ ba đời Hán Tuyên đế (năm 63 trước Công nguyên), trong Lịch thư ghi trên thẻ gỗ nội dung ghi chú có Thu phân, Lập hạ, Lập đông, Kiến…
Từ sắp xếp “Kiến” ở trên như lịch thư, tháng giêng kiến Dần, tháng hai kiến Mão, cứ như vậy. Kiến ở đây là một trong 12 trực. 12 trực có cát có hung, là căn cứ quan trọng trong chọn ngày của ngưòi xưa, và cũng thành phần quan trọng trong lịch thư sau này.
Hơn 150 năm sau. Lịch thư bằng thẻ gỗ năm Vĩnh Nguyên thứ sáu thời Hậu Hán (94 năm sau Công nguyên), nội dung ghi chú lịch càng phong phú. Đã có 12 trực là Kiến, Trừ, Bình,… lại có phản chi, huyết kỵ, bát khôi,…
Toàn văn một thẻ gỗ như sau:
Ghi chú lịch trên thẻ gỗ năm Vinh Nguyên 6 thời Hậu Hán.
(Mặt trước)
Tháng 12 đủ.
– Ngày mồng 1 – Quỷ Sửu – Kiến – Đại.
– Ngày mồng 2 – Giáp Dần – Trừ – Bát khôi.
– Ngày 16 – Mậu Thìn – Bình.
– Ngày 17 – Kỷ Tỵ – Bình – Bát khôi.
– Ngày 18 – Canh Ngọ – Định – Phản chi
– Ngày 19 – Tân Mùi – Chấp.
– Ngày 27 – Nhâm Ngọ – Khai.
– Ngày 28 – Quý Mùi – Bế – Phản chi.
– Ngày 29 – Giáp Thân – Kiến.
– Ngày 30 – Ất Dậu – Trừ.
(Mặt sau)
– Ngày 10 – Quý Tỵ – Chấp.
– Ngày 11 – Giáp Ngọ – Phá – Huyết kỵ – Phản chi
– Ất Mùi – Nguy – Bạch.
– Ngày 22 – Ất Tỵ.
– Ngày 23 – Bính.
Chúng tôi đã trình bày rõ về “Phản chi” ở trên. Các ghi chú lịch đời sau về Phản chi, Huyết kỵ, Bát khôi xuất hiện hơi ít, chúng tôi chỉ dẫn một vài ví dụ để làm rõ.
Huyết kỵ: quy định từ tháng giêng đến tháng chạp, các tháng đều có ngày Huyết kỵ lấy thập nhị chi để gọi, cụ thể có Sửu – Mùi – Dần – Thân – Mão – Dậu – Thìn – Tuất – Tỵ – Hợi – Tý – Ngọ, tức là tháng giêng ngày Sửu là Huyết kỵ; tháng 2 ngày Mùi là Huyết kỵ; tháng 3 ngày Dần là huyết kỵ, cứ theo đó để tiếp tục loại suy.
Bát khôi: Lịch sau này không dùng Bát khôi. Theo “Hậu Hán thư”: 3 tháng mùa xuân ngày Kỷ Tỵ Đinh Sửu; 3 tháng mùa hè ngàỳ Giáp Thân Nhâm Thìn; 3 tháng mùa thu ngày Kỷ Hợi Đinh Mùi; 3 tháng mùa đông ngày Giáp Dần Nhâm Tuất; những ngày trên là Bát khôi.
Những ghi chép này đơn giản, nhưng rất hữu ích đối với việc chú giải lịch thư thời đó, cũng như nắm được quá trình phát triển của lịch chọn ngày.
Ngoài ra, vào thời Hán, trên lịch thư thẻ gỗ được đào lên ở Đôn Hoàng còn thấy nội dung ghi chú như “Tiểu thời”, “Đại thời”, “Nguyệt san”, “Thổ phủ”,…
Đại thời: còn gọi Đại bại – Hàm trì. Cuốn “Hiệp kỷ biện phương thư” gọi “Đại thời là Hàm trì, tượng của tướng quân. Ngũ hành tới đó là bại tuyệt, là ngày rất dữ, phải kiêng”.
Tiểu thời: tuy không dữ như Đại thời, những việc lành không nên làm, chỉ nên làm những việc như dỡ nhà, phá tường.
Nguyệt sát: Cuốn “Hiệp kỷ biện phương thư” gọi: “Nguyệt sát là thần sát của tháng. Ngày đó kỵ lưu khách ở lại, đào bới, trồng cây, nhận gia súc”.
Thổ phủ: còn gọi Thổ phù hay thổ thần, ngày ấy không nên đào đất, đào giếng, khai mương, xây tường.
Đến đây, chúng ta đã có một nhận thức chung về lịch thẻ gỗ thời Hán như sau:
Thứ nhất: Nội dung ghi chú lịch từ ít đến nhiều, phát triển dần dần, song ở thời Hán, nhìn chung nội dung còn ít, về tính chất chủ yếu dựa vào ngày Thần sát lành dữ.
Thứ hai: Thần sát là căn cứ chính để chọn ngày, tuy không thể biết đích xác thuyết Thần sát bắt đầu có từ thời nào, song vào thời Hán đã rất thịnh hành, đó là điều có thể khẳng định. Nhất là sự xuất hiện các thuật số Lục nhâm – Trùng thời – Kiến trừ biểu thị rõ về thuyết Thần sát – thời Lưỡng Hán đã khá phổ biến.
Thứ ba: Ghi chú lịch thời kỳ này, không những ít về nội dung mà về phương pháp cũng chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của các loại thuật số như Kiến trừ gia,… chưa tự độc lập hình thành phương pháp chọn ngày và phương pháp ghi chú cụ thể.
Đây là thời kỳ phôi thai của thuật trạch cát và trạch cát Hoàng lịch.
(Theo sách Bí ẩn về chọn ngày của Nhà xuất bản Hà Nội)