Hình thể của một người có thể dưỡng huyết (máu), huyết chảy thông suốt thì có thể bồi dưỡng nên tinh thần, tinh thần hưng thịnh thì có thể nuôi dưỡng khí, nhìn từ mối quan hệ giữa chúng thì có thể thấy đó là mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Khí bất an sẽ khiến tinh thần bồn chồn, lo lắng, tạo cho con người cảm giác không yên; khí định thì thần an, trạng thái này chỉ có người quân tử mới đạt được.
Người có mắt sáng lấp lánh thì thần trí cũng tỉnh táo, chủ phú quý; nếu mắt đục ngầu thì thần trí không an định, cuộc sống cũng sẽ nghèo khổ, không thể thoát khỏi vận mệnh nghèo hèn. Giấc mơ của mỗi người đều xuất phát từ thực tế, thường phản ánh suy nghĩ, tâm tưởng của mỗi người. Bạch Nhãn thiền sư từng nói:
“Giấc mơ có năm trạng thái, lần lượt là linh cảnh, bảo cảnh, quá khứ cảnh, hiện tại cảnh và tương lai cảnh”. Khi trạng thái tinh thần của một người không tốt thì ngủ sẽ mơ, còn trạng thái tinh thần tốt đẹp thì ngủ sẽ không mơ. Thần thái được toát ra từ nội tâm của con người, quan sát trạng thái tinh thần có thể hiểu sơ bộ về một con người; có người thoải mái, cởi mở, có người rộng rãi, phóng khoáng, có người trầm tư, thận trọng.
Nếu một người có phong thái đĩnh đạc, thần khí rạng ngời, tươi tắn, là có tướng phú quý. Nếu một người có trạng thái tinh thần mang hàn khí, rất an tĩnh; hoặc tinh thần hoảng hốt, hay bồn chồn, lo lắng, chắc chắn sẽ đem lại cảm giác buồn bã chán chường.
Nhìn từ bề ngoài thì sẽ không quan sát được thần thái bên trong của con người, thần khí là nguồn gốc vận mệnh của con người. Nếu một người có khí hội tụ thì máu sẽ lên xuống thông suốt, thần khí cũng sẽ ổn định. Nếu một người có khí phân tán thì máu sẽ không thông suốt, từ đó thần khí bất an, cơ thể cũng thiếu đi sinh khí.
Quan sát hình thể, diện mạo của một người, có thể biết được thần khí là trong hay đục. Hình thể ngay ngắn, đoan trang, khuôn mặt thanh tú thì tinh thần cũng thông tỏ, khí huyết sẽ điều hoà, mắt sẽ có thần. Quan sát khí sắc cũng có thể phán đoán được về thân phận của một người là cao quý hay thấp kém, sang hay hèn.
Thần khí một người nên thu vào trong là tốt, nếu lộ ra ngoài, tranh giành vị thế với người khác, dễ bị người khác ghét bỏ, từ đó gây tai hoạ cho bản thân. Người có thần khí thu vào trong sẽ rất trầm tĩnh, từ đó sẽ tạo cho người khác cảm giác sợ hãi mà tâm phục, đây là tướng tốt nhất.
Nếu thần khí sung mãn, song hình thể, diện mạo lại không tốt thì cho thấy người này sẽ hiển quý. Nếu thần khí không đủ, nhưng hình thể, diện mạo lại rất đẹp thì cho thấy người này vô cùng giàu có.
Tốt nhất, thần không nên sợ hãi, hoảng loạn, nếu không sẽ đoản thọ. Thần thái cũng không nên quá bồn chồn, lo lắng, vì như vậy sẽ dễ dẫn tới phạm sai lầm, cũng chính là nguyên lý “dục tốc bất đạt” mà chúng ta vẫn thường nói tới. Quan sát một người, nếu thấy anh ta có phong thái đĩnh đạc, lại có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có lòng nhẫn nại thì chắc chắn người này có kiến thức hơn người, hiểu rõ suy nghĩ trong lòng người khác;
Nếu một người trông không có phong độ, không biết khoan dung độ lượng với người khác thì sẽ khó làm nên việc lớn, dù có kiếm được nhiều tiền cũng không được mọi người tôn trọng, thậm chí còn bị coi là “kẻ tiểu nhân”.
THẦN HỮU DƯ: CHỦ VỀ CAO QUÝ, THANH NHÀN
Người có tướng “thần hữu dư” có sức lực dồi dào, mắt trong và sáng, không liếc ngang liếc dọc hay mang thần thái mơ hồ. Lông mày mảnh, dài, thanh tu thần thái khoan thai, cử chỉ thận trọng, phóng khoáng, mang vẻ nho nhã, lịch sự.
Khi mắt nhìn về phía xa xăm thì giống như là ánh nắng mùa thu chiếu rọi, lại như sương rơi trên mặt đất, uy nghiêm mà tĩnh lặng, nét mặt không lộ vẻ vui buồn, mà chỉ thấy được vẻ khoan thai, ung dung tự tại. Khi mắt nhìn gần thì ấm áp và nhẹ dịu giống như gió mùa xuân thổi lướt qua bông hoa mới hé nở. Khi xảy ra sự việc quan trọng, thần sắc cương nghị giống như mãnh thú ung dung sải bước trong rừng sâu, ánh mắt uy nghiêm, như có phượng hoàng dẫn lối, thể hiện rõ sự tôn quý.
Khi ngồi vững vàng chắc chắn giống như đá tảng, khi nằm nghỉ ngơi thì tĩnh lặng lại không phát ra tiếng động nào tựa như quạ nằm ngủ trong tổ, không trở mình sang trái sang phải.
Khi đi chậm rãi, thong thả như nước chảy nơi bằng phẳng.
Khi đứng, tư thế hiên ngang, đĩnh đạc như đinh núi cao sừng sững.
Không nói nhiều, không nói tuỳ tiện. Tính tình điềm đạm, không nóng nảy, không qua loa đại khái, luôn trầm tĩnh, nhìn nhận chuyện vui hay buồn đều bằng thái độ bình tĩnh, không biểu lộ tình cảm ra nét mặt dù là lúc buồn hay lúc vui, sự việc dù có nhiều tới đâu, khó xử lý tới đâu thì khuôn mặt cũng không biến sắc, không hoang mang, lo sợ, vẫn bình tĩnh xử lý.
Người có những đặc điểm kể trên chính là người đại quý, dù tai hoạ có ập xuống đầu cũng khó mà làm tổn thương tới bản thân. Những người như thế cũng sẽ không thèm muốn sự vinh hoa phú quý của người khác, mà lúc nào cũng tỏ rõ sự cao quý, ung dung của bản thân. Người có “thần hữu dư” sống thọ, cả đời không bệnh tật.
THẦN BẤT TÚC: CHỦ VỀ VẬN XUI XẺO, GẶP TAI HỌA
“Thần bất túc” là chi những người tuy không uống rượu nhưng trông lại xiêu vẹo như kẻ uống rượu say; dù không có chuyện gì nhưng trông nét mặt lúc nào cũng khắc khổ, như là đang gặp chuyện gì đó rất muộn phiền; lúc nào trông cũng đờ đẫn, mụ mị, không có tinh thần như người chưa tỉnh ngủ, vừa ngũ đã tỉnh, không thể ngủ ngon giấc;
Không khóc mà trông lại như đang khóc, như là gặp rất nhiều chuyện đau khổ; không điên, song lại giống như kẻ khùng, không vui song lại trông rất phấn khởi, không có chuyện gì đáng sợ, song nét mặt lại lộ vẻ hoang mang, lo lắng; không ngốc nghếch, song hành động và cử chỉ lại như một kẻ đần độn, không có chuyện gì đáng sợ, nhưng xem ra lại vô cùng thận trọng, rụt rè.
Thần sắc thường toát lên vẻ hoảng hốt, sợ sệt, bộ dạng trông rất bi thương, hay ngượng ngùng, xấu hổ, không cởi mở, nói năng lí nhí, mới đầu nói nhanh, sau chậm dần, mặt không có một chút thần thái, trông như xác không hồn. Người có những đặc điểm kể trên cả đời không thuận lợi, dù có làm quan cũng không được lâu, hơn nữa còn dễ gặp hoạ lao tù.
(Theo Ma Y Thần Tướng)
Tuyển sinh khóa học tử vi: http://tuvivietnam.vn/…/tuyen-sinh-khoa-hoc-tu-vi-nam-phai…/