Nếu trong đá có ngọc quý thì toàn bộ ngọn núi sẽ có khí sáng lan toả. Nếu trong cát có vàng thì toàn bộ dòng sông sẽ trở nên huyền diệu, lung linh. Vì sao lại như vậy? Đó là vì những thứ quý báu này có thể hiển hiện qua sắc mà bộc lộ ở hình.
Con người cũng vậy, do có thần khí nên hình tướng mới có được khí chất phi phàm, bởi vậy tinh khí có thể làm phong phú khí chất của một người, ngược lại nhờ có tinh khí mà khí chất mới được trở nên hiển hiện. Thần khí đủ thì con người trông sẽ khoan thai, đĩnh đạc, thần khí an thì con người mới tĩnh tại, ung dung. Những người có được thần khí như vậy thì dù có gặp khó khăn, trắc trở ra sao cũng sẽ không hoang mang, lo lắng; gặp chuyện vui mừng hay bi thương cũng sẽ không ngạc nhiên sửng sốt, người như vậy có đạo đức, bởi vậy cũng biết khoan dung độ lượng với người khác, có tấm lòng bao dung độ lượng nên luôn quan sát sự việc bằng thái độ tích cực, bởi vậy là người có phúc dày mà đức cũng dày.
Hình tượng của con người cũng giống như cây cối, còn thần chính là đất nuôi dưỡng những loài cây đó. Nếu muốn cây cối trở thành rường cột, cần dùng tới dụng cụ để đẽo gọt, khắc chạm, mà giọng nóí thì cũng giống như dụng cụ đẽo gọt. Từ giọng nói của một người, chúng ta có thể phán đoán ra được chất lượng tốt xấu của khí. Khí giống như một con ngựa, biết cách chế ngự hay không sẽ quyết định đến sự tốt xấu của khí. Người quân tử biết cách dưỡng khí, chế ngự đức hạnh và trị khí, còn kẻ tiểu nhân thì ngược lại. Nếu một người có khí rộng rãi thì sẽ biết khoan dung độ lượng với người khác, còn nếu khí hẹp hòi sẽ không biết tha thứ cho người khác.
Khi khí hoà hợp thì có thể đối nhân xử thế khéo léo với người và vật, còn khi khí nóng nảy thì tốt nhất nên ở trong nhà, không nên phát biểu quan điểm của mình trước người khác.
Khi khí trong trẻo có thể phát biểu thẳng thắn suy nghĩ của bản thân, còn khi khí không trong thì tầm thường không có khả năng phân biệt, tốt nhất cũng nên đóng cửa ngồi nhà điều hoà khí.
Khi khí chân chính thì có thể làm việc quyết đoán, còn khi khí bất chính thì dễ dẫn tới cực đoan, tốt nhất không nên đưa ra quyết định hệ trọng trong lúc này
Người có khí yếu thì tính tình nhút nhát, e dè, sợ sệt.
Bằng việc quan sát độ nông sâu, vội vàng hay chậm rãi của khí, có thể phán đoán được anh ta là quân tử hay tiểu nhân.
Người có giọng nói từ tốn, khoan thai chậm rãi thì có phúc, lại trường thọ.
Người có giọng nói nhanh, gấp gáp, lại không đều nhau, vui buồn đều lộ ra sắc mặt thì là tướng của kẻ nghèo hèn.
Bình thường, một người trung bình một ngày hô hấp 13.500 lần (mỗi lần thở ra và hít vào được tính là 1 lần hô hấp). Tốc độ hô hấp của mỗi người là khác nhau, có người hô hấp nhanh, có người hô hấp chậm. Quan sát tốc độ hô hấp của một người thì có thể biết được tình trạng sức khoẻ của người đó.
Người già to béo thì hô hấp nhanh; trẻ nhỏ hoặc người gầy gò, ốm yếu thì hô hấp chậm; hô hấp không thành tiếng, đến bản thân cũng không cảm nhận được thì gọi là “quy tức” (rùa thở), đây là tướng đại cát.
Hô hấp khó khăn, hơn nữa khi hô hấp, cơ thể cũng chuyển động theo thì đây là dấu hiệu khí sắp tới lúc tử vong. Mạnh Tử không màng danh lợi, bổng lộc triều đình mà quyết định từ quan về sống cuộc đời an nhàn để dưỡng khí, bởi vậy nên được coi là thánh nhân.
Khí là gốc rễ của con người, kẻ tiểu nhân thường có khí nôn nóng, còn người quân tử thường có khí khoan dung, bởi vậy quân tử thường nói năng khiêm tốn, được hưởng đại phúc; còn kẻ tiểu nhân thường thâm hiểm, tàn ác, hại người hại cả bản thân.
(Theo Ma Y Thần Tướng)