Táng Thư: một tác phẩm tầm cỡ
Quách Phác đời Tấn soạn “Táng Thư”. Về Quách Phác đã giới thiệu riêng một thiên. Còn về “Táng Thư”, những nhà sử học triều Thanh đã giới thiệu cặn kẽ trong “Tứ khố toàn thư tổng mục – Táng Thư vấn đề”.
“Sách “Táng Thư”, bản cũ đề Quách Phác đời Tấn soạn. Phác có “Nhĩ Nhã Chú” đã được chép vào “Tứ khố toàn thư tổng mục”. Thuyết táng địa không rõ xuất xứ từ đâu. “Chu quan – Trủng nhân”, “Mộ Đại Phu” là chỉ tộc táng, là bằng chứng cụ thể từ đời tam đại chở về trước không chọn đất táng. “Hán Thư – Nghệ Văn Chí – Hình Pháp Gia” bắt đầu liệt kê địa hình cung trạch cùng với sách tướng nhân tướng vật, chắc là thuật này bắt đầu có từ đời Hán, mà chưa bàn riêng về táng pháp. “Hậu Hán Thư – Viên An truyện” chép cha của An mất, An đi tìm đất táng, giữa đường gặp 3 thư sinh chỉ một nơi phát đến thượng công. An nghe theo, nên nhiều đời phú quý. Như vậy, thuật này rất thịnh hành từ sau thời Đông Hán, mà nổi tiếng về thuật này là Quách Phác. Khảo cứu truyện về Phác, chép Phác theo Quách công được “Thanh nang trung thư” 9 quyển. Giảng kỹ thiên văn, ngũ hành và thuật bói toán. Môn nhân của Phác là Triệu Tải từng lấy trộm “Thanh Nang trung thư” rồi bị cháy mất, không thấy nói Triệu Tải viết “Táng Thư”. “Đường chí” có “Táng thư địa mạch kinh” một quyển, “Táng thư ngũ âm” 1 quyển, có người nói do Quách Phác soạn. Duy có “Tống chí” chép Quách Phác soạn “Táng thư” 1 quyển, vậy sách này mới có từ đời Tống. Sau đó, các nhà phương kỹ tranh khoe tài, lần lượt cho ra đời đến 20 thiên. Sái Nguyên Định chê rườm rà, bỏ đi 12 thiên, chỉ giữ lại 8 thiên. Ngô Chừng lại chê họ Sái chưa súc tích, nên chọn những chương nhuần nhuyễn làm nội thiên, nửa thô nửa tinh làm ngoại thiên, thô thiển nông cạn làm tạp thiên. Có người cho rằng Lưu Tắc Chương chú thích công trình biên tập của họ Ngô. Nay sách này chia thành nội thiên, ngoại thiên và tạp thiên đều là bản cũ của họ Ngô, còn Lưu Tắc Chương có là tác giả hay không, thì không thể khảo cứu. Lời ý của sách ngắn gọn, phải là tác phẩm do thuật sĩ thông chữ nghĩa viết ra, vì vậy phải là của Quách Phác, điều này không còn phải nghi ngờ gì nữa. Có thể là người đời thấy ông táng mẹ ở chỗ lẽ ra bị nước úng, vậy mà sau đó nước rút xa, nên đoán chắc sách này do ông soạn. Trong đó, di thể (hài cốt) được hưởng phúc ấm, khiến cho con cháu cảm ứng mà chịu họa phúc. Hoặc giả chỉ quản tạm một chỗ, hoặc phải di chuyển không táng vĩnh viễn ở một nơi, đã được thấu triệt ở các nhà Nho.
…Vương Y trong “Thanh nham tùng lục” chép: chọn đất để táng vốn là thuật của Quách Phác đời Tấn. Còn 20 thiên “Táng Thư” là do người đời sau viết ra và có tính chất hoang đường. Sái Nguyên Định từng bỏ đi 12 thiên, chỉ giữ lại 8 thiên. Đời sau chia thuật này thành 2 phái, một là phái theo phép Tông Miếu, khởi thủy từ Mân Trung, phép này có nguồn gốc sâu xa, đến Vương Cấp đời Tống thì lưu hành rộng khắp. Thuyết này chủ tinh (sao) quái, dương sơn dương hướng, âm sơn âm hướng, bất tương thừa thố, chỉ lấy thuần Bát quái, Ngũ tinh để luận sinh khắc. Thuyết này lưu hành ở miền trung Chiết Giang và được những người vận dụng hiểu rất sâu sắc. Hai là phái Giang Tây, do Dương Quân Tùng, Tăng Văn Thuyên, Lại Đại Hữu, và con cháu họ Tạ người cùng Cán, đều rất am hiểu thuật này. Thuyết Giang Tây chủ về hình thế, cứ nguyên dạng hình thế mà định phương vị, hình tượng. Chuyên phối hợp giữa long, huyệt, sa, thủy mà không câu nệ những cái khác. Thuyết này được tin dùng ở cả một dải Giang Nam. Hai trường phái tuy có khác nhau nhưng đều bắt nguồn từ luận thuyết của Quách Phác. Do vậy người ta mới nói rằng, các nhà địa học đều coi Phác là tổ sư. Và cũng vì vậy mà tuy sách có mượn tên giả danh, nhưng rốt cuộc không thể loại bỏ không dùng. Căn cứ vào tên sách “Táng Thư” mà “Tống sử” đã chép, người đời sau vì tôn sùng mà đổi thành “Táng Kinh”. Bản khắc của Mao Tấn Cập là khắc theo bản giả mạo hay không thì không có ai khảo cứu mà biết. Nay vẫn lấy tên sách cũ, để mở đầu cho từ nay chở đi.”
Chắc chắn là một bậc túc nho tinh thông thuật tướng địa viết lời giải đề trong “Tứ khố toàn thư tổng mục”, đã dẫn ở trên thì mới viết được chí tình chí lý như thế. Ý kiến đại thể có mấy vấn đề: Một là “Táng Thư” không phải do Quách Phác soạn thảo, mà là do người Đường – Tống ngụy tác. Hai là trong “Táng Thư” có những đoạn trình bày về Phong Thủy cực kỳ sống động, nhưng cũng có nhiều chỗ pha tạp lủng củng. Qua các triều đại, những người chỉnh lý “Táng Thư” là Sái Nguyên Định, Lưu Tắc Chương, Ngô Chừng,… Ba là thuật tướng địa có từ thời Đông Hán, sau chia thành hai phái, một phái bắt nguồn từ Phúc Kiến, một phái khởi thủy từ Giang Tây. Phái Phúc Kiến chủ tinh, quái; phái Giang Tây chủ hình thế, cả hai phái đều chung một ông tổ là Quách Phác, nhưng phái Giang Tây lưu truyền cực kỳ rộng rãi.
Đối với bất kỳ loại sách cổ nào, nhiệm vụ đầu tiên của ta khi đọc là phải xác định ai là tác giả cuốn sách, mới có thể bàn đến giá trị của sách đó. Học giả Diêm Nhược Cứ đời Thanh – Khang Hy trong “Thượng thư cổ sơ chứng” đã viết: “Than ôi, không có sự việc nào to hơn chuyện háo cổ, không có học vấn nào giỏi hơn chuyện phân biệt thật, giả”. Cùng thời kỳ đó, một học giả tên là Diêu Tế hằng khổ công nghiên cứu, đã viết “Cổ Kim Ngụy Thư” (sách giả) khảo (cứu), phủ nhận Quách Phác viết Táng Thư, ý kiến của ông rất mới, nhưng không trình bày được lý lẽ. Năm Càn Long soạn “Tứ khố tổng mục đề yếu”, vị túc nho viết: “Táng thư giải đề” đã khảo sát đến nơi đến chốn thời gian ra đời sách này. Xếp Táng Thư vào sau Trạch Kinh trong Tứ Khố Toàn Thư – Tí bộ – Thuật số. Cách xếp như vậy là đáng tin. Có điều, trong “Táng thư giải đề” khi nêu hai phái, chưa chỉ ra được phái nào có quan hệ với Quách Phác như thế nào, ai giả, ai thật? Chỉ cần ta đọc “Tấn Thư – Quách Phác truyện” và văn bản có liên quan, dễ dàng nhận thấy Quách Phác lấy học thuyết âm dương để chỉ đạo thuật tướng địa, áp dụng phương pháp bói toán mà chưa bao giờ bàn về hình thế, càng không bàn đến long huyệt. Do đó trường phái Phúc Kiến gần giũ với thuật tướng địa của Quách Phác. Học thuyết của phái này ảo diệu, không dễ gì hiểu được, vì vậy, không được nhiều người tin theo. Từ đó suy ra thuật tướng địa của Quách Phác lưu hành bị hạn chế. Phái Giang Tây có kiến giải riêng, coi trọng hình thế, tính thực tiễn cao, mọi người có thể mục kích hình dáng của sơn thủy, lại thêm các thầy phong thủy giải thích về long huyệt, nên đua nhau tin theo, không chút nghi ngờ. Cả hai phái đều không hoàn toàn kế thừa Quách Phác, mỗi ngày đều mở rộng ra, nhưng phái nào cũng cần có một người có tiếng tăm để làm chỗ dựa, để được coi là chính tông, và thế là Quách Phác chở thành tổ sư của họ.
Dưới đây ta hãy xem xét “Táng Thư”
“Táng Thư” còn có tên là “Táng Kinh” sách này có nhiều bản đều được đưa vào Địa Lý Toàn Thư, Tân Đãi Bí Thư, Học Tân Khảo Nguyên, v.v…
“Táng Thư” đưa toàn bộ nội dung của thuật tướng địa qui về phong thủy, cho rằng chuyện họa phúc, sang hèn, giàu nghèo của mỗi người được quyết định bởi phong thủy nhà ở, phần mộ tổ tiên tốt hay xấu. Sách giải thích rất rõ từ “phong thủy”: “Táng (chôn cất) là nhận được sinh khí, phàm là khí âm dương, thở thì thành gió, bay lên thành mây, rơi xuống thành mưa, lưu hành trong đất thành sinh khí, sinh khí vận chuyển trong lòng đất mà sinh ra vạn vật. Con người ta được cha mẹ cho thể xác, hình hài được khí, di thể (xác chết) được ấm (nhận được phúc ấm). Do vậy, sống là sự ngưng tụ của khí, kết thành xương cốt, khi chết chỉ còn lại xương, do vậy táng là phản khí nội cốt để sinh phúc ấm”. Kinh viết: “khí cảm ứng mà đem họa – phúc đến cho người, vì thế núi Đồng ở phái tây lở, thì linh ứng nên chuông ở phía đông tự phát ra tiếng kêu”, cây ra hoa ở mùa xuân, quả lật mọc mầm ở trong nhà. Khí vận hành ở trong đất, theo địa thế mà vận hành, địa thế mà dừng thì khí tụ tại. Núi non là xương, gò đống là chi nhánh, khí theo đó mà vận hành. Kinh viết: Khí gặp gió tất tản mát, gặp nước chặn lại thì ắt dừng, người xưa làm cho khí tụ lại mà không tản đi, khiến khí vận hành mà có khi dừng lại, đó là phong thủy”. Đoạn văn trên trình bày về “thuyết sinh khí” dùng “khí” để giải thích cơ thể con người, nhấn mạnh rằng chỉ có phong thủy mới bảo tồn được người chết trong khoảng trời đất.
Làm thế nào để giữ được phong thủy? Táng Thư trả lời: “Phép phong thủy đắc thủy là tốt nhất, tàng phong là thứ hai… nông hay sâu để nhận được (sinh khí), là tự thành phong thủy. Đất là mẹ của khí. Có đất tất có khí. Khí là mẹ của nước. Có khí tất có nước, do đó nơi khô ráo thì nên táng nông, nơi bằng phẳng thi nên táng sâu”. Đoạn văn này trình bày mối quan hệ trong thiên nhiên đất – khí – nước, nhấn mạnh phải chú ý đến độ nông sâu của đất.
“Táng Thư” trình bày tiếp về địa hình, giới thiệu phép táng ở chi, lũng (bờ ruộng): “Đất quí ở bằng phẳng, chất đất quí ở phân nhánh. Có chi là có khí đi theo, hết chi là khí tụ lại. Phép quan chi là xem được sự ẩn hiện của chi, ảo diệu vô cùng… Chi táng ở đỉnh, lũng táng ở chân, chọn chi như đầu, chọn lũng như chân”. Và phân biệt rõ sự khác nhau giữa hình và thế: “nghìn thước là thế, trăm thước là hình”.
Ngoài ra, sách còn giới thiệu một số điều cấm kị: có năm dạng núi không thể táng: khí sinh nhưng núi trọc, khí đến theo hình nhưng núi đứt đoạn, khí vận hành theo đất nhưng núi là núi đá, khí đã dừng theo thế nhưng núi vẫn vượt qua, khí long hội nhưng gặp độc sơn (núi đứng một mình).
Như vậy có nghĩa là các dạng núi: trọc, đứt, đá, quá, độc đều không được táng, nếu không sẽ “sinh tân hung, tiêu kỷ phúc” (sinh điều dữ, mất phúc vốn có).
Táng Thư còn giới thiệu, bên trái người dưới mộ là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ, phía trước là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ. Đây chính là thuyết Tứ Linh làm tứ phương sau này.
Cuối cùng, Táng Thư khái quát thành “huyệt” có ba điều lành, táng có sáu điều dữ: Táng thần hợp sóc, thần nghinh quỷ tị, điều lành thứ nhất; ngũ thổ tứ bị, điều lành thứ hai; sức nhìn rõ, công lực đủ, giành cái trọn vẹn tránh được cái thiếu, tăng cao lấn thấp, điều lành thứ ba. Sáu điều dữ là: âm dương không khớp, phạm giờ phạm năm, lực nhỏ tham vọng lớn, chỉ dựa vào phúc lực, nịnh trên đè dưới, ứng biến quái kiến”.
Nội dung Táng Thư ngắn gọn, tất cả không hơn hai nghìn chữ, nhưng câu chữ đắt nghĩa, đề cập đến nhiều mặt. Nội dung khái quát gồm có: Táng thừa sinh khí, khí cảm nhi ứng, vị chi phong thủy, phong thủy tự thành, thổ hành khí hành, hành chỉ khí súc, chi táng lũng táng, phúc họa chi sai, tị kỳ sở hại, nhược hoài vạn bảo, nhược khí chi trữ, nhược long nhược loan, triều hải cung thìn, long hổ cưỡng vệ, ngũ sơn bất táng, cát thế hung thế, tứ thế bát phương, tam cát lục hung.
Qua nội dung ta thấy Táng Thư gần như không thấy nói về tinh, quái, tôn miếu, mà nói về hình thế, sinh khí. Điều này không hợp với hành vi lúc sinh thời của Quách Phác là rất giỏi lấy bát quái để dự đoán mọi việc. Một con người đặc biệt tôn sùng dịch lý và tinh tượng, sao không bàn về cái mà mình sở trường trong tác phẩm? Vậy thì làm sao có thể nói sách này là của Quách Phác?
Sách này trước sau vẫn 18 lần nhắc đến “kinh nói rằng”, một lần nhắc đến “Trạch kinh nói rằng”. Có thể thấy, đây không phải tác phẩm đầu tiên nói về thuật tướng địa, mà là viết sau khi có “Trạch kinh”. Các mục lục sách trước đời Đường không chép sách này. Do các nhà làm mục lục sơ suất chăng? Một bộ sách mà các thầy phong thủy tôn làm kinh điển thì sao lại có chuyện sơ suất? Chỉ có thể nói sách này ra đời từ Đường hoặc sau Đường.