1 – Dịch lý và mê tín
Những người mới tiếp xúc với Dịch lý thường cho rằng Dịch lý là mê tín, không phủ nhận nền tảng của Dịch lý còn có nhiều yếu tố chưa thực sự rõ ràng, nhưng sẽ là thiếu căn bản nếu cho rằng Dịch lý là một cái gì đó thuộc về tâm linh, trừu tượng, hão huyền không có liên hệ với thực tiễn.
Thực tế là từ xa xưa, các nhà Dịch lý sử dụng lý luận do các nhà triết học, khoa học, y học, chiêm tinh học tạo nên để mô tả và tiên đoán xu hướng ứng xử của thế giới. Trong chiều ngược lại, các nhà khoa học cổ đại lại sử dụng những lý thuyết của Dịch để phát triển lĩnh vực của mình. Tám quẻ của Dịch với các biểu tượng nguyên thủy thể hiện sự hình ảnh con người đang quan sát thế giới gồm Bầu trời, Mặt đất, Sấm sét, Gió, Lửa, Nước, Núi, Vực, không có liên hệ nào với các vị chúa trời hay thánh thần. Những mối liên hệ đến nghi lễ, quỷ thần đều hình thành về sau bởi cách vận dụng trong một xã hội sùng bái tâm linh. Bản thân Dịch miêu tả thế giới được phát triển từ các hình thái vật chất vô cơ với những vận động vật lý, hóa học.
Dịch lý là một môn thực sự hấp dẫn. Bắt đầu từ những giả thuyết tưởng chừng đơn giản nhưng lại khám phá ra một thế giới tuyệt diệu đến không ngờ. Giống như toán học khởi nguồn từ các phép cộng trừ. Dịch lý bắt đầu từ những hào âm, dương, tạo nên bát quái, trùng quái. Những vạch liền đứt tưởng chừng đơn giản nhưng khi chắp nối đem lại sự biểu diễn thông tin vô cùng phong phú. Những giả thiết tiền đề như âm dương, ngũ hành, đồng nhất thể… có thể quy nạp tất cả vào đó dù là con người, xã hội, hay cả thế giới vô hạn. Giống như nhiều môn khoa học, Dịch lý phụ thuộc vào hiện tượng, với mục đích tìm hiểu và miêu tả, bên cạnh đó Dịch lý còn có thể tự trừu tượng hóa những hiện tượng như vậy, dựng nên các tiền đề từ sự gợi ý của tự nhiên để có thể khơi nguồn cho những cuộc khám phá.
Khám phá quan trọng liên quan đến tính bất đối xứng trong các hạt cơ bản đoạt giải Nobel 1957 đồng thuận với tỉ lệ phân chia chẵn lẻ trong học thuyết âm dương cho thấy: Dịch lý có khả năng song hành với sự phát triển của khoa học hiện đại, và nhờ khoa học một ngày nào đó có thể giúp chứng minh những giả thuyết của Dịch là đúng đắn.
2 – Dịch lý là tập hợp các giả thuyết từ quan sát thực tiễn
Quan sát và khám phá là những gì chúng ta làm ngay từ khi mới bắt đầu sự nhận thức, con người đã luôn tạo ra những lý thuyết về cuộc sống bằng trực giác và kinh nghiệm hàng ngày. Những lý thuyết được học từ nhỏ đến trưởng thành thì ta vẫn gọi là lẽ thường tình, còn lý thuyết mà chưa được nghiên cứu rõ thì ta gọi là điều bí ẩn.
Các nhà nghiên cứu Dịch lý dựa vào quan sát thực tiễn cuộc sống, nhận thấy rất nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm chung, đặt ra giả thuyết quan trọng là có những quy luật chung tác động lên thế giới, dựa vào quy luật chung được nhìn nhận từ những lẽ thường tình để giải mã những điều chưa được làm rõ.
Từ những quan sát thông thường như Mặt Trời mọc rồi lặn, mùa nóng chuyển sang mùa lạnh, con người hay cây cối đều sinh trưởng, phát triển, suy thoái rồi tiêu vong. Các nhà nghiên cứu Dịch tạo ra các lý thuyết đồng nhất, các mô hình âm dương tiêu trưởng có thể đúng khi vận dụng những thứ tưởng chừng là tồn tại vĩnh hằng như Mặt Trời, Trái đất.
Hay một minh họa gần gũi hơn, để đưa ra lý thuyết sự đối xứng tương đối trong âm dương. Các nhà Dịch lý cổ đại phát hiện đối xứng trong nhiều lĩnh vực tự nhiên. Như kết cấu đối xứng trong thực vật, các gân đối xứng trên một chiếc lá, đối xứng cánh hoa trong bông hoa. Đối xứng xuất hiện trong hầu hết các loại động vật, đối xứng trong con người: tay trái – tay phải… Đến đối xứng trong các thiên thể: hình cầu của mặt trăng, mặt trời… những suy luận từ những điều tưởng hiển nhiên này thậm chí có thể đúng trong cả các lĩnh vực không thể quan sát bằng mắt thường, như tính âm, dương trong dòng điện, hay việc khoa học lượng tử phát hiện ra các hạt phản vật chất bên cạnh vật chất.
Việc mô hình hóa các lý thuyết bằng âm dương, bát quái, tương tự với việc các nhà Vật lý tạo ra phương trình vật lý, ví dụ các công thức E=mc2 hay F=ma, để chỉ ra sự ràng buộc giữa các đại lượng mà chúng ta dùng để mô tả hiện tượng. Trong khi Dịch lý phức tạp và trừu tượng bởi vì coi mọi thứ đều tương đối và không thể đong đếm rõ ràng, thì Vật lý, với các phương trình dựa trên một giả định quan trọng là các đại lượng đã được xác định.
3 – Xác định hay không thể xác định?
Có thể minh họa bằng việc xác định các đại lượng trong công thức S = v x t. Trên thực tế hiện tượng Trái đất tự quay, cũng như Trái đất quay quanh Mặt trời, bản thân Mặt Trời cũng quay quanh tâm của Thiên hà, Thiên Hà quay quanh tâm của vũ trụ… khiến việc đi từ đầu này đến đầu kia của S trở nên rất phức tạp, xác định độ lớn, cũng như xác chiều hướng và hình dạng của đại lượng “S”, hay vận tốc “v” thậm chí là không thể. Tức là các công thức thế này chỉ đúng một cách tương đối trong một hệ quy chiếu riêng biệt.
Điều này giúp chúng ta hiểu rằng ngay cả các lý thuyết trong Vật lý, đều được xây dựng một phần nào đó dựa trên các giả định, và đương nhiên đều có một phần nào đó khá tùy ý và thiếu chính xác.
Dịch lý chấp nhận sự thiếu chính xác này, thay vì phân tích vấn đề tương tự theo dạng một công thức gồm các đại lượng quãng đường, vận tốc, thời gian được liên kết bằng những phép toán; công thức tính toán của quẻ Dịch chỉ tập trung vào một đối tượng “X” thực hiện sự di chuyển đó, nếu quãng đường “S” gồm điểm xuất phát là A, đích đến là B, sẽ sử dụng 1 quẻ biểu thị thông tin, giá trị của đối tượng “X” tại A và một quẻ còn lại thể hiện thông tin, giá trị của “X” tại B. Hai quẻ này kết nối với nhau tạo thành một quẻ tổng hợp biểu diễn việc di chuyển xuyên qua “S” trong khoảng thời gian “t”.
4 – Quy nạp và diễn giải
Trong bài nói chuyện “Ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với văn hóa Trung Quốc”. Dương Chấn Ninh đồng tác giả đoạt giải Nobel Vật lý 1957 nói: “Tinh thần của Kinh Dịch, đều là phép quy nạp, là phương pháp hướng lên trên tìm cái “Tượng” toàn bộ.”
Điều này phần nào đó là đúng, lý thuyết quan trọng nhất của Dịch lý là thuyết đồng nhất, hay còn được gọi là thuyết thiên – địa – nhân hợp nhất, xuất phát từ tư duy quy nạp tổng thể. Qua đó, mọi lĩnh vực, mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống (cả trời đất và con người) đều trong một thể thống nhất, các thành phần trong thể thống nhất này đều bị chi phối bởi những quy luật chung và đều cảm ứng, liên kết mật thiết với nhau (thiên nhân cảm ứng). Dựa vào lý luận tổng hợp này, các nhà Dịch lý kết nối những lẽ thường tình và những điều bí ẩn, tạo ra những cơ chế tương tác giữa thiếu số và đa số, cá nhân và tổng thể, hình thành khả năng dự đoán về nhiều lĩnh vực trình độ tri thức đương thời chưa thể khám phá.
Bên cạnh đó các nhà Dịch lý cổ đại vẫn có những phép diễn giải, từ tổng thể phân chia thành âm dương, âm dương tạo thành Bát quái, bát quái hợp thành trùng quái, tuy nhiên có thể nói sự diễn giải này không tương ứng với quá trình quy nạp, bởi việc sử dụng 64 trùng quái với 384 hào âm dương để phân tích mọi sự vô hạn diễn ra trong cuộc sống thì vẫn đòi hỏi một sự quy nạp rất rất lớn.
5 – Từ F=ma đến E=mc2, từ rời rạc đến liên đới lượng tử
Nếu như thuyết vạn vật đồng nhất bị coi là không có cơ sở trong thời đại xã hội được phổ cập các lý thuyết cơ học của Newton, thì cùng mới sự phát triển của khoa học hiện đại, thuyết vạn vật đồng nhất được vén một phần nhỏ tấm màn đen che phủ.
Nhà bác học Enstein có 2 lý thuyết đột phá là thuyết tương đối tổng quát và thuyết tương đối độc lập. Trong đó lý thuyết về sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng mở cho ta thấy một khả năng tất cả thế giới vật chất, trong đó có chúng ta, đều hình thành bởi năng lượng. Năng lượng trong vũ trụ này đều được khởi nguồn từ vụ nổ Bigbang, qua các quá trình biến đổi phức tạp để thành hình như ngày nay. Thế giới trở nên đều đồng điệu trong một tổng thể để mỗi sự biến động dù là nhỏ đến đâu cũng đều ảnh hưởng tới tổng thể cũng như tương tác với tất cả thành phần trong đó. Tuy nhiên những sự tương tác này là rất phức tạp, còn là rất bí ẩn, trong đó có một tương tác khó hiểu đến mức khiến Enstein gọi là: “tương tác ma quái từ xa” hay là hiện tượng liên đới lượng tử.
Trước khi đến với tương tác ma quái từ xa này, xin kể một câu chuyện trong thế giới Dịch lý. Sách Mai Hoa Dịch Số viết rằng: một học giả đời Tống, Trung Quốc, tên là Thiệu Ung, một hôm ông đi lễ chùa, ông nhận thấy tấm bảng đề tên chùa bị rơi mất 2 nét chữ, ông bèn dựa vào những nét chữ còn lại để lập quẻ đoán, và thực tế đúng như những gì thấy trong quẻ khi ngôi chùa đang gặp phải chuyện xấu liên quan một người đàn bà. Hãy đi cùng các nhà nghiên cứu Dịch lý, bạn sẽ thấy những chuyện tương tự xảy ra trong thực tế.
Trong một thế giới khác, thế giới lượng tử, các nhà vật lý đã quan sát và chứng minh hiện tượng khi hai hạt lượng tử tương tác với nhau, chúng trở nên có liên kết đặc biệt, tức là hạt này có thể tác động tới hạt kia dù ở khoảng cách xa. Mối liên hệ này kéo dài trong thời gian dài sau khi hai hạt bị chia tách. Điều đó cho thấy thế giới kỳ bí hơn con người vẫn hình dung và mở ra một khả năng hai hay nhiều vật nào đó cũng có một mối liên kết bí ẩn.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh một phép Bói Dịch với một hiện tượng vật lý, tuy nhiên xét theo góc độ nào đó thì ở hai sự kiện có một sự tương đồng. Dịch lý chấp nhận sự tồn tại một mối liên hệ kỳ lạ giữa chiếc bảng bị thiếu chữ và những sự việc của thầy tu trong chùa, giữa một sự việc này với một sự việc khác có tính biến Dịch tương đồng. Điều tưởng chừng vô lý tương tự lại xuất hiện giữa hai hạt lượng tử. Với việc cuộc sống mà chúng ta đang thấy đều được tạo bởi năng lượng, bởi các hạt, thì sự liên đới ma quái này hoàn toàn có thể diễn ra ở một quy mô lớn hơn, ở mức độ phức tạp hơn.
6 – Lý thuyết và thực tiễn
Khởi đầu từ những nguyên lý bí ẩn, nhưng những kết quả chính xác được ghi nhận trong thực tế thường khiến những người học Dịch cảm thấy kỳ diệu. Trong lịch sử, rất nhiều nhà nghiên cứu Dịch được ghi nhận vì đã có những tư vấn giá trị, các nhà nghiên cứu lý thuyết huyền thoại như Kinh Phòng, Phí Trực, Lý Thuần Phong, Lưu Bá Ôn… cũng chính là những thầy bói Dịch tài năng từng được triều đình tôn vinh nhờ dự đoán thành công thiên tai dịch họa hay những việc lớn của đất nước họ sống. Điều này cho thấy Dịch lý và những ứng dụng còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Dịch lý không chỉ giúp đem đến một tư duy gợi mở hơn, tổng quát hơn mà vận dụng quẻ Dịch đúng cách còn giúp người học tự dự đoán những việc của bản thân, hoặc của những người xung quanh.
Nhưng có một thực tế, chính bởi cảm giác ngỡ ngàng trước khả năng của bói Dịch tạo nên một lầm tưởng lớn rằng Dịch lý là học thuật toàn năng, hoàn hảo. Việc mong đợi có thể dễ dàng phân tích thông tin chi tiết từ những gợi ý trừu tượng, tổng quát, hay phụ thuộc vào Dịch lý để bù đắp các khiếm khuyết chuyên ngành khác như khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội… đã tạo ra một hiệu ứng tâm lý thất vọng lớn làm suy yếu phong trào nghiên cứu Dịch lý từ cuối thế kỷ 18 đến nay.
7 – Kết luận
Dịch lý bí ẩn bởi chính mục đích nó được tạo ra, khởi nguồn từ mong muốn tìm đáp án cho những câu hỏi bất tận của con người. Có thể còn rất lâu con người mới có thể trả lời được tất cả những câu hỏi của mình, nhưng Dịch lý, với một cách nào đó giúp chúng ta tiến gần với đáp án hơn. Tiến đến gần một siêu trí tuệ lý tưởng đang được các nhà khoa học thực nghiệm, các nhà lý thuyết, các triết gia đều theo đuổi, một trí tuệ từng được nhà toán học vĩ đại Henri Poincaré nhắc đến:
“Đối với một trí tuệ có khả năng thâu tóm chuyển động của những thiên thể lớn nhất, cũng như chuyển động của các nguyên tử nhỏ nhất trong cùng 1 công thức thì không có gì là không thể xác định, cả tương lai lẫn quá khứ đều hiện diện trước con mắt của trí tuệ ấy.”