Sách Kinh Dịch và Cấu hình tư tưởng Trung Quốc do các tác giả TS. Dương Ngọc Dũng – Lê Anh Minh là một cuốn sách thú vị. Các tác giả đã tổng hợp những đánh giá mới dựa trên những khám phá khảo cổ về Kinh Dịch như khảo sát giáp cốt văn, giải mã sách Bạch Thư Chu Dịch khai quật tại Mã Vương Đôi, cung cấp cho chúng ta một góc nhìn mới về lịch sử hình thành của Dịch lý.
Bản thân tôi vẫn thích dùng cách gọi Dịch lý, thay vì Chu Dịch, hay cách gọi sang chảnh hơn là Kinh Dịch của Nho gia. Bởi tôi cho rằng những tư tưởng quan trọng nhất trong Dịch đã được hình thành trước khi Khổng Tử chép lại, thậm chí còn trước cả thời nhà Chu, Trung Quốc. Đương nhiên tôi cũng tin rằng những lý thuyết như học thuyết Âm, Dương là kiến thức được tổng hợp sau này, nhờ quá trình diễn giải Dịch lý. Những kiến thức trong sách Kinh Dịch và Cấu hình tư tưởng Trung Quốc giúp tôi củng cố quan điểm ấy. Tôi chép lại một số đoạn trích ngắn chia sẻ cùng với những người có cùng sở thích.
“Kinh Dịch* là sách bói hay sách triết lý?
Theo Trương Chi Thiết, chủ biên tác phẩm Đạo Giáo Văn Hóa Tự Điển, thì Kinh Dịch là một cuốn sách bói (bốc phệ chi thư). Trương Thiện Văn, trong phần lời bạt của Tự Điển Chu Dịch, cũng nhấn mạnh rằng “Chu Dịch nguồn gốc là tượng số, rồi phát triển thành Nghĩa lý”, nhưng trong mục từ “Chu Dịch” lại viết: “Nghiên cứu kỹ nội dung của Kinh và Truyện của Chu Dịch ta thấy, mặc dù Chu Dịch được sử dụng nhiều vào bói toán, nhưng thực chất trong đó chứa đựng ý nghĩa triết học cực kỳ thâm thúy”. Trong điển tịch thời Tiên Tần, chẳng hạn hai tác phẩm điển hình nổi tiếng là Tả Truyện và Quốc Ngữ, có chép việc trong thời kỳ Xuân Thu người sử dụng sách Chu Dịch và việc bói là rất nhiều: trong Tả Truyện có 19 lần nhắc đến việc này, trong Quốc Ngữ 3 lần. Xưa nay thảo luận về Dịch học không ngoài việc giảng Tượng số và ý nghĩa. Các trường hợp sử dụng Chu Dịch trong Tả Truyện và Quốc Ngữ không ra ngoài thông lệ đó. Hai học giả Ngô Tạ Diệu và Ngô Nghĩa Phương viết: “Người đương thời ứng dụng Chu Dịch, đại khái là không ngoài việc quan sát các điềm triệu để suy luận, đoán việc hên xui, và dẫn lời bàn quẻ (quái từ và hào từ) để làm chứng cho những biến cố có thể xảy ra”. (Đương thời nhân ứng dụng Chu Dịch, đại thể thượng thuyết bất ngoại hồ chiêm sự suy luận dĩ đoán cát hung hòa dẫn dụng quái, hào từ lai luận chứng nhân sự lưỡng cá phương diện).
Các học giả có thể tạm thời kết luận: lúc đầu Kinh Dịch là một tác phẩm bói toán, nhưng người đời sau đã nhận ra ý nghĩa triết học của tác phẩm này, vì việc thực hành chiêm bốc đã hàm ẩn một nhân sinh quan và vũ trụ quan, mặc dù thị kiến triết học này đã không được trình bày một cách tường minh. Nhưng cũng rất có thể chính nội dung tư tưởng chính trị (đạo trị quốc an dân) ngay từ đầu được lồng vào cái vỏ bói toán, vu thuật để hướng dẫn nhận thức cho các thiên tử nhà Chu, như phần phân tích cấu trúc quái từ, hào từ của Lý Kính Trì cho thấy. Vào thời Tần Thủy Hoàng, tấn kỳ thư này không bị đốt vì mọi người cho rằng đó là một cuốn sách bói toán. Toàn bộ các phương sĩ các đời Tần và Hán đều sử dụng tác phẩm này vào mục đích chiêm bốc. Học thuyết Âm Dương của Trâu Diễn, Ngũ hành của Đổng Trọng Thư, đầy rẫy những lời giải đoán về Kinh Dịch mang tính chất ma thuật. Đến thời Vương Bật, ông khẳng định đây là tác phẩm mang nội dung triết lý sâu sắc, không phải là một cuốn sách bói. Đến thời Chu Hi, ông tổng hợp lại cả hai quan điểm, cũng giống như quan điểm của đa số nhà Dịch học hiện đại. Phùng Hữu Lan nhận định: “Lúc đầu Kinh Dịch được soạn ra với mục đích bói toán, nhưng về sau, thậm chí cả khi không dùng để bói toán, ý nghĩa của lời giải đoán các quẻ và vạch, tiếp tục được mọi người trích dẫn khi cần lập luận để ủng hộ một luận điểm nào đó.” Trần Vĩnh Tiệp (Wing – tsit Tran) nói rõ hơn: “Kinh Dịch phát dẫn từ thực hành bói toán. Văn bản kỳ bí, khó hiểu, không ai có thể rút ra được những kết luận triết lý xác định. Tuy nhiên, trong phần bình giải, được truyền thống gán cho Khổng tử, nhưng sau đó ba, bốn thế kỷ lại được các học giả cho là người khác là tác giả, có một đề cương rõ nét về một phương pháp tiếp cận đầy suy lý đối với một vũ trụ sinh động và hài hòa”.”
Trích dẫn thêm nội dung phân tích về cơ sở hình thành quẻ sáu hào (trùng quái):
“Một số học giả trong truyền thống thì dựa vào hình thể các hào vạch liền (hào dương) và các hào vạch đứt (hào âm) để suy luận nhưng điều này bị hầu hết các nhà nghiên cứu hiện đại bác bỏ. Chẳng hạn như một số học giả cho rằng hào âm và hào dương tượng trưng cho hai bộ phận sinh dục thực khí nam và nữ. Luận điểm này khá hấp dẫn nhưng các học giả đó không giải thích được tại sao phải cần đến ba hay sáu vạch đứt để thể hiện một quẻ Âm (Khôn) hay ba vạch liền (hay sáu vạch) để thể hiện một quẻ Dương (Kiền). Hơn nữa tính chất biểu tượng số học của bát quái gần đây mới xuất hiện (thật ra Leibnizt cũng đã nhận ra điều này từ lâu) cũng góp phần đánh đổ giả thuyết này: nghĩa là ban đầu cổ nhân dùng số trước sau đó mới chuyển sang vạch liền và đứt. Nhà nghiên cứu Edward L. Shaughnesssy cương quyết bác bỏ hình tượng quẻ có liên quan đến ý nghĩa sinh thực.
Quách Mạt Nhược có đề nghị cho rằng Bát quái phát xuất từ các hình vẽ văn tự cổ có liên quan đến các quẻ đơn (trigams). Chẳng hạn quẻ Khảm phát xuất từ một hình vẽ văn tự cổ có nghĩa là “nước” hay quẻ Kiền bắt nguồn từ chữ Thiên viết theo lối cổ. Trần Mộng Gia đã phê phán quan điểm này và chỉ ra rất rõ ràng là có ít nhất hai quẻ Quách Mạt Nhược không thể giải thích theo cách đó được là quẻ Cấn và quẻ Đoài. Trần Mộng Gia nêu rõ là hai quẻ Khảm, Khôn đều xuất phát từ một chữ cổ có nghĩa là “nước”. Nếu Bát quái phát xuất từ mục đích biểu tượng hóa một sự vật nào đó trong tự nhiên, tại sao lại dùng hai biểu tượng khác nhau (Khảm và Khôn) để chỉ thị cùng một ý nghĩa (nước)? Nói chung việc suy luận dựa trên hình quẻ cũng rất bấp bênh. Ngay giữa các đại chuyên gia về cổ tự học Trung Quốc như Quách và Trần còn không thống nhất được quan điểm, huống hồ những người bàn Dịch xưa nay không hề biết gì đến các vấn đề thuộc phạm vi ngữ văn hay văn bản văn học.
Gần đây căn cứ trên thành tựu của các nhà nghiên cứu giáp cốt văn các học giả đưa ra một luận điểm mới để giải thích tại sao mỗi quẻ trong bát quái lại gồm có 6 vạch. Vào thời điểm của hai vua Đế Ất và Đế Tân (hai vua cuối cùng của nhà Thương), việc bói toán bằng giáp cốt đã được hình thành theo một mô hình xác định rõ rệt. Những cuộc bói toán được thực hiện vào những ngày Quý (chẳng hạn Quý Dậu hay Quý Mùi theo lịch pháp cổ) để đảm bảo trong tuần tới không có tai họa xui xẻo gì. Theo lịch pháp cổ 1 tuần có 10 ngày, nên hết một chu kỳ thiên can là có 60 ngày. Cứ 10 ngày là lại trở vào ngày Quý nên lại bói tiếp. Sáu lần bói như vậy thành một chu kỳ và được khắc, ghi lại trên một mai rùa (đúng ra là trên phần phúc giáp: yếm rùa). Khi so sánh những quẻ bói được ghi trên giáp cốt và bát quái trong Chu Dịch học giả Khuất Vạn Lý ghi nhận hai điểm tương đồng: trước hết là căn cứ theo logic và sau đó là căn cứ theo tập quán. Thứ tự sắp xếp các phiên bản bói ngày Quý thông thường là sắp xếp từ dưới lên trên. Khuất Vạn Lý giả thuyết rằng những vết nứt trên phúc giáp có hình dạng giống như chữ “bốc” là nguồn gốc tạo ra những vạch đứt và vạch liền tạo thành một quẻ. Giả định này có sức thuyết phục vì nguyên tắc tạo quẻ cũng chép các hào từ dưới lên trên. Nếu nhìn trong hình vẽ ta thấy quan điểm Khuất Vạn Lý có sức thuyết phục rất cao. Sáu nhóm biên bản bói toán trong sáu lần xếp trên một mảnh phúc giáp trông rất giống một hình quẻ gồm có sáu hào. Như vậy trái với quan điểm truyền thống vẫn cho rằng quẻ sáu hào (trùng quái) được tạo thành bằng cách trồng hai quẻ đơn (đơn quái) lên nhau, Khuất Vạn Lý khẳng định ngay từ đầu cổ nhân đã sử dụng quẻ sáu hào.”
Sưu Tầm và Trích Dẫn Nguồn: Hoàng Trung