Các bộ sách kinh điển trong phong thủy (Bài 2)
-
Táng Kinh: một tác phẩm nửa thật nửa giả
Thanh Ô Tử là người như thế nào?
Thanh Ô Tử là người như thế nào? Nửa người nửa thần. “Bão Phác Tử – Cựu ngôn” viết: “Lại nói các đệ tử của Bành Tổ, ông Thanh Y Ô, ông Hắc Huyệt, ông Tú Mi… bảy tám người đều sống đến mấy trăm tuổi ở đời Ân rồi đều quy Tiên”. “Chân cáo chân mệnh thụ” chép: “Xưa, ông Thanh Ô được thầy giỏi dạy dỗ, nghiên cứu về kiếp tiên, vào núi Hoa Âm học đạo, tích lũy kiến thức trong bốn trăm bảy mươi mốt năm, 12 lần thi thì 3 lần không đạt. Sau được thăng làm Thái Cựu. Thái Cựu đạo nhân có 3 lần thi không đỗ, chỉ là người tiên, không được làm chân nhân. Nói vậy là ý gì?”. Vậy là coi Thanh Ô Tử là tiên cùng loại với Bành Tổ?
Thanh Ô Tử lưu dấu chân ở các nơi. Đàm Diêu đời Tống trong “Gia Thái Ngô Hưng chí” quyển 4, chép: “Trường Hưng Ô xem núi ở bắc huyện năm mươi dặm, cao bốn trăm thước”, “Sơn hư danh” chép: “xưa có Thanh Ô Tử chiêm vọng núi này, nói rằng núi này có thể lánh nạn và đường đạo, người lánh đời có thể đến ở, do đó mà có tên”.
Cái tên Thanh Ô Tử xuất hiện lần đầu ở sách nào? “Tứ khố toàn thư tổng mục” viết: “Muốn khảo cứu Thanh Ô Tử thì viết ở Tấn Thư – Quách Phác truyện”. Nhưng Tấn Thư – Quách Phác truyện chỉnh lý ở đời Đường thì không có tên Thanh Ô Tử. Trong lịch sử có 18 “Tấn Thư”, ngày nay còn lại một số, theo khảo cứu của Dư Gia Tích thì không một “Tấn Thư” nào ghi chép về Thanh Ô Tử. Rà soát lại văn bản, thấy tên Thanh Ô Tử đã xuất hiện từ đời Hán. “Quảng Vận” 15 chữ “Thanh” dẫn Đông Hán ứng Thiệu Phong tục thông”, viết: “Không có Thanh Ô Tử giỏi về mồ mả”.
Nhưng trước đời Đường quả có sách “Thanh Ô Tử”. “Thế thuyết Tân ngữ – Thuật giải thiên”, Lưu Hiếu Tiêu (Lương) chú giải có dẫn “Thanh Ô Tử tướng chủng thư” nói rằng: “táng ở sừng rồng thì phú quý bột phát, sau đó không còn bát ăn”. Ngu Thế Nam (cuối Tùy đầu Đường) tại “Bắc thường như sao” quyển 146, dẫn “Thanh Ô Tử táng thư” nói: “Ngày mở huyệt, thường cúng tổ công bằng cá rán”. Âu Dương Tuần (Đường) tại “Nghệ văn loại tụ” dẫn “Tướng trùng thư” viết: “Thanh Ô Tử” nói rằng nếu táng ở núi có hình trăng khuyết hoặc như con đò thì phú quý; táng ở núi có hình mào gà thì tuyệt diệt; táng ở núi trùng điệp, dáng như chiêng thì thì giầu đến liên châu hai nghìn thạch”. Lý Thiện (Đường) chú “Văn tuyển” quyển 23 “Lưu Lăng Vương mộ hạ tác” dẫn “Thanh Ô Tử” viết: “Thiên tử táng ở núi cao, chư hầu táng ở chỗ đồi gò liền nhau”. Những điều trên đây chứng tỏ “Thanh Ô Tử” lưu hành rộng rãi.
Trong mục lục văn hiến, “Cựu Đường thư – Kinh tịch chí”, “Tân Đường thư – Nghệ văn chí” đều chép “Thanh Ô Tử” ba quyển, không ghi tên người soạn. Nhưng “Tống sử – Nghệ văn chí”, “Sùng văn tổng mục” không thấy đưa sách này vào, do sơ suất hay là do “Thanh Ô Tử” đã thất truyền? Đây là vấn đề các nhà học thuật phải làm rõ. Hiện nay, tại “Tiểu thập tam kinh”, “Học tân thảo nguyên”, “Nhị thập nhị tử toàn thư”, đều có một quyển “Thanh Ô tiên sinh táng kinh”, đề Thanh Ô Tử đời Hán soạn thảo, thừa tướng Đại Kim Ô Khâm Trắc chú giải. Quyển “Thanh Ô tiên sinh táng kinh” có nhiều điểm đáng ngờ: Rất nhiều câu của “Thanh Ô Tử” được trích dẫn trong các sách đời Đường hoặc trước đời Đường, nay sao không thấy? Vì sao các mục lục đời Tống không chép Thanh Ô Tử. Vì sao bản sách này có rất nhiều nội dung trong “Táng thư” của Quách Phác? Thừa tướng Đại Kim Ô Khâm Trắc là ai? Vì sao trong “Kim sử” không thấy tên ông này? Ông thừa tướng “trên trời rơi xuống” này sao lại chú thích sách này? Có thể thấy sách này là sách giả mạo sau đời Tống.
Sách này còn có tên “Thanh Ô tiên sinh táng kinh”, trước đó đã có lời tựa tên là Thừa tướng Đại Kim Ô Khâm Trắc. Ô Khâm Trắc là ai? Vì sao lại phải giả làm tên ông này để đề tựa? Nhất thời chưa thể làm rõ. Nội dung bài tựa có thể chia làm hai phần: một là khảo chứng Thanh Ô, viết “Tiên sinh là người thời Hán, tinh thông thuật âm dương địa lý, mà sử không chép tên. “Táng thư” của họ Quách đời Tấn dẫn Kinh chính là kinh của ông”. Hai là đánh giá về sách, viết: “Lời của Tiên sinh giản dị và nghiêm túc, ngắn gọn mà đắt, trở thành lối văn về âm dương cho hậu thế”.
Sách này cứ bốn chữ là một câu, không chia thiên chia quyển, nội dung được đề cập gồm: Bàn Cổ hỗn mang, đọng kết sông núi, đất phúc hậu, núi ngưng nước lắng, mạch gặp nước dừng, những huyệt khả úy, quỷ thần và người, huyệt tốt mà ấm, quý khí tương tư (bổ trợ cho nhau), ngoại cầu (tìm kiếm) nội mị (tìm kiếm), thế dừng hình ngang, núi theo dòng chảy, trăm sông đổ về một mối, an chỉ xa xăm, hướng định âm dương, chủ lập bần tiện, đất phát công hầu, đất phát tể tướng, đất phát ngoại đài, đất phát phú quý, đất phát về văn, đất phát đại phú, đất bần tiện, chôn trộm, huyệt cát, hung táng, phong thủy tự thành (vốn có).
Qua trích yếu trên đây, ta thấy các lý luận mà các thầy phong thủy đời sau thường rêu rao, về cơ bản đã có ở sách này. Như nói về điểm huyệt, sách này viết: “Huyệt mà không thuận, xương mục rữa nát. Huyệt mà bất cập, chủ nhân tuyệt diệt; huyệt mà thẩm lậu, quan nghiêng quách ngửa, huyệt mà quay đi, hàn tuyền róc rách, đáng sợ như vậy, sao không cẩn thận”. Lại viết: “Nội khí phát sinh, ngoại khí thành hình. Nội ngoại nối tiếp, phong thủy tự thành. Lấy mắt mà đo, lấy tình mà hiểu. Nếu hiểu điều đó, mặc sức tung hoành”.
Qua đoạn văn trên, ta thấy những chỗ dấu đầu hở đuôi. Đời Hán chưa có từ “Phong Thủy” để gọi thuật tướng địa, vậy mà sách này lại viết “phong thủy tự thành”, rõ ràng không khảo mà xưng sách này không phải của người đời Hán soạn thảo, cũng không phải của Thanh Ô tiên sinh. Sách mượn tên Thừa tướng nhà Kim viết lời tựa và chú giải, lời chú và lời văn của sách cùng một phong cách, rất có thể cùng một người viết. Từ đó có thể suy đoán rằng, sách được soạn vào đời Nguyên, Minh.
(Theo sách “Đại điển tích văn hóa Trung Hoa – tập Bí ẩn của Phong thủy”)