“Tam cương – Ngũ thường” trong phong thủy học
“Tam cương ngũ thường”
“Tam cương ngũ thường” là cách các nhà Phong thủy học mượn ‘cương thường” trong quan niệm đạo đức thời xưa để nói lên những tổng kết mang tính khái quát về yếu tố hình thế trong Phong thủy. “Tam cương” chỉ khí mạch, minh đường và thủy khẩu. “Ngũ thường” chỉ long, huyệt, sa, thủy và hướng.
Sách “Địa lý ngũ quyết – Địa lý tổng luận” có phần bàn về “Tam cương” như sau: “Khí mạch là “cương” phú quý bần hàn, minh đưòng là “cương” sa thủy đẹp xấu, thủy khẩu là “cương” sinh vượng tử tuyệt”. Phần bàn về “Ngũ thường”: “Long phải là chân long, huyệt phải bằng phẳng, sa phải thanh tú, thủy phải ôm vòng, hướng phải là hướng tốt”.
Khí mạch (còn gọi là Long mạch):
Thế của Long mạch phải lớn như thiên binh vạn mã di chuyển trên bầu trời, khí tượng tôn nghiêm, có thiên quân ủng hộ, bảo vệ, có cờ xí bao quanh thì sinh khí sẽ thịnh vương, sức lực dẻo dai. Khi đó, đất tại nơi kết huyệt sẽ là đất tốt, ngưòi chết sau khi an táng sẽ có nhiều khí, giúp con cháu được phát phúc lâu dài. Ngược lại, nếu thế nhược thì khí mỏng mà phúc lại nhỏ. Chính vì những nguyên nhân này mà các nhà Phong thủy học mới nhận định khí mạch là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt phú quý hay bần hàn.
Minh đường
Minh đường nói một cách đơn giản là khoảng đất trống ở phía trước huyệt. Minh đường cũng là nơi sinh khí tụ hợp nên điều kiện cần thiết là phải rộng và bằng phẳng. Một số điều kiện cần thiết khác của Minh đường là: Phía trước có triều án, phía sau có núi dựa, tựa như một bức bình phong, bên trái có Thanh long, bên phải có Bạch hổ, đón được nhiều đường nước đến. Chỉ khi hội đủ những điều kiện như vậy, Minh đường mới được coi là nơi tụ khí tàng phong. Nếu Minh đường không bằng phẳng, rộng rãi mà lại có những vết lún hoặc nứt ngang dọc thì sinh khí sẽ rất khó hội tụ hoặc cũng có thể hội tụ nhưng ngay lập tức lại bị cuốn bay theo gió. Chính vì những nguyên nhân này mà các nhà Phong thủy học mới nhận định Minh đường chính là yếu tố quan trọng nhất để phân định sự tốt hay xấu của sa thủy.
Thủy
Thủy là tài nguyên (nguồn gốc của tiền tài) và cũng là ngoại khí của sinh khí. Khí tụ lại cũng là có nghĩa sinh vượng. Nếu thủy chảy qua nhiều “cửa ải” rồi cong vòng và tụ lại thì mới được coi là sinh và vượng. Nếu đường nước cứ đi thẳng mà không cong vòng hoặc ôm ngược lại thi nghĩa là tài khí bị thất thoát. Những vùng đất như vậy cũng được coi là không tốt đẹp, là tử địa hoặc tuyệt địa. Chính vì những nguyên nhân này mà các nhà Phong thủy học mới coi Thủy khẩu là cương định để xác định sinh vượng tử tuyệt.
Trong Ngũ thường, Long chỉ được coi là Chân long khi thế ở xa và lớn, đồng thời lại có nơi bắt nguồn từ rất xa, có các nhân tố bảo hộ dày đặc ở xung quanh, nhiều màn trướng, có yếu tố đón và tiễn. Huyệt phải bằng phẳng, nghĩa là thế long phải đẹp, có nhiều núi nhỏ hộ vệ hữu tình ở xung quanh. Minh đường phải rộng rãi và bằng phẳng, là nơi hội tụ của nhiều đường nước ôm vòng, bao bọc. Các núi nhỏ hộ vệ ở xung quanh Minh đường đều phải thanh tú. Sơn hình thủy thổ đều là nơi sinh khí phát sinh nên cần phải đẹp và thanh, tròn trịa. Cây cỏ mọc rậm rạp ở xung quanh Minh đường chính là hình của sinh khí. Nếu núi khô xác, cây cỏ cằn cỗi thì đây là dấu hiệu cho thấy ác khí đã ngưng tụ, đất rất khó kết huyệt. Tất cả các đường nước đều phải ôm vòng, bao bọc. Đường nước đến phải quay vòng lại, ôm vòng bảo vệ, đường nước đi cũng phải chảy vòng như ngoái đầu lại nhìn. Những đường nước có đặc điểm như vậy được gọi là hữu tình và hướng về huyệt. Ngoài ra, một điều kiện nữa đối với các đưòng nước xung quanh huyệt là phía trên phải mở và phía dưới phải hợp. Hướng của huyệt phải lập được hướng tốt.
(Theo Bách khoa phong thủy của Vương Minh Quang)