Thiên tâm là từ chỉ trung tâm của Âm trạch, dương trạch và Minh đường. Thiên tâm thập đạo là phương vị được các nhà Phong thủy học xác định trên cơ sở lấy điểm đối xứng giao nhau của bốn núi ở phía trước, phía sau, bên phải và bên trái của huyệt. Tại trung tâm của Minh đường, các nhà Phong thủy học vẽ một chữ thập lớn và gọi đó là Thập đạo. Trong cuốn sách “Tiết thiên cơ – Toàn cục nhập thế ca”, tác giả Liêu Vũ có nhận định: “Thập đạo phải vô biên”. Bên cạnh đó còn có phần chú dẫn tương đối rõ ràng: “Thập đạo là phần chữ thập được xác định khi nhập trạch, cần có đặc điểm là tứ vị đều đối xứng và vô biên, dày đặc không lộ, sau đó mới là Thiên tâm chính huyệt”.
Từ “tứ vị” trong phần chú dẫn trên được giải thích là bốn ngọn núi ở phía trước phía sau, bên phải và bên trái của Minh đường. Các núi này phải đối xứng từng đôi một với nhau thì mới được coi là tốt đẹp tuyệt đối không thể có hiện tượng lệch nhau hay khuyết mất một núi nào đó.
Trong cuốn “Địa lý nhân tử tu tri – Huyệt pháp”, tác giả Từ Thiện Kế có nhận định: “Xác định Thiên tâm thập đạo, cần chú trọng đến bốn núi ở phía trước, phía sau, bên phải và bên trái. Huyệt pháp rất cần có Chủ sơn ỏ phía sau, án sơn ở phía trước và Giáp nhĩ sơn ở bên phải và bên trái. Bốn núi này còn được gọi tên là Tứ ứng đăng đối. Chủ sơn, án sơn, giáp nhĩ sơn và củng sơn đều là những yếu tố vô cùng cần thiết để chứng huyệt, không thể thiếu bất cứ một yếu tố nào. Chân huyệt cần có đầy đủ tất cả những yếu tố kể trên. Khi điểm huyệt, cần quan sát cẩn thận và kỹ càng tất cả những yếu tố xung quanh, đặc biệt là bốn núi ở bốn phía của huyệt trường. Tuyệt đối không được đặt huyệt nằm lệch với Thiên tâm thập đạo, bởi như vậy sẽ bị mất huyệt. Hai núi Giáp nhĩ sơn ở bên trái và bên phải của huyệt không được tiến lên phía trước hoặc lùi về phía sau; Chủ sơn và Án sơn ở phía trước và phía sau không được lệch sang bên trái hoặc lệch sang bên phải. Thập tự phải đạt được yêu cầu đăng đối thì mới được coi là tốt đẹp”. Với những huyệt hội đủ điều kiện núi ở bốn phía đối xứng từng đôi một, ôm vòng và hướng về huyệt, các nhà Phong thủy học đều cho rằng đó là tướng đại quý.
Trong cuốn “Kham dư mạn hưng” của Lưu Cơ có đoạn viết: “Thiên tâm thập đạo cần được xác định thật chuẩn xác: Phía trước có án sơn, phía sau có chủ sơn, bên phải và bên trái có giáp nhĩ sơn. Các núi này cần đối xứng với nhau từng đôi một, hữu tình và hướng về huyệt. Huyệt có được những đặc điểm như vậy có thể coi là tướng đại quý”.
Trong Dương trạch xây dựng nhà cửa, tại phần chính giữa của thiên tỉnh trong nhà, vạch một đường hình chữ thập, bao xung quanh là bốn bức tường. Thập đạo này thường nằm ở phía trong cổng, trước cửa lớn, hoặc ở phần chính giữa của gian phòng cao nhất trong nhà, sau đó dùng la bàn để xác định Thập tự thiên tâm nhằm định ra 24 sơn hướng, từ đó xác định Tây tứ, Đông tứ. Từ những nhận định trên, xem xét tiếp đến mối quan hệ trong sự phối hợp giữa hướng của cửa lớn, hướng chính của ngôi nhà, gian bếp,… để xác định cát hung.
(Theo Bách khoa phong thủy của Vương Minh Quang)